Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, những món bánh gia truyền ngày nay vẫn được gìn giữ, một phần để lưu lại hương vị quen thuộc của cha ông, một phần vì sự tiếp nối truyền thống của gia đình.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, những món bánh gia truyền ngày nay vẫn được gìn giữ, một phần để lưu lại hương vị quen thuộc của cha ông, một phần vì sự tiếp nối truyền thống của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Phin (KP.4, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) khoe những liếp bánh đa ngọt phơi đủ nắng. |
Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm bánh gai, bà Trần Thị Nhu (ngụ KP.1, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) tâm sự: “Các loại bánh truyền thống khó ăn so với các loại bánh được sản xuất theo công nghệ bây giờ bởi vì thường quá ngọt, hạn sử dụng ngắn, bao bì không bắt mắt… Tuy nhiên, những người làm bánh truyền thống chúng tôi vẫn cố gắng giữ nghề, bởi nó là một phần lịch sử của gia đình, là sợi dây kết nối con cháu với ông bà ngày xưa”.
Đời truyền đời, nghề dạy nghề
Tiệm bánh gai Ninh Cường ở KP.4, phường Tân Mai đã có truyền thống làm bánh gai 60 năm và truyền được 3 đời. Người chủ tiệm hiện nay là bà Nguyễn Thị Lan, cháu dâu của bà Nguyễn Thị Mậu - thế hệ làm bánh gai đời thứ nhất của tiệm. Bà Lan cho hay, khi về làm dâu trong nhà (năm 1998), bà đã được mẹ chồng dạy cách làm bánh, dù rất vất vả nhưng vì là nghề gia truyền nên tất cả thành viên trong nhà đều phải học. Không chỉ con dâu mà cả con trai, con gái trong nhà, thế hệ của bà Lan, mẹ chồng bà Lan, ai cũng biết làm bánh gai, ai ai cũng vươn lên thành đạt từ chiếc bánh gai đậm vị quê hương.
“Nghề làm bánh gai của gia đình tôi có nguồn gốc từ làng Ninh Cường (thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), theo chân ông bà vào Nam từ năm 1954 đến nay. Không chỉ gia đình tôi, hầu hết gia đình làm bánh gai truyền thống ở phường Tân Mai đều có nguồn gốc từ làng Ninh Cường, nhưng hiện không còn mấy tiệm duy trì nghề làm bánh gai. Để ra được một mẻ bánh gai đúng vị phải mất gần 20 giờ, trải qua nhiều công đoạn, trong đó cực nhất là hầm lá gai và đảo bột. Do đó, hầu hết gia đình làm bánh gai truyền thống (tất cả công đoạn đều làm bằng tay) hầu như đều đặn một ngày làm bánh, còn một ngày phải lo chuẩn bị các vật liệu cho mẻ bánh hôm sau” - bà Lan tâm sự.
Chị Trần Thị Mai Ly đang nướng bánh đa. |
Cũng làm món bánh truyền thống có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc, gia đình bà Nguyễn Thị Phin (chủ tiệm bánh đa Lê Hoàng, KP.4, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, thế hệ thứ 2 làm bánh đa ngọt của tiệm) đã có hơn 40 năm làm bánh đa ngọt và truyền được sang thế hệ thứ 3.
Bà Phin cho biết gia đình chồng bà đã truyền đời cách làm món bánh này từ huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương), vốn nổi tiếng với nhiều loại bánh đa, nên khi vào Nam gia đình chồng bà cũng đem theo món bánh gia truyền vào vùng đất mới.
“Nghe cha chồng tôi kể, ngày xưa món bánh này được cả làng, cả xã làm, nhà nào cũng đầy liếp tre phơi bánh đa mè, bánh đa gấc… Hồi trước, ở khu vực phường Hố Nai có nhiều gia đình làm bánh đa, bánh tráng, nhưng hiện nay phần lớn đã bỏ nghề. Gia đình tôi làm bánh đa được trên 40 năm, giờ truyền lại cho mấy đứa con, cũng nhờ có mối làm ăn từ trước nên còn duy trì được nghề. Làm nghề này không khó, chỉ cực mỗi lần nắng phải đem bánh ra phơi; nếu mùa khô thì phơi một nắng, mùa mưa thì canh trời mưa để đem cất để không bị ướt” - bà Phin tươi cười cho biết.
Vất vả giữ nghề xưa
Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ, nghề làm bánh truyền thống được truyền qua nhiều đời, dù đi đâu, cuộc sống thay đổi thế nào thì hương vị của các món bánh xưa vẫn lưu truyền trong tâm thức người Việt. Do đó, nếu không thể duy trì được cửa tiệm mà gia đình chồng truyền lại, bà sẽ cảm thấy rất áy náy. |
Gia đình đã có 3 đời giữ nghề làm bánh gai, nhưng bà chủ tiệm bánh gai Tân Mai (phường Tân Mai) Trần Thị Nhu cho hay năm nay bà đã trên 70 tuổi, và có lẽ bà sẽ là thế hệ sau cùng của gia đình còn làm loại bánh này. Giống các gia đình làm bánh gai truyền thống khác, bà học nghề từ mẹ chồng, nhưng đến nay các con, cháu bà lại chọn nghề khác mưu sinh với lý do nghề làm bánh quá vất vả, bánh bán không chạy do không còn phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
“Bọn trẻ bây giờ lo học hành, đi làm công ty chứ không chịu học nghề làm bánh. Ngay như tiệm tôi, giờ chỉ còn mình tôi làm bánh, cả tháng nay đau lưng nên có làm được mẻ bánh nào đâu. Mấy lần con cháu khuyên tôi nghỉ làm, nhưng ngồi không lại nhớ nghề, thế là tôi quay lại làm bánh. Do làm thủ công nên số lượng bánh ít, khách mua cũng chỉ loanh quanh vài người bạn già hoặc các mối quen, thỉnh thoảng mới có khách vãng lai mua bánh. Ngày xưa, nhiều gia đình dùng bánh gai trong các dịp lễ, tết nên còn nhiều khách. Bây giờ nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, người ta không chuộng bánh gai như trước nên khách mua ngày càng ít” - bà Nhu trầm ngâm kể.
Bà Nguyễn Thị Lan cũng than thở, bánh gai truyền thống hiện nay bán không còn đắt hàng như trước, thời hạn sử dụng lại ngắn nên chuyện phải bỏ bánh cũ là điều thường xuyên. Mỗi mẻ bánh, tiệm Ninh Cường cho ra lò khoảng 100 bánh, có ngày bán hết, có ngày chỉ bán được vài cái.
Chồng bà Lan, ông Nguyễn Văn Điệp cho hay khi còn khỏe, ông còn đảo bột mạnh tay mà vợ chồng ông đã có ý định bỏ nghề, nay sức khỏe kém ông càng khó phụ vợ mỗi lần làm bánh. Mọi người khuyên ông nghỉ làm bánh chuyển sang nghề khác, nhưng nghĩ đến truyền thống gia đình ông lại tiếp tục làm.
Khác với các gia đình làm bánh gai truyền thống ở phường Tân Mai, chị Lê Thị Mai Ly (ngụ KP.4, phường Hố Nai, con gái bà Nguyễn Thị Phin, hiện là thế hệ thứ 3 của tiệm bánh đa Lê Hoàng) lại có thu nhập khá từ nghề làm bánh đa ngọt gia truyền.
Chị Ly nhận định: “So với các loại bánh truyền thống, món bánh đa ngọt dễ ăn, dễ vận chuyển, có thể đóng gói gọn, đẹp gửi ra nước ngoài mà không sợ hư. Vì vậy, hiện mỗi ngày gia đình tôi cho ra lò 600-700 bánh mà không cần quá nhiều người làm”.
Tuy vậy, chị Ly vẫn lo lắng không biết nghề làm bánh đa ngọt có duy trì được lâu nữa không khi các loại bánh sản xuất với dây chuyền công nghệ của các thương hiệu lớn đang chiếm lĩnh thị trường. Chị Ly cho hay, trong quá khứ ngay cả những gia đình làm bánh đa truyền thống cũng phải chuyển sang các nghề khác, nếu không biết cách thích nghi với thị hiếu khách hàng thì các cơ sở làm bánh truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đăng Tùng