Báo Đồng Nai điện tử
En

Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc: Tiên phong hoàn thành hồ sơ chứng chỉ rừng FSC

An Nhơn
08:26, 04/01/2024

Năm 2023, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó điểm nổi nhất là đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trong tỉnh hoàn thành hồ sơ chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC với diện tích 3.227ha (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lý rừng quốc tế).

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi (phải) cùng đoàn đi kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc trong năm 2023. Ảnh: A.Nhơn

Đây là thành công lớn tại đơn vị nhằm góp phần vào công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

* Quản lý rừng bền vững theo FSC

Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Nguyễn Duy Công cho biết, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc được giao quản lý diện tích trên 10 ngàn ha. Theo quy hoạch 3 loại rừng, đơn vị hiện có hơn 5,7 ngàn ha diện tích quy hoạch rừng phòng hộ và gần 4,6 ngàn ha diện tích quy hoạch rừng sản xuất. Bình quân hàng năm, trên lâm phận đơn vị đã cung ứng ra thị trường trên 40 ngàn m3 gỗ nguyên liệu từ khai thác rừng trồng.

Tuy nhiên, do chưa có điều kiện để liên kết với các đơn vị chế biến gỗ và tham gia cung ứng gỗ nguyên liệu cũng như các sản phẩm gỗ tại thị trường các nước phát triển nguồn nên việc tiêu thụ sản phẩm khai thác gỗ rừng trồng chủ yếu bán cho các thương lái trên địa bàn với giá thấp. Giá trị tăng thêm từ kinh doanh rừng ít hơn nhiều so với một số loài cây khác, lợi nhuận có được từ trồng rừng còn thấp, chưa thu hút được người dân tham gia đầu tư trồng rừng một cách ổn định. Do vậy, đời sống của người dân trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng, xây dựng và phát triển rừng theo quy hoạch 3 loại rừng đã được tỉnh phê duyệt.

Các chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp trong thời gian qua đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý rừng bền vững. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường và góp phần vào công tác quốc phòng, an ninh thì việc nâng cao giá trị rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, cải thiện sinh kế cho người trồng rừng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.

Chứng chỉ rừng FSC chính là sự xác nhận bằng văn bản cho một đơn vị quản lý rừng đã sản xuất, kinh doanh trên cơ sở rừng được tái tạo lâu dài, không ảnh hưởng đến các chức năng sinh thái của rừng và môi trường xung quanh; không làm suy giảm tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và góp phần tăng phúc lợi, an sinh xã hội. Quản lý rừng bền vững được coi là mục tiêu và chứng chỉ rừng chính là công cụ, thước đo mức độ đạt được mục tiêu của chủ rừng.

Năm 2020, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc bắt đầu triển khai thực hiện Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ NN-PTNT quy định về quản lý rừng bền vững (viết tắt Thông tư 28), trong đó có xây dựng phương án lập hồ sơ để được cấp Chứng chỉ rừng FSC. Cụ thể, xây dựng phương án bảo đảm quản lý rừng bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường, đạt được các nguyên tắc về quản lý rừng bền vững theo một định hướng đúng đắn, có cơ sở khoa học và thực tiễn như các nội dung Thông tư 28 đã quy định.

“Các tiêu chuẩn FSC đưa ra rất khắt khe, gồm có 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí, trong đó có một số nguyên tắc cần chú trọng như: không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học để bảo vệ môi trường; đảm bảo duy trì hệ sinh thái rừng; phải bảo hộ an toàn lao động trong quá trình khai thác… Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở NN-PTNT và Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã giúp đơn vị hoàn thành hồ sơ chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC trong năm 2023” - ông Nguyễn Duy Công chia sẻ.

FSC là Hội đồng Quản lý rừng quốc tế được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1993 đến nay. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát việc khai thác rừng bền vững. Thời gian qua, FSC đã có mặt tại hơn 50 quốc gia trên thế giới và góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ rừng và môi trường.

* Người dân được hưởng lợi

Với mục tiêu nâng tầm cho gỗ rừng trồng, việc cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp cho gỗ rừng trồng của người dân được ký kết bao tiêu cao hơn giá thị trường, các sản phẩm từ gỗ sau khi chế biến sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài. Đặc biệt là việc trồng rừng theo chuẩn FSC giúp bảo vệ môi trường sống cho chính người trồng rừng và bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên.

Thời gian qua, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nhận khoán hiểu rõ về những lợi ích thiết thực của việc trồng rừng theo yêu cầu FSC. Từ đó, nhiều hộ đã đồng tình ủng hộ chương trình.

Ông Hoàng Thanh Tú (ngụ xã Xuân Thành) cho hay: “Gia đình tôi đã nhận khoán đất rừng để trồng keo lai từ hơn 10 năm nay. Những năm trước, gia đình bán keo lai cho thương lái thường không ổn định, giá cả bấp bênh. Cho nên, khi có chương trình trồng rừng theo chuẩn FSC thì chúng tôi rất ủng hộ vì giá trị gỗ được nâng lên, giúp cho bà con tăng thu nhập để ổn định cuộc sống”.

Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Nguyễn Duy Công cho biết thêm, sau khi có chứng chỉ, đơn vị cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa cho đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chí đặt ra vì hàng năm bên FSC đến kiểm tra, giám sát để duy trì việc cấp chứng chỉ. Đồng thời, hướng dẫn người dân nhận khoán phải thực hiện các quy trình sản xuất mới nhằm bảo đảm quản lý rừng bền vững. Qua đó, đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và môi trường, phù hợp với các quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương.

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, thời gian tới, đơn vị tiếp tục theo dõi triển khai liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng giữa doanh nghiệp thu mua sản phẩm và BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc; hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện chứng nhận đánh giá FSC cho 3.227ha rừng trồng keo thuộc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc để có định hướng mở rộng, phát triển hiệu quả.

An Nhơn

Tin xem nhiều