Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh

Bình Nguyên
08:17, 20/12/2023

Nâng cao thu nhập, đời sống vật chất của người dân nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng NTM.

Vùng chuyên canh trồng chuối xuất khẩu tại H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên
Vùng chuyên canh trồng chuối xuất khẩu tại H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, các địa phương tập trung khai thác thế mạnh, tiềm năng riêng trong xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại.

* Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được tỉnh chú trọng thực hiện trước khi bắt tay vào xây dựng NTM. Đây là tiền đề rất quan trọng để tỉnh thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển hài hòa, đồng bộ giữa công nghiệp - dịch vụ, thương mại và nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững. Trong đó, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, đa đạng, bền vững, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các Chiến lược của Chính phủ về phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2030 và được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực thực hiện tốt quy hoạch của ngành với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Ngành cũng xác định vai trò tham gia đầu tư của DN có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính dẫn dắt và gắn kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị sản xuất bền vững. Theo đó, các địa phương rất quan tâm thực hiện công tác xây dựng phương án phát triển nông nghiệp trong quy hoạch tỉnh, trong đó xác định được danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản. Huy động, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, nhất là phục vụ thị trường xuất khẩu.

* Khai thác tiềm năng của từng địa phương

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và là điểm sáng của ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, vượt 12,5% kế hoạch đề ra. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương quy hoạch được 8 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 6,5 ngàn ha.

Điểm chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh xuyên suốt quá trình xây dựng NTM là không chạy theo thành tích mà phải đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Theo đó, các địa phương chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo lợi thế, thế mạnh, tránh dàn trải, không phát huy được thế mạnh hiện có của địa phương. Tuy nhiên, vẫn tập trung vào mục tiêu chung là triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai và các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và chính sách hỗ trợ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nói riêng.

Năm 2023, Xuân Lộc về đích huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh, giữ vững thành tích đi đầu trong xây dựng huyện NTM và được chọn là mô hình điểm trong xây dựng huyện NTM kiểu mẫu của cả nước. Là huyện thuần nông nên bắt tay vào tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, H.Xuân Lộc đã triển khai thực hiện với phương châm “Xuân Lộc phải đi từ đất, từ lao động đi ra và lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn để đi lên”. Trong đó, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao để phát triển sản xuất. Kết quả, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất hiệu quả với những “vua tiêu”, “vua bắp”... được cả nước và thế giới vinh danh, công nhận. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Xuân Lộc cũng trở thành “thủ phủ” chăn nuôi mới của tỉnh theo hướng chăn nuôi công nghệ cao, an toàn gắn với chuỗi liên kết.

Trảng Bom là huyện được chọn thí điểm xây dựng NTM gắn với đô thị hóa nên đang nỗ lực thực hiện song song 2 mục tiêu hoàn thành huyện NTM nâng cao vừa lên thị xã vào năm 2025.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho biết, huyện đang ưu tiên nguồn lực cho các xã sắp về đích NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Trong đó, trọng tâm là hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường và nước sạch. Trong sản xuất nông nghiệp, Trảng Bom định hướng phát triển theo hướng quy mô hàng hóa lớn, bền vững nên rất quan tâm thu hút đầu tư các dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện có 2 dự án xây dựng cánh đồng lớn và chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cây điều và cây ca cao tại xã An Viễn đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được 12 chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chăn nuôi và cây trồng.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều