Báo Đồng Nai điện tử
En

Gốm Biên Hòa - những tinh hoa còn mãi

01:01, 15/01/2023

Năm 2023 - kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng là dịp tròn 120 năm hình thành Trường dạy nghề Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai), với nghề gốm là nghề đào tạo nổi bật.

Năm 2023 - kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng là dịp tròn 120 năm hình thành Trường dạy nghề Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai), với nghề gốm là nghề đào tạo nổi bật.

TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai bên những sản phẩm gốm do sinh viên của trường thực hiện. Ảnh: L.Viên
TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai bên những sản phẩm gốm do sinh viên của trường thực hiện. Ảnh: L.Viên

Đây là dấu mốc quan trọng để tiếp tục khẳng định những giá trị trường tồn của gốm Biên Hòa, từ đó góp phần tiếp thêm động lực bảo tồn, phát huy giá trị của dòng gốm truyền thống trong đời sống hiện nay.

Truyền thống lâu đời

Theo các tài liệu của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, các nhà nghiên cứu cho rằng, Biên Hòa - Đồng Nai từ 2 ngàn năm trước đã có nghề gốm. Tại địa điểm tìm được Đàn đá Bình Đa, ngoài 1.200 hiện vật đá, các nhà khảo cổ còn tìm được 300 hiện vật gốm đất nung. Chỉ tính một hố đào 100m2, người ta đã nhặt được 4 vạn mảnh gốm đất nung ở rải rác khắp các độ sâu và lớp đất. Những mảnh gốm này giúp hình dung được các kiểu dáng và kích thước khác nhau của sản phẩm cũng như màu sắc xương gốm và hoa văn trang trí. Ngoài các sản phẩm có kích thước nhỏ, còn thấy khá nhiều loại sản phẩm có kích thước lớn cho thấy trình độ sản xuất gốm đất nung đã phát triển thời đó.

Đầu thế kỷ XX, Biên Hòa có nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, trong đó có nghề làm gốm.

Có ý kiến cho rằng nghề gốm ở Biên Hòa có từ thời người Việt từ Thuận Quảng vào khai hoang lập nghiệp phương Nam và mang theo nghề truyền thống của quê hương để sản xuất phục vụ đời sống. Những dấu vết lò gốm của người dân Trung bộ thành lập còn thấy rõ ở rạch Lò Gốm ở cù lao Phố, còn được gọi là bến Miểng Sành. Lại có ý kiến cho rằng, nghề gốm ở Biên Hòa có từ thế kỷ XVII, khi dân cư Quảng Đông do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu vào định cư ở cù lao Phố vào năm 1679.

Khi cù lao Phố bị tàn phá (1777-1778), một số thợ gốm chạy về Chợ Lớn sản xuất gốm Cây Mai, một số qua Tân Vạn lập làng gốm Tân Vạn.

Trong tiến trình phát triển nghề gốm, đánh dấu mốc quan trọng là sự ra đời của Trường dạy nghề Biên Hòa vào năm 1903. Khi mới thành lập, nhà trường đã có khóa đào tạo về gốm.

Gốm Biên Hòa đặc biệt nổi bật và phát triển kể từ năm 1923 khi Chính phủ Pháp cử ông Balick - tốt nghiệp trường trang trí Paris làm hiệu trưởng và bà Balick Mariette - tốt nghiệp trường gốm ở Limoges phụ trách và giảng dạy ở Ban Gốm. Với kinh nghiệm cá nhân cộng với tiếp nhận tinh hoa văn hóa bản địa, bà Balick đưa Ban Gốm phát triển với dòng gốm trang trí nhiều màu sắc, hoa văn đặc sắc, màu men lạ.

Nghệ thuật gốm Biên Hòa

Tại hội thảo Gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận, từ truyền thống đến hiện đại, họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng gốm Biên Hòa có hai giai đoạn phát triển. Theo ông: “Giai đoạn đầu từ năm 1925 trở về sau, trên nền tảng kỹ thuật tiếp thu từ truyền thống của gốm Cây Mai tiến tới sự thành công của gốm Biên Hòa lửa cao, với việc Trường Mỹ nghệ Biên Hòa ứng dụng thành công các loại men từ tro vôi truyền thống có màu sắc đậm đà”. Sau lần tham gia triển lãm quốc tế ở Paris (Pháp) năm 1925, gốm Biên Hòa càng trở nên nổi tiếng ở nước ngoài với nhiều giải thưởng quốc tế; được trưng bày tại nhiều hội chợ; xuất khẩu sang nhiều nước. Giai đoạn hai từ những năm 1970 trở về sau”.

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, thưởng thức vẻ đẹp của gốm Biên Hòa là thưởng thức vẻ đẹp của đồ gốm sành xốp sử dụng men màu lửa trung, phong phú về bảng màu và sắc độ, với thủ pháp trang trí nét chìm, kết hợp với tô màu men, hoặc chạm thủng có tính trang trí cao. Vẻ đa dạng về hình dáng và bố cục trang trí, nội dung hoa văn mang nhiều nét đặc trưng của nghệ thuật đồ họa. Tất cả được phối hợp khéo léo trong một tổng thể hài hòa giữa những khoảng trống, khoảng đặt họa tiết, những mảng họa tiết to nhỏ khác nhau đã tạo nên một gương mặt gốm riêng trong dòng chảy của nghệ thuật gốm Việt Nam.

“Biến di sản thành tài sản”

Theo TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, hiện Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai là trường duy nhất trong cả nước đào tạo về làm thợ gốm. Sinh viên khi ra trường có khả năng làm hoàn chỉnh nhiều sản phẩm gốm. TS Cường cho biết những thầy cô giảng dạy về gốm của trường, cũng như nhiều nghệ nhân, học sinh, sinh viên ngành gốm của trường đều rất yêu nghề truyền thống này của ông cha và mong muốn Biên Hòa phát huy các giá trị của gốm, đưa gốm gần hơn với người dân địa phương và du khách gần xa. Trong đó, tổ chức một con đường gốm, cũng như mô hình làng gốm để lưu giữ, tôn vinh nghề gốm, đồng thời phát triển du lịch văn hóa… là một ý tưởng hay để biến di sản thành tài sản.

Sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thực hiện công đoạn trang trí sản phẩm gốm
Sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thực hiện công đoạn trang trí sản phẩm gốm

 “Tự hào về truyền thống 120 năm hình thành và phát triển của nhà trường, ngoài chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường rất đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về nghề gốm để thu hút sự quan tâm của học viên và xã hội. Đặc biệt, chúng tôi còn liên kết với các trường phổ thông, các công ty du lịch, các đơn vị… đưa học sinh, du khách đến tham quan tìm hiểu về ngành nghề đào tạo của trường”- TS Trương Đức Cường cho biết.

Nhiều năm làm công tác giảng dạy tại Khoa Gốm của trường, là thầy của những thợ gốm lành nghề của địa phương, nghệ nhân Đinh Công Lai cho biết: “Để đào tạo ra những thợ gốm giỏi nghề, người thầy ngoài tận tâm hướng dẫn, cầm tay chỉ việc từng công đoạn cho đến khi sinh viên có thể làm thành thạo một sản phẩm gốm, thì đòi hỏi còn tìm tòi, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, những xu hướng mới, những thị hiếu mới… giúp sinh viên không chỉ nắm vững quy trình thực hiện sản phẩm mà còn hình thành tình yêu với gốm, từ đó mới có thể gắn bó lâu dài với nghề”.

Thùy Trang - Thảo Nguyên

Tin xem nhiều