Báo Đồng Nai điện tử
En

VietGAP góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp

09:04, 04/04/2008

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa ban hành quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi (gọi tắt là VietGAP - Vietnamese Good Agricultural Practices). Quy trình này áp dụng để sản xuất rau, quả tươi an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh.

Cây xoài là một trong 3 loại cây ăn trái được ưu tiên tập huấn chương trình VietGAP.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa ban hành quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi (gọi tắt là VietGAP - Vietnamese Good Agricultural Practices). Quy trình này áp dụng để sản xuất rau, quả tươi an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh.

 

* Phóng viên: Ông có nhận xét gì về quy trình VietGAP vừa được Bộ NN-PTNT ban hành?

 

- Ông Huỳnh Thành Vinh: VietGAP được xây dựng dựa trên cơ sở của ASEAN GAP, EUREP GAP và một số tiêu chuẩn khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho rau, quả Việt Nam khi tham gia xuất khẩu vào thị trường khu vực ASEAN và thế giới. Đây là nền tảng để định hướng cho việc sản xuất nông nghiệp trong tương lai. Sản xuất nông nghiệp thời gian tới phải theo thị trường. Vì vậy, quy trình GAP là rất cần thiết.

VietGAP chỉ là cái nền để cho nông dân thấy được những yêu cầu cần thiết trong sản xuất. Còn sản xuất ra sản phẩm phải xác định tiêu thụ ở thị trường nào thì nghiên cứu áp dụng GAP của nơi đó. Ví dụ trái cây xuất khẩu ở các nước châu Âu thì chọn EUREPGAP, còn châu Á thì chọn ASEANGAP để thực hiện. Người sản  xuất cũng nên chia nhỏ thị trường ra để áp dụng GAP. Trong các nước ASEAN, mỗi nước lại xây dựng quy trình GAP riêng. Cũng là mức độ cho phép dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng quy trình GAP của mỗi nước lại quy định tỷ lệ cho phép khác nhau. Như vậy, khi xuất khẩu hàng vào nước nào thì phải nghiên cứu những quy định GAP của nước đó sẽ phù hợp nhất.

 

* Vậy có điều gì cần phải bàn thêm, thưa ông?

 

- Quy trình VietGAP đã có, nhưng còn thiếu một cơ quan độc lập đứng ra chứng nhận cho các nơi áp dụng quy trình này. Sản phẩm làm ra không có người kiểm tra xác nhận đạt hay chưa đạt thì việc áp dụng cũng chưa đi đến đâu. Phải có một đơn vị đầy đủ tư cách pháp nhân đứng ra theo dõi, kiểm tra lúc mới được gọi là hoàn chỉnh.

 

* Việc triển khai quy trình VietGAP trong thời gian tới liệu có gặp khó khăn?

 

- Tập huấn quy trình VietGAP cho nông dân không phải là khó, nhưng để người dân đưa quy trình vào sản xuất tôi nghĩ không dễ. Thứ nhất, do tập quán canh tác từ lâu đời của người dân, muốn thay đổi thói quen phải có thời gian. Nhiều quy định người dân chưa thể thay đổi ngay được như không chăn thả vật nuôi trong vùng sản xuất. Hàng năm phải tiến hành phân tích, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất v.v... Đó là những việc người dân phải tập từ từ. Thứ hai, diện tích sản xuất rất manh mún. Chương trình GAP rất thích hợp với những trang trại, HTX hoặc một doanh nghiệp sản xuất lớn nào đó. Vì những nơi này mới đủ điều kiện để thực hiện đầy đủ các yêu cầu của quy trình đưa ra. Chẳng hạn như phân tích mẫu đất, theo dõi nguồn từ giống cây trồng đến chất lượng sản phẩm, xây dựng nhà xưởng, phương tiện bảo quản và vận chuyển v.v...

 

* Cụ thể ở Đồng Nai chương trình VietGAP sẽ như thế nào?

 

- Năm vừa qua khi VietGAP chưa được ban hành, chúng tôi đã mở những lớp tập huấn cho các cán bộ ở phường, xã  trong tỉnh về GAP như EUREPGAP, ASEAN GAP. Những lớp này nhằm cung cấp kiến thức về sản xuất nông nghiệp an toàn cho cán bộ quản lý để giúp việc quản lý sau này thuận lợi hơn. Dự tính, trong năm 2008 này sẽ đẩy mạnh việc tập huấn VietGAP cho các nhà vườn, những người trực tiếp sản xuất. Các loại cây sẽ được tập trung tập huấn là bưởi, xoài, quýt... 

 

* Xin cảm ơn ông!

Vân Nam (thực hiện)

 

Tin xem nhiều