Báo Đồng Nai điện tử
En

Không dễ làm nông chuyên nghiệp

10:02, 13/02/2017

Một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhận xét, nếu lúc này đầu tư vào nông nghiệp mà không chọn hướng nông nghiệp công nghệ cao thì chỉ có...

Một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhận xét, nếu lúc này đầu tư vào nông nghiệp mà không chọn hướng nông nghiệp công nghệ cao thì chỉ có... chết. Bởi, nông nghiệp hiện đại không còn lệ thuộc vào sự thất thường của mưa nắng nữa, mà ứng dụng công nghệ để điều khiển nước, ánh sáng, độ ẩm... khiến cây cối ra trái đúng ý người trồng, phẩm chất đồng đều để còn đem đi bán trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, người làm nông hiện đại còn phải lo hàng trăm thứ khác, như: bán hàng, marketing, nhãn hiệu, logistics, xuất khẩu... vì nông sản lúc này phải được coi là một thứ hàng hóa chính hiệu.

Nhiều năm gần đây, thay vì “quy hoạch và định hướng” để phát triển các ngành “mũi nhọn” như công nghiệp ô tô ngày trước, Chính phủ dường như đã có sự thay đổi rõ rệt về góc nhìn, chú trọng đồng đều hơn đến các lĩnh vực quan trọng khác, trong đó có nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ. Sáng 2-2, ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam. Quan điểm mới của Chính phủ chứng tỏ rất coi trọng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu là xây dựng một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Đây là một trong những điều rất đáng mừng, vì nói cho cùng nông nghiệp là ngành cốt lõi của người Việt Nam hàng ngàn năm qua,  đã đến lúc cần nhìn nhận và đầu tư vào nông nghiệp khác đi một cách chuyên nghiệp, bền vững hơn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi rất nhiều thay đổi từ cơ chế chính sách và bản lĩnh của chính các doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chiếm chưa đầy 1% - một con số khá khiêm tốn. Chưa kể, đa số của 1% đó là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng (chiếm 55%). Cũng trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lực tài nguyên, chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học - công nghệ, hoặc chưa đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng…

Nhìn ở một góc khác, nếu doanh nghiệp trong nước không mau chóng có chiến lược phát triển bài bản trong nông nghiệp thì lĩnh vực này sẽ trở nên rất “béo bở” với những doanh nghiệp có vốn nước ngoài thường nắm trong tay nhiều lợi thế: vốn, công nghệ, kinh nghiệm thị trường… Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều tập đoàn nước ngoài đã thực sự tham gia sâu và nắm quyền chi phối khá lớn trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi, từ khâu sản xuất thức ăn, con giống đến thành phẩm… Ở mảng trồng trọt, doanh nghiệp trong nước dù đang chiếm phần lớn, song không có gì chắc chắn rằng một ngày nào đó, thị phần trong nước sẽ do doanh nghiệp ngoại chi phối nếu doanh nghiệp trong nước không nhanh chóng nắm trong tay công nghệ và những điều kiện cơ bản khác để lớn mạnh nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều