Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn chồi nảy cây...

10:02, 06/02/2017

Một cái Tết Nguyên đán lại vừa qua, xác hoa vẫn rơi vãi đầy đường và người ta vẫn vui theo cách của mỗi người, tùy hoàn cảnh.

Một cái Tết Nguyên đán lại vừa qua, xác hoa vẫn rơi vãi đầy đường và người ta vẫn vui theo cách của mỗi người, tùy hoàn cảnh. Nhưng với nhiều nông dân Đồng Nai, so với mấy năm gần đây, tết con gà là một cái tết khá buồn rầu. Sát tết, những ngôi chợ vùng quê: Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất... vẫn ê hề hàng hóa. Những đại lý cám gia súc, gia cầm, phân bón, vật liệu xây dựng... gặp nhiều khó khăn khi thu gom công nợ cuối năm bởi đồng tiền chạy vòng quanh như một “chuỗi domino”: heo rớt giá khiến người nuôi không đủ tiền thanh toán nợ công, nợ tiền cám, tiền thuốc thú y; xoài mất mùa nên người trồng lỗ nặng công đầu tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Rồi chuối, cà phê, thủy sản... cũng mất mùa hoặc giảm năng suất do thời tiết cuối năm biến động thất thường. Thậm chí, hoa tết cũng mất mùa vì sự “đỏng đảnh” của nắng mưa.

Điều an ủi là cả những người bán hàng vùng quê cũng chia sẻ khó khăn với những khách hàng của mình. Trong câu chuyện vui - buồn cuối năm, họ dường như đã quen với sự thất thường trong mùa màng của nông dân nên thậm chí có chủ hàng chấp nhận cầm sổ đỏ để thanh toán tiền công nợ cho mối trước, chờ ra tết mới thu nợ từ nông dân.

Mặc dù vậy, những khó khăn lớn vừa qua cũng là cơ hội để nông dân - doanh nghiệp - nhà nước soi chiếu lại nhiều vấn đề liên quan đến chính sách nông nghiệp, cách thức canh tác, đầu ra thị trường của nông sản... một cách thực sự nghiêm túc. Lần đầu tiên trong vài thập niên gần đây, “thủ phủ” nuôi heo Đồng Nai “thất thủ” khi giá heo hơi rớt thảm hại, thương lái ngưng mua do thị trường Trung Quốc không “ăn” hàng. Những tính toán nuôi - trồng chỉ dựa trên một thị trường bấp bênh manh mún, dễ trước mắt nhưng khó lâu dài như Trung Quốc đã bao phen đẩy nông dân vào thế khó bởi phần lớn sản lượng sản xuất ra đều chỉ trông mong vào thị trường duy nhất này.

Nhưng làm sao để phá thế “độc đạo” trong tiêu thụ nông sản nói trên lại là điều không dễ làm trong một sớm một chiều. Những lợi thế của thị trường Trung Quốc quá rõ: lượng tiêu thụ lớn, đòi hỏi phẩm chất sản phẩm thấp, dễ dàng trong thủ tục xuất khẩu... Và thực tế thị trường này “tận dụng” rất tốt hệ thống thương lái có sẵn của Việt Nam, trong khi xuất đi các thị trường khác đòi hỏi những điều kiện khắt khe hơn, từ thu mua đến thủ tục, sản lượng lại chưa nhiều. Song, cũng những lợi thế này lại trở thành bất lợi khủng khiếp khi thị trường Trung Quốc bất ngờ thay đổi nhu cầu, giá cả. Chính vì vậy, thoát khỏi sự lệ thuộc vào 1-2 thị trường lớn có tính chi phối là điều nên thực hiện để tránh những khó khăn lớn về lâu dài.

Nông nghiệp mấy năm gần đây đã được Chính phủ đầu tư mạnh mẽ và được xem như một mũi nhọn phát triển của quốc gia, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng sản xuất hàng hóa. Do đó, tìm kiếm những thị trường tiêu thụ nông sản trên phạm vi và quy mô quốc gia là việc cần làm, nếu không thì sản xuất xong bán cho ai? Một năm mới khởi đầu bằng những khó khăn, song cũng thêm một cơ hội để nhìn nhận và thay đổi, âu cũng là điều đáng quý.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều