Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển sản xuất an toàn

Bình Nguyên - Hải Đình
08:37, 05/01/2024

Huyện Xuân Lộc được chọn là hình mẫu của tỉnh và cả nước trong xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Đa số các xã NTM kiểu mẫu của huyện đều chọn làm kiểu mẫu về phát triển sản xuất.

Vườn tiêu xanh tốt của các thành viên trong Hiệp hội Hồ tiêu GlobalGAP xã Suối Cao, H.Xuân Lộc. Ảnh: Hải Đình
Vườn tiêu xanh tốt của các thành viên trong Hiệp hội Hồ tiêu GlobalGAP xã Suối Cao, H.Xuân Lộc. Ảnh: Hải Đình

Theo đó, trên địa bàn huyện, những mô hình sản xuất hay, hiệu quả không ngừng được nhân rộng, góp phần giảm chi phí đầu tư, phát triển sản xuất bền vững, đồng thời xây dựng được uy tín, chất lượng nông sản an toàn.

* Thu hút đầu tư vào sản xuất

Xã Xuân Tâm vừa được xét, công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong năm 2023. Kết quả thực hiện tiêu chí kiểu mẫu nổi bật của địa phương này là thu nhập bình quân đầu người của xã trong năm 2023 đạt trên 90,3 triệu đồng/năm, cao hơn hẳn mức bình quân của nhiều xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trong năm 2023. Trong đó, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực địa phương này đang tập trung phát triển, đã hình thành được vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ có ứng dụng công nghệ số.

Cụ thể, hiện HTX Thương mại dịch vụ sầu riêng Xuân Tâm với quy mô hơn 66ha đã được chứng nhận VietGAP, có mã số vùng trồng thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng để phát triển sản xuất, không ngừng “thay da đổi thịt” cho những vùng quê còn nhiều khó khăn khi bắt tay vào xây dựng NTM. Điểm nổi bật nhất là huyện đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với cách làm hay, hiệu quả vì tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng lại rẻ tiền và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.

Công ty TNHH Trang Trại Việt (xã Xuân Trường) là mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp của H.Xuân Lộc trong xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Doanh nghiệp đã xây dựng được mô hình chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt. Cụ thể, ngoài đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ phân và xác hữu cơ, doanh nghiệp này còn đầu tư trang trại công nghệ cao trồng rau, trái trong nhà màng. Sản phẩm của doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận GlobalGAP và đang trong quá trình làm chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt Trần Quang Tính chia sẻ: “Doanh nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ chăn nuôi gà lạnh có sử dụng đệm lót sinh học cũng như quy trình xử lý chất thải chăn nuôi ngay tại trại để trở thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng quan tâm hỗ trợ các HTX, trang trại trồng trọt về kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch cũng như ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, trái sạch”.

* Nhân rộng sản xuất an toàn, tiết kiệm

Gắn với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, các địa phương trên địa bàn H.Xuân Lộc đang tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn nhằm xây dựng thương hiệu nông sản sạch của địa phương. Trong đó, nông dân trên địa bàn huyện có nhiều cách làm hay, sáng tạo để làm ra nông sản sạch, an toàn với chi phí tiết kiệm.

Trước đây, nông dân chuộng phân hóa học hơn vì nhanh, dễ sử dụng và hiệu quả tức thì, nay họ đang chuyển sang hướng hữu cơ bền vững và tiết kiệm chi phí bằng cách ưu tiên sử dụng các loại phân chuồng.

Theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc LÊ KIM BẰNG, trong xây dựng dự thảo Đề án Huyện NTM kiểu mẫu đến năm 2025, Ban chấp hành Đảng bộ huyện xác định khối lượng nguồn lực để đầu tư là rất lớn, nhất là trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ chế biến hiện đại, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, liên kết tiêu thụ nông - lâm sản.

Anh Tạ Huy Tiếp, nông dân trồng tiêu tại xã Suối Cao cho biết, giai đoạn trước, chăn nuôi chưa phát triển, nguồn phân chuồng còn ít nên nông dân chủ yếu sử dụng phân hóa học. Những năm gần đây, nguồn phân gà, phân bò, phân dê… rất nhiều, giá lại rẻ nên bà con chuyển hướng sang canh tác hữu cơ. Trong đó, phương pháp ủ phân chuồng bằng chế phẩm sinh học giúp phân chất lượng, đa dạng vi sinh vật và giàu dinh dưỡng hơn. Đặc biệt, trong quá trình ủ không bị mất các chất dinh dưỡng như đạm mà còn được bổ sung thêm nhiều vi sinh vật có lợi.

Theo anh Tiếp, phân chuồng sau khi được xử lý xong sẽ đóng thành từng bao, đặt ở dưới mỗi trụ tiêu. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt sẽ làm cho bao phân này ẩm ướt, hoai mục rồi thấm xuống đất. Cây tiêu được hấp thụ từ từ nên có bộ rễ rất khỏe, hạn chế rất hiệu quả các bệnh chết nhanh, chết chậm; năng suất được bảo đảm. Hiện Hiệp hội Hồ tiêu GlobalGAP xã Suối Cao đã có hơn 10 thành viên áp dụng hiệu quả phương pháp canh tác này.

Ngoài ra, nông dân còn sử dụng nguồn nguyên liệu như: cành lá thực vật, bột bắp, bột đậu nành sẵn có của gia đình hoặc tại địa phương… để tự sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

Anh Tạ Trung Dũng, thành viên Hiệp hội Hồ tiêu GlobalGAP xã Suối Cao chia sẻ: “Những năm gần đây, khó khăn luôn bủa vây cây hồ tiêu vì giá phân bón tăng cao, giá tiêu lại liên tục chạm đáy, nông dân buộc phải chặt bỏ hồ tiêu. Tuy nhiên, vườn tiêu của các thành viên Hiệp hội Hồ tiêu GlobalGAP xã Suối Cao vẫn tươi tốt, đạt năng suất cao. Bí quyết của tôi và nhiều thành viên của hiệp hội là tự làm được nguồn phân hữu cơ giá rẻ, chất lượng tốt”.

Ở đây, nông dân dùng đậu nành xay nhuyễn, ủ trộn với phân vi sinh IMO và nước rỉ mật mía, sau đó dùng làm phân tưới cho cây. Lượng phân hóa học giảm mạnh và cũng không bón trực tiếp vào gốc cây mà pha loãng cùng với phân vi sinh dạng nước trong bể chứa rồi tưới cho cả vườn tiêu qua hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Anh Dũng so sánh: “Trước kia, vườn tiêu của gia đình tôi thường tốn gần 20 triệu đồng tiền phân hóa học/năm. Nhưng năm qua, tôi chỉ tốn 4 triệu đồng mua 2 tạ đậu nành và khoảng 5 triệu đồng tiền phân hóa học. Với cách làm này, gia đình tôi có thể tiết kiệm được 2/3 lượng phân hóa học so với cách làm cũ, giảm 50% chi phí phân bón so với trước mà năng suất cây trồng vẫn ổn định”.

Bình Nguyên - Hải Đình

 

Tin xem nhiều