Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời thợ mộc...

10:10, 24/10/2016

Tiếng máy cưa, máy bào, tiếng búa đóng đinh vào gỗ..., người thợ mộc đã quen với những âm thanh đó từ lúc chập chững làm nghề.

Tiếng máy cưa, máy bào, tiếng búa đóng đinh vào gỗ..., người thợ mộc đã quen với những âm thanh đó từ lúc chập chững làm nghề. Cho nên, khi đã thành người thợ lành nghề, đôi tai họ không còn thính, mắt phải đeo kính cận, đôi tay thì chai sần, nhiều vết sẹo.

Ngày càng ít người trẻ theo đuổi nghề mộc.
Ngày càng ít người trẻ theo đuổi nghề mộc.

Cả cuộc đời gắn với xưởng mộc, người thợ mộc đã đóng cho thiên hạ nhiều nếp nhà để ở, nhiều giường, tủ, bàn ghế... để sử dụng. Tuy vậy, không phải người thợ mộc nào cũng có tiền dựng cho vợ con căn nhà, mua sắm các vật dụng sinh hoạt được làm ra từ đôi tay tài hoa của mình.

Tai nạn nghề nghiệp

Để tạo nên cái xưởng mộc nho nhỏ tại nhà, ông Lê Yên (ngụ ấp 2, xã Phú An, huyện Tân Phú) phải trải qua bao năm tháng học nghề, làm công cho những chủ trại mộc lớn, nhỏ trong vùng. Khi có được số vốn nhỏ, ông Yên mới mạnh dạn mở xưởng mộc cho riêng mình. Ngày làm chủ xưởng, ông Yên suýt rơi vào vòng lao lý khi mua nhầm gỗ không rõ nguồn gốc, bị lâm tặc cắt trộm từ rừng về bán. Thoát được vụ đó, ông Yên tạm đóng xưởng mộc, xách đồ nghề đi làm mộc thuê để trang trải các khoản nợ nần. Ông Yên tâm sự, đó là “tai nạn nghề nghiệp” nhớ đời của ông, bao nhiêu vốn liếng tích góp để mở cái xưởng mộc nhỏ của ông Yên đã trôi tuột khỏi tay.

Trong cái xưởng mộc đầy bụi bặm ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), ông Yên cho biết tai nạn nghề nghiệp của người thợ mộc không phải chỉ là chuyện mua nhầm gỗ lậu dẫn đến phá sản, đi tù mà còn là những tai nạn lao động chết người, gây thương tích, bồi thường do làm hàng bị lỗi. Chuyện người thợ xẻ gỗ bị điện giật, lưỡi cưa, dăm gỗ văng trúng người trong lúc làm việc dẫn đến mất mạng hoặc mất ngón tay, hư mắt… không còn hy hữu. Với nghề mộc, người chủ xưởng và người thợ làm công đều có cái khổ riêng, chẳng ai giống ai.

Thợ mộc già Nguyễn Văn Trẫn (KP.6, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) với 50 năm làm nghề mộc.
Thợ mộc già Nguyễn Văn Trẫn (KP.6, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) với 50 năm làm nghề mộc.

Theo cha làm nghề từ năm 12 tuổi, ngoài đôi bàn tay chai sần đầy vết sẹo, thợ mộc già Nguyễn Văn Trẫn (KP.6, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) còn bị mất nhà vì sự ghen ăn tức ở của người thân.

Ông Trẫn tâm sự, thấy ông và người em trai mở xưởng mộc ăn nên làm ra, người anh ruột xúi giục mẹ kiện đòi đất. Vậy là cái xưởng mộc không còn, ông phải thuê nhà trọ để ở và trở thành người làm thuê. Riêng người em thì khốn đốn, phải vay tiền nóng để cố giữ lại xưởng mộc. Khổ thân em trai ông khi gặp phải thời điểm hàng mộc ế ẩm nên “xất bất sang bang”. “Làm nghề này, giỏi mà không gặp thời cũng chết. Nhưng cái chết khi gặp vận xui đỡ tủi thân hơn việc bị anh em, đồng nghiệp tìm cách phá, hại nhau” - ông Trẫn bộc bạch.

Bàn tay tài hoa

Bao nhiêu khung nhà gỗ được dựng lên, những chiếc giường, tủ, bộ bàn ghế… được đóng thành hình từ những thân cây đều in dấu tay người thợ mộc. Từ bộ đồ nghề đơn giản, như: đục, cưa, bào…, đôi tay người thợ mộc làm thủ công vẫn không kém tài hoa so với thời làm mộc hiện đại với các loại máy: khoan, cưa, bào, chạm… hỗ trợ.

Thợ mộc Hai Hiền (ngụ ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, tay nghề người thợ mộc nằm ở sự tinh xảo qua từng sản phẩm làm ra. Sự tinh xảo đó được đánh giá qua giá trị từng sản phẩm khách đặt hàng, chứ không phải làm ra sản phẩm hàng loạt, đồng dạng và giá thành giống nhau. Thiếu đi sự tinh xảo của đôi tay, hàng mộc thủ công sẽ lụi tàn trước sự cạnh tranh của mộc gia dụng với máy móc hỗ trợ.

Còn thợ mộc Ba Trãi (ngụ ấp 2, xã Ngọc Định, huyện Định Quán) chia sẻ, đôi tay người thợ mộc càng tài hoa thì càng chai sạn nhiều. Chỉ cần nhìn vào ngón tay cái của người thợ mộc sẽ biết ngay họ có phải là thợ giỏi nghề hay là thợ thường, thợ phụ. Bởi, ngón cái của người thợ mộc giỏi nghề khó duỗi thẳng được, nó luôn chếch 450 vì phải tiếp xúc liên tục với chiếc bào, cưa, gỗ. Bên cạnh đó, đôi tay của người thợ mộc ngoài sự chai sần, nhiều vết thương, phỏng rộp, nó thường to và mất cân đối so với cơ thể.

Máy móc ngày càng giúp ích cho người thợ mộc làm ra những sản phẩm tinh xảo hơn, đồng đều hơn, nhiều hàng hơn so với thời làm mộc thủ công. Tuy nhiên, nếu thiếu đi đôi tay tài hoa, khối óc sáng tạo và sự say mê nghề của người thợ, sản phẩm gỗ sẽ đi vào lối mòn, rập khuôn, đơn điệu.

Thợ mộc Nguyễn Văn Trẫn cho hay, người thợ giỏi nghề là người luôn bắt kịp với từng mẫu mã mới theo nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, họ phải đóng và sửa được tất cả các loại tủ, bàn ghế, giường… cổ xưa với những nét tinh xảo như cha ông đã đóng nó cách đây hàng chục năm.

Tiếng máy cưa, đục, bào… thôi thúc người thợ chạy đua với từng sản phẩm để kịp giao cho khách hàng. Nơi xưởng gỗ đầy bụi, người thợ mộc già Ba Tèo (ngụ KP.6, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) phải gồng mình với khối gỗ to để cho ra những thanh giường, chân tủ kịp chuyển đến tay người thợ trẻ Trần Mến đưa lên dàn máy khoan chạm. Người thợ già Ba Tèo nói: “Một tuần tôi phải ăn tiết canh heo một lần cho mát phổi. Thuốc cảm, thuốc ho thì lúc nào cũng có bên người, khi cảm thấy cơ thể bất ổn thì uống ngay. Lương của người thợ giỏi 350 ngàn đồng, thợ phụ 200 ngàn đồng/8 tiếng làm việc và chủ sẽ bồi dưỡng thêm nếu làm thêm giờ khi nhiều hàng. Số tiền đó tuy không cao nhưng đủ cho tôi gắn bó với nghề, nuôi sống vợ con suốt bao năm qua khi từ miền Trung về Tân Hòa làm mộc thuê”.

Năm 2008, nhiều xưởng mộc ở TP.Biên Hòa phá sản, lâm vào nợ nần khi hàng hóa không xuất khẩu được. Một số xưởng mộc đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, buộc người thợ phải tìm việc khác mưu sinh. Chủ trại mộc Nguyễn Tân (KP.6, phường Tân Hòa) kể, ông phải vay nóng để có tiền trả cho công thợ, duy trì sản xuất. Khi khủng hoảng qua, giới tích lũy hàng trúng đậm, riêng ông phải gồng sức ra làm ngày làm đêm để gỡ gạc lại những khoản lỗ trước đó. “Hàng nhiều và gấp, người thợ ngủ gật trong lúc làm, để đục rớt trúng chân, cưa vào tay là chuyện thường” - ông Tân nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

Tin xem nhiều