Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

09:08, 19/08/2021

Ngành sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm bán ra lại rất thấp. Trong đó, khó khăn nhất đang là ngành chăn nuôi vì giá sản phẩm bán ra thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất.

Ngành sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá sản phẩm bán ra lại rất thấp. Trong đó, khó khăn nhất đang là ngành chăn nuôi vì giá sản phẩm bán ra thấp hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất.

Đồ họa thể hiện sản lượng một số loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện sản lượng một số loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Nông sản, sản phẩm chăn nuôi khó tiêu thụ, tồn đọng khiến nông dân hiện phải sản xuất cầm chừng, thậm chí gặp cảnh thua lỗ, phá sản.

* Chi phí đầu vào tăng cao

Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào trong sản xuất từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, vật tư nông nghiệp, công lao động đều đồng loạt tăng giá, nhiều mặt hàng tăng giá rất nhiều lần với mức tăng cao nhất từ nhiều năm trở lại đây. Nông dân lao đao vì chi phí đầu tư lớn trong khi thị trường tiêu thụ nông sản, sản phẩm chăn nuôi rớt giá, thậm chí bị ùn ứ.

Ông Phạm Minh Đạo, chủ trại chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) lo lắng, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng mặt hàng thức ăn chăn nuôi có loại tăng giá gần cả chục lần. Chỉ tính hơn 1 tháng nay, khi Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, thức ăn chăn nuôi có thêm 2-3 lần tăng giá với tổng mức tăng khoảng 8% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi heo tăng từ 30-40% so với năm ngoái. Đây là nguyên nhân chính khiến giá thành chăn nuôi heo đội lên từ 6-7 ngàn đồng/kg so với trước. Ông Đạo so sánh: “Giá heo hơi đang từ mức “tăng khủng” 100 ngàn đồng/kg, sau khi xảy ra dịch tả heo châu Phi cứ hạ nhiệt dần và hiện giá bán tại trại đang ở mức thấp từ 50-52 ngàn đồng/kg. H.Vĩnh Cửu là địa phương đang có dịch Covid-19 bùng phát nên khó khăn hơn trong khâu tiêu thụ, heo hơi bán ra thấp hơn vài giá so với nhiều vùng khác, người chăn nuôi đang đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn hơn trong duy trì sản xuất”.

Nhiều vùng chuyên canh bưởi đang lo tìm nơi tiêu thụ. Trong ảnh: Vườn bưởi của nông dân xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu
Nhiều vùng chuyên canh bưởi đang lo tìm nơi tiêu thụ. Trong ảnh: Vườn bưởi của nông dân xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.NGUYÊN

Tăng chi phí đầu vào cũng là gánh nặng không nhỏ với lĩnh vực trồng trọt. Vụ thu hoạch năm nay, nông dân trồng cây buồn nhiều hơn vui vì năng suất nhiều loại cây trồng không đạt, đầu ra lại bấp bênh, giá rớt do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, bắt đầu vào cao điểm mùa mưa khiến nhiều loại nấm, bệnh trên cây trồng xuất hiện nhiều, nhu cầu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhiều, trong khi các loại vật tư này không ngừng tăng giá càng chồng chất gánh nặng lên nông dân.

Ông Nguyễn Đình Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, hơn 1 tháng nay, nhiều vùng thực hiện phong tỏa, cách ly y tế đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất từ khâu mua bán, vận chuyển nguyên liệu, nông sản đến tổ chức sản xuất. Nhiều loại vật tư nông nghiệp rất khó mua nên giá tăng rất cao. Còn nông sản thì không tiêu thụ được dù có loại giá rớt dưới giá thành sản xuất.

Ngoài ra, khó khăn không nhỏ là tình trạng thiếu hụt lao động, giá nông sản, sản phẩm chăn nuôi phải gánh thêm nhiều chi phí từ phí vận chuyển tăng cao đến các phí xét nghiệm Covid-19, thực hiện sát trùng, khử khuẩn và các khoản chi khác do thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19...

* Chăn nuôi thua lỗ nặng

Dịch Covid-19 khiến việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Hiện một số nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, ứ hàng cục bộ.

Thua lỗ nặng nhất hiện nay là ngành chăn nuôi gia cầm vì đây là mặt hàng có giá giảm sâu nhất. Thời gian gần đây, giá gà công nghiệp bán tại trại còn từ 5-7 ngàn đồng/kg, chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành sản xuất khiến trại nuôi thua lỗ nặng. Gà đến lứa lại không tìm được thương lái thu mua hoặc chỉ mua nhỏ giọt nên bị tồn tại trại nuôi khá nhiều, nhiều trại gà công nghiệp xảy ra tình trạng gà chết với số lượng hàng trăm con/ngày. Người nuôi gà công nghiệp đang thua lỗ hàng tỷ đồng/lứa gà, thậm chí phá sản.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ hệ thống trại chăn nuôi gà đạt chuẩn VietGAP tại H.Trảng Bom cho biết, tình trạng ùn ứ, rớt giá của gà công nghiệp là do thị trường tiêu thụ liên tục bị thu hẹp suốt nhiều tháng qua. Cụ thể, thị trường tiêu thụ lớn nhất của mặt hàng gà công nghiệp là TP.HCM đã giảm rất mạnh do hàng loạt chợ đầu mối, chợ truyền thống đều ngưng hoạt động trong khi đây là kênh tiêu thụ đến 60-70% tổng sản lượng mặt hàng này. Ngay cả kênh tiêu thụ lớn và ổn định từ trước đến nay là các nhà máy chế biến cũng có nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh.

Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nam bộ, khó khăn không nhỏ khiến gà đến lứa vẫn không xuất bán được vì việc vận chuyển hàng qua các chốt kiểm soát dịch tại nhiều địa phương hiện nay không dễ, chi phí tăng; khâu giết mổ, sơ chế gia cầm cũng bị gián đoạn khi hàng loạt lò giết mổ, chủ yếu là ở TP.HCM ngừng hoạt động. Ngành chăn nuôi gia cầm đang đối mặt với cơn khủng hoảng chưa từng thấy, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Ngay cả ngành nuôi trồng thủy sản luôn thuộc tốp đầu về mức tăng trưởng so với mặt bằng chung của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hiện cũng đang rất khó khăn. Người nuôi cá đang bị thua lỗ nặng do nguồn cung vật tư đầu vào khó khăn, tăng giá trong khi đầu ra bị ùn ứ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

* Khó duy trì sản xuất

Nông dân, người chăn nuôi đang gồng mình gánh lỗ, thậm chí một số lĩnh vực khó duy trì sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Giám đốc HTX Vĩnh Hưng (P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi vừa làm đơn kêu cứu gửi lên UBND TP.Biên Hòa hỗ trợ xã viên được vận chuyển cá đi tiêu thụ vì hiện các xã viên HTX còn khoảng 60 tấn cá lóc quá lứa tiêu thụ gần 2 tháng nay vẫn tồn tại ao vì thực hiện giãn cách xã hội, xe vận chuyển không ra, vào được. Cá quá lứa đặc ao, người nuôi phải vớt bỏ hàng trăm kg cá chết/ngày”.

Các trại nuôi gà công nghiệp đang thua lỗ tiền tỷ. Trong ảnh: Trại gà công nghiệp tại H.Long Thành
Các trại nuôi gà công nghiệp đang thua lỗ tiền tỷ. Trong ảnh: Trại gà công nghiệp tại H.Long Thành. Ảnh: B.NGUYÊN

Theo ông Vĩnh, thế mạnh của HTX này là sản xuất cá giống nhưng hiện nay đàn cá giống bố mẹ hầu như hư hao gần hết vì không bán, không mua được. Hiện đa số các xã viên đã bỏ ao, ngưng đầu tư sản xuất và việc khôi phục lại sản xuất giống không dễ vì cần nguồn vốn lớn với thời gian hàng năm trời.

Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Văn Quảng, Tổ trưởng Tổ Nuôi cá tra VietGAP ở ấp Vàm, xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) xót xa cho biết, hiện nhiều ao người nuôi bỏ không dám cho cá ăn vì cá đến lứa xuất bán không thể tìm thương lái thu mua, dù giá cá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Giá cám hiện nay tăng quá cao, nguồn thức ăn khác như cơm thừa tận dụng từ các bếp ăn công nghiệp cũng không còn nguồn vì thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công ty đang tạm ngừng hoạt động. Nhiều nông dân chấp nhận mất tiền tỷ, để cá đói chết dần trong ao vì không còn vốn đầu tư.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thời gian qua, hoạt động thu mua heo tại một số địa phương bị đình trệ vì đội ngũ thương lái bị cách ly do dịch Covid-19 rất nhiều. Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Nếu những khó khăn này vẫn tiếp tục kéo dài mà không có cách tháo gỡ, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể dần bị “xóa sổ” vì không còn vốn để duy trì hoạt động chăn nuôi, đầu tư tái đàn.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều