Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nông dân không còn cần "giải cứu"

10:01, 23/01/2017

Cuối năm âm lịch, người nuôi heo chới với vì thị trường Trung Quốc ngưng "ăn hàng", nhu cầu tiêu thụ trong nước lại không tăng, trong khi nguồn cung tăng nóng.

Cuối năm âm lịch, người nuôi heo chới với vì thị trường Trung Quốc ngưng “ăn hàng”, nhu cầu tiêu thụ trong nước lại không tăng, trong khi nguồn cung tăng nóng. Giá heo hơi mùa tết mua tại trại sụt giảm từ 54-56 ngàn đồng/kg, xuống chỉ còn 25-30 ngàn đồng/kg. Công lao gần nửa năm đầu tư của hàng triệu nông dân có nguy cơ đổ sông đổ biển. Nhiều tờ báo chạy tít “giải cứu 30 triệu con heo cho nông dân” với tính toán đã được hài hước hóa là nếu không thể tiêu thụ thì cứ 3 người Việt Nam sẽ phải “ăn” hết 1 con heo.

Báo Người lao động đưa thông tin, để “giải cứu” gần 30 triệu con heo, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi heo. Bộ đề nghị tăng cường thông tin thị trường cho người chăn nuôi, tạo điều kiện cho các xe chở heo lưu thông thuận tiện, không “ngăn sông cấm chợ”. Bộ cũng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y,... tiết giảm giá thành, chia sẻ với người chăn nuôi; các địa phương không tăng quy mô đàn heo bằng mọi giá.

Chưa rõ “số phận” của 30 triệu con heo ra sao khi Tết Nguyên đán đã cận kề mà nông dân nuôi heo còn ngổn ngang công nợ, heo càng nuôi càng lỗ. Song có lẽ, đây là lúc cần hết sức nghiêm túc nhìn nhận lại việc tiêu thụ nông sản, và sâu xa hơn đó là sự đối mặt với thói quen sản xuất dễ dãi, đại trà chỉ để đáp ứng cho một vài thị trường có những tiêu chuẩn cũng dễ dãi không kém, thay vì nghĩ đến việc đầu tư lâu dài, bài bản.

Đầu tiên, khi xuất khẩu sang Trung Quốc, người nông dân sẽ thấy “sướng” hơn làm sản phẩm cho các thị trường khó tính khác bởi chuẩn của Trung Quốc thường dễ dãi hơn, sản lượng nhập khẩu lại nhiều và đại trà, có sẵn đội ngũ thương lái đến mua gom tận chuồng và nông dân chỉ việc bán mà không phải lo thêm bất cứ điều gì. Song, chính vì sự lệ thuộc từ những điều nhỏ nhất, nên khi thị trường này gặp trục trặc là nông dân chới với. Chưa bàn đến việc có “âm mưu” nào để làm khó người nông dân Việt Nam trong những lần bất ngờ ngưng nhập hàng hay không, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, rõ ràng một phần “lỗi” rất lớn của người sản xuất là đã để sự lệ thuộc này lên quá cao. Mặc dù cũng có những nỗ lực trong việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường khác, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia... song dường như những nỗ lực đó vẫn chưa đủ lớn và kim ngạch xuất khẩu nông sản vào những thị trường đó vẫn khá khiêm tốn.

Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông và cộng đồng kêu gọi “giải cứu” cho các sản phẩm của nông dân. Trước đó là cà chua, thanh long, vải thiều và một số sản phẩm khác. Tất cả những lần cần giải cứu đó đều xuất phát từ một nguyên nhân chung: quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Hy vọng thời gian sắp tới sẽ có những phương án dài hơi hơn để giải quyết tình trạng này, bởi thực tế những lời kêu gọi giải cứu gần như không mang lại hiệu quả gì lớn, vì tiêu dùng trong nước cũng chỉ có hạn mà thôi.

Vi Lâm

Tin xem nhiều