Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai vẫn giữ các vùng chuyên canh cây lúa

07:05, 15/05/2023

Tuy lúa không phải là cây trồng chủ lực của Đồng Nai, nhưng để góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thế giới, tỉnh vẫn quy hoạch những khu vực chuyên canh trồng lúa được bảo vệ nghiêm ngặt.

 

Tuy lúa không phải là cây trồng chủ lực của Đồng Nai, nhưng để góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thế giới, tỉnh vẫn quy hoạch những khu vực chuyên canh trồng lúa được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo đó, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, thì đến năm 2030, Đồng Nai sẽ giữ lại hơn 15,4 ngàn ha đất trồng lúa. Trong đó, vùng chuyên canh cây lúa 3 vụ/năm hơn 12,5 ngàn ha. Diện tích còn lại sẽ trồng lúa từ 1-2 vụ/năm, tùy theo thời tiết.

Thực tế, những năm qua, diện tích đất trồng lúa của tỉnh vẫn luôn cao hơn so với quy hoạch vài ngàn ha. Vì thế, hàng năm, Đồng Nai cung ứng cho thị trường gần 297 ngàn tấn lúa. Dù ở Đồng Nai cây lúa cho lợi nhuận thấp hơn các cây trồng khác nhưng được các địa phương, nông dân chú trọng áp dụng những quy trình, kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng, giá trị. Nông dân trồng lúa trong tỉnh từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết để hình thành các vùng chuyên canh lúa sạch. Mục đích để đưa ra thị trường sản phẩm gạo sạch cung ứng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là mục tiêu chung mà nhiều vùng trồng lúa của cả nước đang hướng tới để nâng cao thương hiệu, giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gần 7,2 triệu tấn gạo và xếp thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam khá thuận lợi, tăng cả về số lượng lẫn giá sản phẩm. Nhiều quốc gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam và đánh giá khá cao chất lượng. Điều này chứng tỏ thương hiệu gạo của Việt Nam ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thế giới, năm 2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 8,7 triệu tấn gạo, mức thiếu hụt cao nhất trong vòng 20 năm qua. Nguyên nhân, những khu vực sản xuất lúa lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Pakistan, Pháp, Đức, Anh… đang chịu tác động tiêu cực từ hạn hán khiến diện tích, năng suất giảm mạnh. Theo đó, giá gạo trong năm 2023 có thể sẽ còn tăng khi các nước khu vực châu Phi, châu Âu tăng nhập khẩu gạo để dự trữ, trong khi nguồn cung giảm. Đây sẽ là cơ hội cho gạo của Đồng Nai cũng như Việt Nam mở rộng được thị trường xuất khẩu. Có thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá cao, nông dân có thể an tâm đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng.

Ngoài việc tìm được thị trường xuất khẩu ổn định thì gạo Việt Nam còn đóng vai trò rất lớn trong đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt số lượng gạo rất lớn. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng lượng gạo dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023 là hơn 4,1 triệu tấn. Hiện gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế về chất lượng và giá ở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Do đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tăng tìm nguồn cung gạo tại Việt Nam cho các thị trường trên.

Đồng Nai nếu tính toán kỹ thì trồng lúa lợi nhuận chỉ bằng 10-20% so với các cây trồng hàng năm, lâu năm khác. Tuy nhiên, tỉnh sẽ tiếp tục giữ diện tích lớn cho cây lúa để đảm bảo lương thực, dù cây lúa không đem lại hiệu quả cao cho nông dân.

Hương Giang

Tin xem nhiều