Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi đầu làm nông nghiệp hữu cơ

Bình Nguyên
08:59, 31/10/2023

Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những nhiệm vụ đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy là huyện vùng sâu nhưng Cẩm Mỹ có thành tích nổi bật khi là địa phương có diện tích cây trồng được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ cao nhất tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan mô hình trồng tiêu hữu cơ của Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) Trương Đình Bá. Ảnh: B.NGUYÊN

Địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình NNHC, nhất là thu hút được doanh nghiệp quan tâm đầu tư, hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến bao tiêu cho nông sản hữu cơ.

* Có diện tích được công nhận hữu cơ cao nhất tỉnh

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 6 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ với quy mô 12,2ha. Với 2 mô hình và 5,5ha được cấp chứng nhận hữu cơ, H.Cẩm Mỹ đang đứng đầu cả tỉnh về mô hình và diện tích được cấp chứng nhận hữu cơ. Đến nay, huyện đã xây dựng được 4 mô hình sản xuất NNHC. Cụ thể, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Sông Ray; mô hình sản xuất sầu riêng tại xã Xuân Quế; mô hình sản xuất hồ tiêu tại xã Lâm San và mô hình sản xuất sầu riêng tại xã Xuân Bảo. Trong đó, diện tích được cấp chứng nhận hữu cơ gồm 2,5ha tiêu tại HTX Nông nghiệp Lâm San và 3,3ha sầu riêng tại xã Xuân Quế.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San Trương Đình Bá cũng là nông dân tiên phong làm tiêu hữu cơ tại địa phương cho biết, hiện mới có hơn 2ha tiêu của gia đình ông được cấp chứng nhận hữu cơ, nhưng thực tế diện tích sản xuất theo đúng quy trình hữu cơ lớn hơn nhiều. Cụ thể, Tổ hợp tác Hồ tiêu hữu cơ ấp 4, xã Lâm San đã áp dụng sản xuất hữu cơ được 3 vụ với diện tích gần 18ha với 15 hộ nông dân tham gia. Trong đó, qua khảo sát, có 1 hộ với diện tích 2,2ha đủ điều kiện chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu trong năm 2023. Địa phương đang tiến hành hỗ trợ nông dân thực hiện các chỉ tiêu quy định của tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu.

Huyện Cẩm Mỹ đang tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các ngành có liên quan của huyện xây dựng kế hoạch sản xuất NNHC gắn với hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025.

Vườn sầu riêng rộng 3,3ha của Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế Trần Quang Hiệp cũng vừa được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ trong năm 2023. Ông Trần Quang Hiệp chia sẻ, thời gian đầu chuyển đổi sang sản xuất theo quy chuẩn hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu tư tăng, sản lượng sầu riêng giảm khoảng 20% so với trước. Tuy nhiên, về lâu dài, sản xuất hữu cơ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân như: đất đai ngày càng màu mỡ, cây trồng khỏe nên không chỉ năng suất hồi phục mà sức bền, tuổi thọ của cây trồng cũng tăng lên. Đặc biệt là sức khỏe của người trồng và người tiêu dùng được bảo vệ.

Theo ông Hiệp, được thuyết phục từ hiệu quả thực tế, hiện nhiều thành viên của Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế với diện tích khoảng 60ha đang dần chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế được địa phương chọn làm mô hình điểm vùng chuyên canh đạt chuẩn hữu cơ; được hỗ trợ 100% kinh phí làm chứng nhận hữu cơ.

* Thu hút đầu tư NNHC

Lợi thế của H.Cẩm Mỹ trong đầu tư phát triển NNHC còn là thu hút được HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) đã triển khai mô hình thí điểm trồng lúa hữu cơ tại xã Sông Ray. Doanh nghiệp có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân như: hỗ trợ 50% vật tư đầu vào, cử cán bộ hướng dẫn quy trình sản xuất và đảm bảo đầu ra…

Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) Trần Quang Hiệp giới thiệu sản phẩm sầu riêng hữu cơ vừa được chứng nhận năm 2023

Bà Đoàn Thị Như, nông dân tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Sông Ray cho hay, tham gia mô hình thí điểm này, nông dân được doanh nghiệp hướng dẫn ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, góp phần tiết kiệm được phần nào tiền mua phân bón. Trồng lúa hữu cơ tốn công lao động, năng suất lúa có thấp hơn với canh tác truyền thống nhưng mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: làm ra gạo chất lượng ngon, an toàn, không gây ô nhiễm môi trường và nhất là bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Gạo hữu cơ bán được với giá tốt hơn nên lợi nhuận của nông dân vẫn được đảm bảo.

Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng nhận xét, từ các mô hình điểm hiệu quả sẽ thuyết phục nông dân tham gia, góp phần nhân rộng diện tích sản xuất NNHC trong thời gian tới. Cụ thể, vùng sản xuất lúa tập trung tại xã Sông Ray với diện tích 400ha đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa đã tổ chức được 4 vụ với 5,5ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Vùng sản xuất sầu riêng chuyên canh với diện tích trên 1 ngàn ha tại các xã: Nhân Nghĩa, Xuân Bảo, Bảo Bình, Long Giao, Xuân Quế đã có hơn 144ha sản xuất theo chuẩn VietGAP; có 13 vùng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Vùng sản xuất hồ tiêu tập trung với diện tích hơn 2 ngàn ha tập trung tại xã Sông Ray, Lâm San. Trong đó, có 2,5ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ, 13,5ha được cấp chứng nhận GlobalGAP và đang triển khai nhân rộng gần 18ha tiêu chuẩn hữu cơ.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều