Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trị An Nguyễn Ngọc Nam cho hay xóm "Huế thương" ở ấp 2 có trên 30 hộ, bao năm qua họ luôn sống hiền hòa, đoàn kết cùng với người dân địa phương, dân di cư từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến đây.
Đường tỉnh 768 qua xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) với nhiều tuyến nông thôn mới có treo biển: xóm Huế, xóm Cháy… Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trị An Nguyễn Ngọc Nam cho hay xóm “Huế thương” ở ấp 2 có trên 30 hộ, bao năm qua họ luôn sống hiền hòa, đoàn kết cùng với người dân địa phương, dân di cư từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến đây.
Cư dân xóm Huế tự hào khi xóm được đặt tên đường. |
Xóm Huế ở ấp 2 có phần lớn dân cư là những người di cư tự do từ làng An Lai, xã Hương Phong, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Trần Xuân Tản là người Huế đầu tiên về đây khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Sau đó, ông gọi thêm anh em, đồng hương sống phiêu bạt ở các tỉnh miền Tây Nam bộ về đây lập xóm.
* Tình đồng hương
Năm 1976, một mình về ấp 2, xã Trị An lập nghiệp, ông Tản chọn vùng đất hoang ven dòng suối Bà Giá để khai hoang. Đơn độc một mình nơi suối Bà Giá cũng thấy buồn, ông Tản kêu gọi 10 hộ người Huế là họ hàng, đồng hương đang sống tại các tỉnh miền Tây Nam bộ về đây lập nghiệp. Mới đầu chỉ có 3 hộ: Kháng, Bưu và Vân về ở. Để đùm bọc người mới về, ông Tản chỉ đất cho đồng hương dựng chòi, hướng dẫn mọi người bám lấy triền suối Bà Giá để khai phá đất trồng mì và tỉa đậu, bắp, lúa rẫy sống qua ngày.
Là cư dân gốc ở Trị An, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trị An Nguyễn Ngọc Nam cho biết ông rất quý cư dân xóm Huế trong ấp 2 bởi cách sống chân tình, hòa nhã, đoàn kết và cả sự tằn tiện, tích lũy kiên trì đáng nể của họ. Nhờ vậy, dân Huế ở xã Trị An không còn hộ nghèo, số hộ có đời sống kinh tế khá tăng nhanh. |
Đến năm 1978, ông Tản và 3 hộ: Kháng, Bưu và Vân gọi thêm 6 gia đình người đồng hương làng An Lai về ấp 2, xã Trị An định cư.
Trưởng ấp 2 Ngô Văn Truyền kể, đáng lẽ ra ông và 5 hộ: bà Cúc, ông Ngộ, ông Mão, ông Cẩm và ông Trân về ấp 2 lập nghiệp cùng ông Tản ngay từ năm 1976. Do mọi người di cư vào miền Tây làm thuê và mất liên lạc với ông Tản, nên phải đợi đến khi bắt được liên lạc mọi người mới rủ nhau về đây lập xóm.
“Theo nếp quen, người đến trước giúp đỡ người đến sau. Người mới đến được những người đến trước hướng dẫn cách thức làm ăn, ra rừng, ra suối chặt cây, cắt tranh, chặt lá buông về dựng nhà. Cuộc sống những năm tháng ấy rất nghĩa tình và ấm áp” - ông Truyền bộc bạch.
Dân thưa, rừng rộng nên thú rừng (khỉ, heo, chồn…) mặc sức phá hại hoa màu của xóm Huế. Dù tiếc hùi hụi một phần lớn hoa màu bị thú rừng phá hại, nhưng các hộ dân ở xóm Huế không bắt chước người di cư xứ khác ra sức bẫy giết thú rừng để bán lấy thịt (bù phần hoa màu bị chúng phá hại). Hoa màu sắp đến ngày thu hoạch, mọi người phân công nhau đi xua đuổi hoặc làm các hình nộm người bằng rơm để dọa. “Tụi tui là dân nghèo nên tiếc từng chút nông sản làm ra. Tuy vậy, mọi người thống nhất không giết hại thú rừng vì sợ bị thần rừng phạt” - ông Tản nói.
Vậy mà, trận lũ năm 1978 đã nhấn chìm hết hoa màu, nhà cửa của những người Huế định cư dọc suối Bà Giá. Trận lũ lụt năm đó làm cho nhiều hộ bị đói mất mấy tháng; mọi người phải lặn ngụp dưới dòng nước mót từng bụi mì, tỏa đi đào vàng, làm rừng thuê để chờ nước rút. Bù lại, qua trận lũ đói kém, dân xóm Huế liên tiếp được mùa. Từ đây, người dân đẩy mạnh chăn nuôi heo, gà, vịt và phát triển đàn trâu, bò để cày kéo nhằm giảm bớt sức người.
* Rất Huế…
Rẫy, vườn ven suối Bà Giá ngày đầu còn màu mỡ, qua gần chục mùa rẫy đất đai bắt đầu trơ lớp đất sét, sỏi đá. Cư dân xóm Huế ngoài lo bón phân cho đất còn tranh thủ phát dọn thêm đất mới.
Ông Ngô Phàn Ngộ cho biết cái tính tằn tiện trong ăn uống, sinh hoạt rất Huế của ông và những người đồng hương dù xa xứ bao năm vẫn không bỏ được. Nhờ cái tính “ăn bữa nay, lo bữa mai” rất Huế đó mà cư dân xóm Huế luôn có cuộc sống ổn định và không có ai rơi vào hộ nghèo của ấp, xã.
Tuy đất đai của cư dân xóm Huế chỉ phù hợp với cây tràm, cao su, điều…, các hộ gia đình gốc Huế vẫn cố trồng trong vườn nhà vài nọc tiêu, cây ăn trái và rau xanh các loại để khỏi phải bỏ tiền ra mua. Sự tằn tiện, miệt mài tích lũy của họ sớm được vùng đất mới trả công bằng những nếp nhà xây kiên cố, vườn tược quanh năm xanh màu cây trồng và con em vác ba lô lên TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh học đại học. “Trong 30 hộ người Huế của xóm tôi, hộ nào cũng có con học đại học” - ông Truyền khoe.
Con đường liên ấp 1 và 2 mang tên xóm Huế tuy chỉ mới bê tông hóa được một phần, nhưng rất đẹp. Riêng các con đường nhỏ trong xóm đều được người dân xóm Huế bỏ tiền ra xây bằng xi măng cho tiện bề đi lại và làm nổi bật nếp nhà mới xây.
Ông Truyền cho biết thêm, con đường này trước kia chỉ rộng 1m, đi lại rất khó khăn. Năm 1990, xã Trị An đã đầu tư cấp phối và mở rộng đường rộng tới 8m. Đến năm 2012, con đường được đổ xi măng theo hình thức xã hội hóa. Lý do xã mở đường nhằm mời gọi các hộ trong xóm Huế sinh sống dọc suối Bà Giá di dời nhà lên cao để tránh lũ, để tiện bề đầu tư hạ tầng, điện, đường và chăm lo giáo dục, y tế…
Thế hệ đầu và thứ 3 của một gia đình xóm Huế. |
Tiết trời báo hiệu lập đông, xóm Huế se se lạnh, ông Tản rủ chúng tôi ra thăm vườn bưởi da xanh (40 gốc) mà ông cất công vun trồng để tiện tay hái vài cặp bưởi tặng khách và đem chưng bàn thờ. Ông Tản suy tư, ông và bà con xóm Huế có ước nguyện lập cái miếu nhỏ để tỏ lòng nhớ ơn ông Phan Văn Quế, nguyên là Phó trưởng Ty lương thực, người đã chỉ ra vùng đất và vận động người Huế di cư về đây lập nghiệp. Nhờ sự mở lối của ông Quế mà ông đi theo, rủ nhiều đồng hương khác về theo. Nay cuộc sống của bà con xóm Huế tươm tất, mọi người muốn bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với ông Quế nên muốn lập miếu thờ.
Những cư dân xóm Huế đầu đàn, như: ông Tản, ông Truyền, ông Mão, ông Vân…, người còn sống, người đã khuất và nhiều người trong số họ đã có cháu, chắt. Nay lớp cháu, chắt của họ chỉ nói giọng Huế lơ lớ, nhưng nét văn hóa Huế vẫn không phai nhạt.
Ông Tản bày tỏ, người dân xóm Huế vẫn giữ nếp cưới xin theo đúng truyền thống ở Huế. Trong các buổi tiệc, hội hè, con cháu không được ngồi chung mâm với cha ông. Các gia đình trong xóm vẫn không ngừng giáo dục con cháu phải lấy việc học làm đầu, chăm chỉ lao động, tằn tiện sinh hoạt làm nền tảng để xây dựng cuộc sống tương lai… Điều này đã tạo nét riêng của “Huế thương” ở Trị An khi so sánh với xóm Huế ở các vùng kinh tế mới khác trong tỉnh.
Đoàn Phú