Báo Đồng Nai điện tử
En

Tản mạn về gốm Biên Hòa

01:01, 15/01/2023

Đồng Nai đang trong không khí nhộn nhịp của những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão và đón tin vui với nhiều dự án kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-2023). Trùng hợp thay, con số đó cũng là tuổi nghề của gốm Biên Hòa - một trong 14 làng nghề gốm nổi tiếng nhất nước.

Đồng Nai đang trong không khí nhộn nhịp của những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão và đón tin vui với nhiều dự án kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-2023). Trùng hợp thay, con số đó cũng là tuổi nghề của gốm Biên Hòa - một trong 14 làng nghề gốm nổi tiếng nhất nước.

 Tranh: ĐÀO TẤN HƯNG
Tranh: ĐÀO TẤN HƯNG

Trong 4 năm ở giảng đường đại học, đã không ít lần tôi thực hiện đồ án về gốm Biên Hòa - một nét văn hóa đặc sắc của quê hương tôi. Nhờ vậy mà tôi có cơ duyên được gặp gỡ các nghệ nhân và tham quan nhiều lò gốm truyền thống tại Đồng Nai. Một trong số ít các cơ sở gốm Biên Hòa còn tồn tại và phát triển cho đến nay là lò gốm Hiến Nam của họa sĩ - nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến. Hiến Nam nằm trong một con hẻm nhỏ, lọt thỏm giữa hàng chục cửa hàng kinh doanh gốm sứ cao cấp có vị trí đắc địa khác.

Khác xa với tưởng tượng trước đó của tôi, lò gốm Hiến Nam khá lớn. Với tổng diện tích khoảng 500m2 và có 3 khu vực chính. Một là nơi các anh, các chú làm công việc gọt đẽo, tạo hình cho sản phẩm; một khu vực khác bày biện vô số màu nước, cọ vẽ để trang trí gốm sau khi đã được nung và phơi khô và nơi còn lại để trưng bày các sản phẩm đã hoàn thiện.

Dường như vào những ngày cuối năm, đơn hàng Tết nhiều hơn nên ai nấy đều làm việc rất hăng say. Bức tranh lao động ở lò gốm Hiến Nam thực sự khiến tôi ngưỡng mộ và trân quý, bởi cái cách mà họ thả hồn vào từng nắm đất không chỉ đơn thuần là đang thực hiện một công việc thường nhật, đó là những giây phút sáng tạo nghệ thuật thăng hoa của những nghệ nhân thực thụ.

Tranh gốm của họa sĩ Đào Tấn Hưng
Tranh gốm của họa sĩ Đào Tấn Hưng

“Gốm Gia Định màu đất, gốm Đồng Nai màu trời” - tôi rất tâm đắc câu nói ấy của nhân vật người thợ trong truyện thiếu nhi Chàng thợ gốm (nhà văn Trần Thu Hằng). Điều làm nên nét độc đáo riêng cho mọi loại gốm có lẽ là từ men. Gốm Biên Hòa xưa nay nổi tiếng nhờ có men màu xanh trời vô cùng riêng biệt, ngoài ra còn có màu xanh dương, màu đỏ, màu trắng ta… cũng đặc sắc không kém. Ngoài màu men ra, hoa văn trang trí cũng là yếu tố góp phần giúp gốm Biên Hòa mang nét đặc trưng so với các làng nghề gốm lâu đời khác.

Càng tìm hiểu lại càng nhận ra nghệ thuật gốm và tranh gốm Biên Hòa - Đồng Nai là cả một kho tàng quý giá, giúp tôi thêm yêu và tự hào về quê hương mình.

Một số mô tuýp trang trí thường thấy của gốm Biên Hòa là hình rồng lá uốn quanh bình đèn, “bá hoa” với các loài mai, sen, cúc, lan… Độc đáo nhất có lẽ là nghệ thuật vẽ chìm lên chén đĩa, tái hiện tác phẩm dân gian như “đám cưới chuột”, “cá chép vượt vũ môn”, “tranh trang trí vẽ Phật và hoa sen”... Các tác phẩm gốm ở đây được tạo hình vô cùng công phu và đa dạng: từ tượng Phật, Bồ Tát, La Hán, tượng người, đầu rồng đến phù điêu, vẽ chìm, đắp nổi... Các vật dụng cơ bản trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: bình hoa, chén đĩa, ấm tách… cũng mang yếu tố nghệ thuật cao hơn hẳn so với các mặt hàng tiêu dùng được bày bán trên thị trường hiện nay.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất gốm truyền thống, Biên Hòa - Đồng Nai ngày nay còn nổi tiếng khắp cả nước với nghệ thuật tranh gốm. Gặp gỡ kỹ sư, họa sĩ Mai Văn Nhơn - tác giả của bộ tranh ghép gốm Chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng lãnh đạo APEC, ông đã trải lòng ít nhiều về tranh gốm Đồng Nai. Có những tác phẩm phức tạp khiến ông mất đến cả tháng trời ăn ngủ cùng với gốm. Đằng sau một bức tranh ghép gốm là cả một công đoạn dài phía sau, từ khâu lên bản vẽ, màu sắc cho đến việc tự tay cắt gọt từng mảnh gốm sao cho khớp với bản vẽ đều được thực hiện tỉ mỉ và kỳ công.

Sự đặc biệt trong tranh gốm của họa sĩ Mai Văn Nhơn là đặc tả chi tiết khối của nhân vật nhất có thể, từ sáng đến tối, từ đậm đến nhạt bằng cách chắt lọc, tuyển chọn đa dạng các mảnh gốm khác nhau về sắc độ chứ không chỉ dùng xuyên suốt một loại gốm cùng màu, cùng men. Họa sĩ Mai Văn Nhơn còn vinh dự trở thành một trong những thành viên thực hiện dự án “Con đường gốm sứ” ven sông Hồng nhân kỷ niệm 1 ngàn năm Thăng Long. Tranh gốm Đồng Nai không chỉ dừng lại trong khuôn khổ sản xuất thương mại, mà còn là một sản phẩm văn hóa độc đáo giúp mở rộng ngoại giao.

Mỗi người nghệ sĩ làm tranh gốm đều để lại một dấu ấn riêng, tùy vào phương pháp tiếp cận chất liệu và ý tưởng sáng tác. Khác với họa sĩ, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến thường đắp nổi lên tranh rồi đưa vào lò nung trực tiếp, họa sĩ Đào Tấn Hưng đã dành hơn 10 năm để theo đuổi làm phong phú nghệ thuật tranh gốm theo cách: ông lên một bản vẽ chi tiết, sau đó cắt gọt thật tỉ mỉ từng mảnh gốm một để hoàn thiện tác phẩm. Tuy nhiên, họa sĩ Đào Tấn Hưng rất khiêm tốn không muốn nhắc về tác phẩm của mình, mặc dù một số tác phẩm tranh gốm của ông đã làm nên dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp sáng tác. Đơn cử như: chân dung đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Bá Ước, chân dung già làng Năm Nổi hoặc các giải thưởng của Bộ Công an (tác phẩm Tia chớp), của Hội Mỹ thuật Việt Nam (tác phẩm Hoa sóng, Tổ quốc nơi đầu sóng)...

Hiện nay, có nhiều họa sĩ, nghệ sĩ khác cũng góp phần làm phong phú hơn cho nghệ thuật tranh gốm cũng như gốm Đồng Nai như các giảng viên - họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng, Nguyễn Trọng Lộc, Tô Thăng, Trần Minh Công, Đinh Công Việt Khôi… đã liên tục cho ra mắt loại hình nghệ thuật độc đáo này ở nhiều triển lãm trong tỉnh, tại TP.HCM, khu vực Đông Nam bộ và cả nước.

N.H.X

Tin xem nhiều