Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạch gốm Biên Hòa vẫn chảy

01:01, 15/01/2023

Là người tiên phong đưa gốm Biên Hòa vào nghệ thuật Mosaic (hình thức nghệ thuật trang trí - tạo ra hình ảnh từ tập hợp những mảnh nhỏ), họa sĩ MAI VĂN NHƠN (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) luôn dành tình yêu đặc biệt đối với gốm Biên Hòa qua từng tác phẩm tranh gốm, qua đó khẳng định mạch gốm Biên Hòa vẫn âm thầm chảy giữa bao đổi thay của đời sống.

Là người tiên phong đưa gốm Biên Hòa vào nghệ thuật Mosaic (hình thức nghệ thuật trang trí - tạo ra hình ảnh từ tập hợp những mảnh nhỏ), họa sĩ MAI VĂN NHƠN (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) luôn dành tình yêu đặc biệt đối với gốm Biên Hòa qua từng tác phẩm tranh gốm, qua đó khẳng định mạch gốm Biên Hòa vẫn âm thầm chảy giữa bao đổi thay của đời sống.

Họa sĩ Mai Văn Nhơn bên các tác phẩm tranh gốm của mình
Họa sĩ Mai Văn Nhơn bên các tác phẩm tranh gốm của mình

 Tại sao ông lại chọn gốm để thử nghiệm với loại hình Mosaic?

- Trên thế giới, tranh ghép gốm đã được biết đến từ khá lâu, xuất hiện trong các công trình như nhà thờ, cung điện, lăng mộ… song ở trong nước tranh gốm nội thất rất ít người thực hiện. Ở Việt Nam, kiến trúc cố đô Huế, con đường gốm sứ tại Hà Nội là những công trình lớn, nổi tiếng của việc ứng dụng kỹ thuật mosaic. Biên Hòa vốn là nơi có nghề gốm phát triển và có bề dày truyền thống do đó tôi muốn đưa gốm vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên nhất, không chỉ là một sự sáng tạo trong mỹ thuật mà qua đó lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai,

 Vậy ông đã hiện thực hóa ý tưởng của mình như thế nào?

- Đó là một quá trình dài bởi tài liệu và kinh nghiệm của người đi trước về thể loại tranh gốm rất ít, thậm chí không có, do đó tôi phải tự mày mò, thử nghiệm. Đầu tiên tôi đi gom các mảnh vỡ gốm từ các nơi về chất thành đống rồi nhờ người đập ra để có những mảnh ghép nhỏ. Tuy nhiên ý tưởng ban đầu thất bại vì các mảnh gốm có sẵn này thường rất nặng và độ dày, mỏng không giống nhau. Ngoài ra, màu sắc cũng khá đơn điệu, không đủ để sáng tạo ra tác phẩm, nhất là những tác phẩm phức tạp có kết cấu nhiều lớp màu. Sau đó tôi lại phải dọn dẹp đống mảnh gốm mà mình đã cất công mang về.

Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục mày mò thử nghiệm tự làm các mảnh gốm với độ mỏng vừa phải để tranh có thể treo lên tường. Tôi cũng đặt các lò gốm các dải màu nhưng kết quả vẫn không như ý vì các màu sắc khá đơn điệu. Do đó chúng tôi buộc phải tự nghiên cứu làm màu men và cũng phải mất 4 năm để có bộ sưu tập màu đa dạng, ưng ý như hiện nay.

 Để có một bức tranh gốm hoàn thiện, đâu là khâu khó nhất đối với họa sĩ, thưa ông?

- Để làm ra một mảnh gốm trong vô số mảnh ghép của bức tranh gốm cũng phải trải qua quy trình giống như làm một sản phẩm gốm thông thường, đó là làm đất, pha men, nung… Các thể loại hội họa khác có màu sắc đa dạng và biến hóa như thế nào thì tranh gốm cũng đòi hỏi như vậy nên có những lúc nung ra màu không chuẩn, không khớp với bức tranh lại phải nung lại đến khi nào khớp, hài hòa với những mảnh còn lại mới thôi.  Do đó đòi hỏi người sáng tạo tranh gốm phải thực sự tâm huyết, tỉ mỉ, có trình độ mỹ thuật, kỹ thuật cắt - ghép - dán tinh tế.

Một số tác phẩm của họa sĩ Mai Văn Nhơn
Một số tác phẩm của họa sĩ Mai Văn Nhơn

Từ những mảnh gốm nung ra còn phải cắt gốm thành nhiều mảnh to nhỏ, vuông, tròn khác nhau và cái khó nhất là mỗi mảnh gốm phải được đặt đúng vị trí của nó. Đó chính là điều thú vị của tranh gốm và cũng là yếu tố tạo ra hình khối, chìm nổi của bức tranh…

 Cách đây 5 năm, tại sự kiện APEC 2017, với vai trò là nước chủ nhà, khi tổ chức các hoạt động đón tiếp ngoại giao, bộ tranh gốm của ông thực hiện đã được chọn là một trong số những quà tặng đặc biệt của Chính phủ Việt Nam, điều này có ý nghĩa gì với ông?

- Sự kiện Chính phủ lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật tranh gốm Biên Hòa làm quà tặng đặc biệt dành tặng lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 chính là sự ghi nhận cho những nỗ lực của chúng tôi trên con đường làm nghệ thuật. Tranh gốm chính là kết tinh của đất, nước, lửa Biên Hòa - Đồng Nai và sự nhiệt huyết của người thợ do đó khi thực hiện bộ tác phẩm này tôi mong muốn gửi gắm nét văn hóa đặc trưng của Biên Hòa đến với bạn bè quốc tế. Và cũng để khẳng định rằng, gốm Biên Hòa vẫn có sức sống mãnh liệt và rất cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống hôm nay.

 Ông có gửi gắm và mong muốn gì để gốm Biên Hòa nói chung và tranh gốm nói riêng được gìn giữ và phát triển?

- Tôi mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ quan tâm đến gốm và tranh gốm để có thể bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa phù hợp với nhịp sống đương đại, ứng dụng sáng tạo trong các lĩnh vực đời sống.

Ngoài việc phát triển các cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa thì nét văn hóa truyền thống 325 năm của Biên Hòa - Đồng Nai cũng cần xuất hiện nhiều hơn trong các công trình công cộng, quy mô và mang tính đại chúng. Đó có thể là con đường gốm Biên Hòa tập hợp các tác phẩm nghệ thuật gốm truyền thống hay những tác phẩm tranh gốm về những chủ đề văn hóa lịch sử, truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, quá trình lao động sản xuất của nhân dân ta, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội… để người dân hiểu rõ hơn về nét văn hóa đặc trưng của quê hương. Trong các công trình công cộng cũng nên trang trí, sử dụng tranh gốm như những tác phẩm nghệ thuật mang tính giáo dục, gìn giữ và phát triển gốm Biên Hòa.   

Mạch gốm Biên Hòa vẫn âm thầm chảy và rất cần những sự kế cận và phát triển.

           Trang Uyên (thực hiện)

Tin xem nhiều