Báo Đồng Nai điện tử
En

Khôi phục vận tải hành khách bằng xe buýt

08:03, 27/03/2022

Giá xăng dầu lên cao nên nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. So với khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong năm 2021, đến nay lượng hành khách đi lại bằng xe  buýt đã đạt gần 60%...

Giá xăng dầu lên cao nên nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. So với khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong năm 2021, đến nay lượng hành khách đi lại đã đạt gần 60%. Từ đó, góp phần tạo đà cho lĩnh vực vận tải hành khách công cộng được khôi phục, thúc đẩy nhanh quá trình bình thường mới sau những khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Đồ họa thể hiện thông tin các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)
Đồ họa thể hiện thông tin các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)

Nhu cầu cũng như nguồn lực để phát triển mạnh xe buýt tại Đồng Nai rất lớn nhưng nhiều năm qua, loại hình vận tải này vẫn còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển.

* Ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh

Do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nên thời gian qua, vận tải khách công cộng bằng xe buýt chỉ hoạt động cầm chừng, năng suất và hiệu quả đạt thấp. Đến nay, Sở GT-VT đã tổ chức hoạt động trở lại 15/19 tuyến xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, 5 tuyến có trợ giá hoạt động với tần suất 100% theo biểu đồ ngày thường; 10/14 tuyến không trợ giá hoạt động đạt tần suất
50-70% so với trước đây.

Sở GT-VT vừa tổ chức họp cùng Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng, các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị liên quan về việc phục hồi hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị vận tải cho rằng, sau thời gian dài dịch bệnh tác động, hiện có quá nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, chủ xe buýt.

Tuyến xe buýt số 2 (bến xe Biên Hòa - Khu công nghiệp Nhơn Trạch) hoạt động ổn định, lượng khách tăng cao trong thời gian gần đây
Tuyến xe buýt số 2 (bến xe Biên Hòa - Khu công nghiệp Nhơn Trạch) hoạt động ổn định, lượng khách tăng cao trong thời gian gần đây. Ảnh: THANH HẢI

Trong đó, phương tiện sau thời gian ngừng hoạt động do giãn cách xã hội nên bị hư hỏng, xuống cấp nhanh. Để hoạt động trở lại, đơn vị phải mất chi phí sửa chữa lớn, bảo dưỡng phương tiện và lắp đặt camera giám sát hình ảnh trên xe theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Từ năm 2005, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phục vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt. Hiện toàn tỉnh có 19 tuyến xe buýt hoạt động (trong đó 5 tuyến có trợ giá), tổng số phương tiện khai thác hơn 300 xe với khoảng 18 ngàn chỗ ngồi (kể cả đối lưu). Hằng ngày, có hơn 1.500 chuyến xe hoạt động trong khoảng thời gian từ 3 giờ 40-20 giờ 50.

Ông Lê Văn Đại, chủ xe buýt số 10 tuyến từ ngã tư Vũng Tàu đi H.Xuân Lộc cho biết, các tuyến xe buýt hoạt động trở lại vừa mừng vừa lo. Mừng vì sau thời gian dài ngừng hoạt động, không có doanh thu, khi chạy trở lại, tuyến xe có lượng khách tăng từng ngày. Nhưng khó khăn cũng không phải ít vì giá nhiên liệu tăng cao đã tạo thêm gánh nặng về chi phí cho các đơn vị vận tải.

Theo ông Đại, chủ xe, doanh nghiệp muốn tăng giá vé, tuy nhiên việc này sẽ làm sản lượng vận chuyển giảm xuống. Lúc đó, xe buýt vốn giá rẻ sẽ không còn lợi thế. Tuy nhiên, nếu cứ duy trì mức giá như hiện nay thì chủ xe đều không có chi phí để duy trì hoạt động bởi giá xăng dầu chiếm tỷ lệ khá cao.

Phó giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT) Đỗ Thị Hải Phương cho biết, nhu cầu đi lại của người dân bắt đầu tăng cao trong thời gian gần đây. Một số tuyến hoạt động dần ổn định, lượng khách đông chủ yếu phục vụ vận chuyển học sinh, công nhân. Các tuyến khác tần suất hoạt động chưa đạt so với trước, nguyên nhân, do giá nhiên liệu tăng cao, lượng khách dự báo đi lại sẽ còn thấp gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các đơn vị vận tải chưa mạnh dạn hoạt động trở lại hoặc hoạt động với 100% biểu đồ như trước.

* Chưa đáp ứng được nhu cầu

Trước đây, toàn tỉnh có 24 tuyến xe buýt, không chỉ hoạt động trong tỉnh mà còn kết nối với các địa phương khác như: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, nhiều tuyến phải dừng hoạt động như: số 4, số 6, số 19… Đến nay, chỉ còn 19 tuyến xe buýt duy trì hoạt động trên địa bàn.

Sau thời gian dài hoạt động khó khăn do dịch bệnh, đến nay phần lớn các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Ảnh: T.HẢI
Sau thời gian dài hoạt động khó khăn do dịch bệnh, đến nay phần lớn các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Ảnh: T.HẢI

Dù mạng lưới xe buýt phát triển đa dạng, song theo đánh giá của nhiều người, chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt nói chung còn khá bất cập. Hành khách đi xe buýt phải phụ thuộc vào lịch trình các tuyến cũng như khung giờ xe buýt hoạt động nên thời gian chờ đợi ở một số tuyến xe buýt còn lâu.

Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) phản ảnh, chị thường xuyên đi lại trên tuyến xe buýt số 10. Hôm nào được đi xe mới thì ngồi thoải mái, nếu gặp phải xe cũ chạy giằng xóc liên tục rất mệt mỏi. Chưa kể, khi đi trên đường xảy ra ùn tắc thì chị đến công ty trễ, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà công việc cũng bị gián đoạn.

“Có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa “mặn mà” với xe buýt, nhưng chủ yếu vẫn do phương tiện đã cũ kỹ, xuống cấp, thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, hạ tầng giao thông còn yếu kém” - chị Hương nói.

Trong khi đó, ông Lê Công Thành (ngụ xã Phước Thái, H.Long Thành) bức xúc: “Nhiều đợt tôi bắt xe tuyến số 603 đi TP.HCM rơi vào những ngày cao điểm, lễ tết nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, dồn ép khách. Không ít lần tôi bất bình khi xe buýt đi không đúng lịch trình, bỏ khách xuống trạm cách điểm cần đến cả cây số”.

Hiện nay, nhiều xe buýt đã cũ, chất lượng xuống cấp trầm trọng. Trong đó, hàng loạt tuyến xe buýt đường dài, đi các tỉnh, thành khác vỏ bọc ghế trên xe bị rách, màu sơn xe bị bong tróc trông rất nhếch nhác, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị; một số xe thường xuyên hư hỏng giữa đường; tình trạng xe nóng nực vì không được trang bị máy lạnh (hoặc máy lạnh có nhưng không hoạt động được) gây bất tiện cho người dân.

Nhìn nhận từ thực tế, hiện lượng khách đi lại giảm rõ rệt, một số tuyến xe buýt lâm vào tình trạng ế khách hoặc hoạt động cầm chừng. Những năm gần đây, ngoài một số tuyến xe buýt được nâng cấp, thay thế phương tiện mới thì phần lớn xe buýt đang hoạt động là xe cũ, có tuổi thọ cao đã đặt ra yêu cầu phải thay thế phương tiện cũ. Tuy nhiên, để đầu tư một chiếc xe buýt mới, chất lượng cao có giá trị lên đến hàng tỷ đồng nên không thể thay đổi nhanh chóng và cùng lúc.

Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom) Nguyễn Xuân Thiện cho rằng, là một trong những đơn vị tham gia vào hoạt động xe buýt trên địa bàn từ thời điểm đầu triển khai nhưng để đẩy mạnh phát triển loại hình này không phải đơn giản. Nhiều xe xuống cấp, HTX đã kêu gọi đầu tư, nhưng ít người tham gia vì sợ lỗ. Với chi phí bỏ ra rất lớn (khoảng 2 tỷ đồng/xe) để đầu tư phương tiện trong bối cảnh nhu cầu của người dân giảm mạnh thì rất khó để thu hồi vốn, chưa nói đến làm ăn có lãi.

Theo ông Thiện, trong xu thế khi giá xăng dầu ngày càng cao, người dân bắt đầu chuyển từ xe cá nhân sang xe buýt là cơ hội để góp phần khôi phục lại vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Nếu giải được bài toán nâng cấp phương tiện thì khách hàng sẽ thực sự yên tâm khi lựa chọn loại hình này.

“Trước mắt, đơn vị đang từng bước thay đổi những phương tiện đã xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu của hành khách. Với những phương tiện khác thì xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đại tu, sửa chữa nhằm đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, mỹ quan và đồng bộ tuyến” - ông Thiện nói.

Thanh Hải


Ông HÀ VĂN TÚ (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa):

Đẩy mạnh sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường

Hiện nay, các thành phố lớn đều hướng tới mục tiêu phát triển đô thị văn minh, hiện đại, bền vững. Trong đó, phát triển giao thông công cộng, đặc biệt vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện được coi là mũi nhọn, giải quyết vấn đề giao thông đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội. Đồng Nai cũng là địa phương có mạng lưới xe buýt phát triển sớm và rộng nhưng chưa tương xứng với nhu cầu, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Người dân kỳ vọng tỉnh sẽ mở mới và phát triển các tuyến xe buýt thân thiện với môi trường, thay thế các phương tiện cũ nát, phát thải nhiều khói bụi.

Việc đưa xe buýt điện chất lượng cao vào hệ thống vận tải hành khách công cộng được kỳ vọng không chỉ góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại mà còn góp phần thay đổi thói quen hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; giúp người dân có thêm sự lựa chọn phương tiện giao thông mới chất lượng, phục vụ nhu cầu đi lại ngày một tốt hơn.

Bà ĐÀO THÚY AN (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):

Thay đổi từ đội ngũ nhân viên phục vụ, lái xe

Tôi thường xuyên đi xe buýt tuyến số 2 từ bến xe Biên Hòa đến Nhơn Trạch nên thường xuyên thấy hình ảnh thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ. Không ít lần nhân viên bán vé trên tuyến này tỏ thái độ bất lịch sự, sẵn sàng lời qua tiếng lại với khách hàng.

Do đó, tôi mong muốn Sở GT-VT chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh trường hợp lái xe phóng nhanh vượt ẩu thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Đặc biệt, chấn chỉnh thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt qua camera gắn trên xe, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động của phương tiện mà cần phải thay đổi từ đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt văn minh, thân thiện.

Hải Dương (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích