Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Cảnh:
Còn nhiều bất cập trong triển khai đầu tư phát triển theo quy hoạch

08:03, 28/03/2008

Quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch đang là vấn đề thời sự nóng ở Đồng Nai. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN CẢNH, Giám đốc Sở Xây dựng xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Cảnh

Quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch đang là vấn đề thời sự nóng ở Đồng Nai. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN CẢNH, Giám đốc Sở Xây dựng xung quanh vấn đề này.

 

* Nhiều địa phương rất lúng túng do không xác định được việc nào cần trước...

 

* Phóng viên: Là Giám đốc Sở Xây dựng, ông nghĩ sao khi nhiều người có nhận xét rằng: Vấn đề quy hoạch và phát triển xây dựng theo quy hoạch ở Đồng Nai đã được bàn thảo rất nhiều, nhưng việc tổ chức triển khai hiện dường như vẫn còn chậm?

 

- Ông Nguyễn Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng: Các đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều có quy hoạch chi tiết 1/2000. Điều đó chứng tỏ việc quan tâm của tỉnh trong vấn đề bố trí vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng (QHXD), tạo điều kiện cho quy hoạch đi trước một bước, tạo định hướng cho phát triển đô thị. Trong thời gian qua chúng ta đã giới thiệu địa điểm cho khá nhiều nhà đầu tư để đầu tư phát triển về đô thị và công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch... hàng trăm đồ án QHXD chi tiết 1/500 đã được phê duyệt. Do vậy, trong thời gian qua bộ mặt đô thị đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, cũng đúng như nhận xét của nhiều người, việc triển khai đầu tư phát triển theo quy hoạch của tỉnh còn nhiều bất cập, chậm so với yêu cầu đề ra, kể cả về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở... và phát triển đô thị nói chung. Có thể ví dụ như: khu trung tâm Biên Hòa, các dự án  (DA) phát triển nhà ở Nhơn Trạch, các DA về cầu, đường, thoát nước ở Biên Hòa, Nhơn Trạch...

 

* Theo ông nguyên nhân vì sao? Có phải là còn "vướng" về tầm nhìn và năng lực tổ chức thực hiện?

 

- Có thể có rất nhiều nguyên nhân, như: vướng mắc về cơ chế, chính sách của nhà nước, công tác tổ chức thực hiện, đội ngũ cán bộ còn bất cập, nguồn vốn thiếu hụt... Nhưng theo tôi, có một số vấn đề cần quan tâm là:

+ Các địa phương chưa đưa ra được một chiến lược phát triển đến hết thời hiệu quy hoạch của địa phương mình. Vấn đề này làm cho định hướng phát triển đô thị của địa phương rất lúng túng không xác định được việc nào cần trước, việc nào cần sau. Do vậy, chưa đưa ra được thứ tự ưu tiên cụ thể để đầu tư, dẫn đến việc đầu tư không mang lại hiệu quả cao. Không có chiến lược phát triển đô thị, do đó không tính toán lường trước nhu cầu phát triển như: nguồn vốn đầu tư, tổ chức các khu tái định cư, kế hoạch tổ chức thực hiện... dẫn đến bị động về nguồn vốn, lúng túng kêu gọi đầu tư, không giải phóng được mặt bằng, đầu tư không đồng bộ.

+ Công tác tổ chức cho phát triển chưa được chú trọng đúng mức, do vậy dẫn đến điều hành của các địa phương còn lúng túng. Việc bố trí lực lượng cán bộ còn bất cập, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn không đạt được mục tiêu tiến độ đề ra.

+ Công tác xây dựng bố trí tái định cư còn quá chậm. Tổ chức các khu tái định cư còn manh mún, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Do vậy, không giải phóng được mặt bằng, chậm trễ triển khai các DA đầu tư.

 

* Quy hoạch phải đi trước một bước

Khu dân cư trên đườngVõ Thị Sáu (mới).

 

* Quy hoạch phát triển xây dựng nói chung và trong đó có đô thị nói riêng, đâu là mối quan tâm nhất của ông?

 

- Trước hết, cần xác định đúng mức về phương châm: "phải đi trước một bước". Căn cứ vai trò vị trí, nhiệm vụ của tỉnh đối với cả vùng, liên vùng, miền để xác định đúng đắn hướng phát triển chung của toàn tỉnh, vấn đề này thể hiện bằng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên cơ sở này xác định cụ thể kinh tế - xã hội của từng địa phương thuộc tỉnh. Các loại quy hoạch khác, trong đó có QHXD phải thực hiện để cụ thể hóa các định hướng phát triển theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặt ra. Cần nhấn mạnh rằng, quy hoạch là định hướng để phát triển theo mục tiêu đề ra trong một khoảng thời gian nhất định; thời gian này có phân kỳ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn do đó nó phải được thực hiện trước làm cơ sở cho các bước tiếp theo trong quá trình đầu tư phát triển.

Tiếp theo như trên tôi đã nói, các địa phương cần phải có chiến lược phát triển đô thị (phát triển xây dựng nông thôn cũng vậy). Căn cứ vào QHXD đã được phê duyệt để phát triển chiến lược này. Chiến lược phát triển đô thị của địa phương là một kế hoạch định hướng và các giải pháp để đầu tư, phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt cho đến hết thời hiệu của quy hoạch. Trong chiến lược này được đề cập phân tích nhiều yếu tố để thực thi quy hoạch như: phân chia giai đoạn đầu tư, các DA ưu tiên, dự kiến và phân định nguồn vốn đầu tư, các giải pháp huy động nguồn vốn, kêu gọi đầu tư, hình thành các khu vực tái định cư, giải quyết các vấn đề xã hội, tổ chức thực hiện, phân công thực hiện, tổ chức cán bộ và bộ máy thực hiện.

Nếu không có chiến lược phát triển đô thị thì chúng ta khó khăn trong vấn đề định hướng đầu tư, đầu tư thiếu tập trung, sa vào giàn trải, không đồng bộ, ảnh hưởng không tốt về lâu dài. Ví dụ, định hướng phát triển như thế nào cho đô thị Biên Hòa và Nhơn Trạch theo tôi là phải khác nhau.

Đồng Nai có 260 DA phát triển nhà ở, nhưng có rất nhiều DA chậm triển khai. Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, có nhiều nguyên nhân triển khai các DA phát triển nhà chậm. Ngoài lý do cơ chế, chính sách thì còn lý do là năng lực chủ đầu tư, công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư và cũng có ly do là "xí" chỗ chờ thời. Để hạn chế tình trạng này, một số vấn đề ta cần làm là: kiểm tra xem xét lại toàn bộ các DA, đánh giá lại theo các nội dung, tiến độ đã đề ra, cương quyết thu hồi các DA triển khai chậm. Phát hiện, có biện pháp xử lý các trường hợp "găm hàng", đầu cơ, "chờ thời". Lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực sự, có hỗ trợ cho địa phương để phát triển chung về hạ tầng cơ sở. Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

 

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

 

- Biên Hòa là đô thị cũ đã hơn 300 năm. Đây là  đô thị vừa cải tạo vừa phát triển mới. Do vậy, về định hướng phát triển các vùng ngoại vi của trung tâm, kết nối hạ tầng tốt với khu trung tâm cũ và tiếp tục cải tạo khu trung tâm. Điều này có những lợi điểm là phát triển đều thành phố Biên Hòa, giãn mật độ dân cư khu trung tâm, bảo tồn tốt các khu cổ, cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu trung tâm. Cải thiện cảnh quan và môi trường toàn thành phố.

Đối với đô thị Nhơn Trạch là đô thị xây dựng mới hoàn toàn, do đó phát triển mạnh khu trung tâm. Khu trung tâm là nòng cốt, là hạt nhân để phát triển. Các vùng ven trung tâm ở mức độ vừa phải. Cần phải có các khu vực dự trữ cho tương lai. Sau một thời gian nhất định xem xét khu trung tâm còn những bất cập gì, thiếu gì thì các vùng ven khu trung tâm bù đắp khiếm khuyết đó. Định hướng như vậy sẽ có lợi là tập trung được nguồn lực, để tập trung đồng bộ đô thị, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, giải quyết tốt các khiếm khuyết nếu có trong quá trình phát triển khu trung tâm; hình thành được đô thị hiện đại, bền vững. Không phát triển tràn lan.

Một vấn đề nữa tôi muốn nêu lên là vấn đề tổ chức thực hiện đầu tư phát triển đô thị và năng lực của các tổ chức, cá nhân quản lý phát triển đô thị. Như tôi đã nêu, hiện nay vẫn còn rất bất cập không đáp ứng được với yêu cầu thực tế cần phải xem xét kiện toàn với tinh thần: chức năng rõ ràng đủ số lượng, trách nhiệm chuyên nghiệp hơn.

 

* Huy động nhiều nguồn lực cho phát triển đô thị

 

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, nhu cầu nhà ở thương mại hiện nay tại Đồng Nai ở vào mức độ trung bình. Dự báo trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn khi có chủ trương cho Việt kiều mua nhà và những tuyến đường đối ngoại chính của tỉnh hình thành. Hiện nay nhu cầu lớn nhất về nhà là cho đối tượng công nhân viên, đặc biệt là tầng lớp trẻ, nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp và nhà ở cho tái định cư. Tuy nhiên, đối với các đối tượng này nên dùng từ là "chỗ ở" thì đúng hơn. Vì giải quyết "chỗ ở" thì dễ hơn nhiều để có một nhà ở. Do vậy, định hướng tới giải quyết các loại nhà ở cho thuê là cần thiết.

* Hiện nay nhiều quy hoạch phát triển đô thị chậm triển khai, theo ông giải pháp để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện là gì?

 

- Để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ta phải khắc phục các nội dung trên, ở đây tôi xin nêu ba vấn đề:

Thứ nhất, là phải có kế hoạch, phương án huy động nguồn lực tốt hơn. Rõ ràng không thể chờ đợi vào nguồn ngân sách nhà nước được. Ngân sách nhà nước chỉ để đầu tư những vấn đề cốt yếu mà các thành phần khác không làm. Do vậy, phải huy động nhiều nguồn lực cho phát triển đô thị, trong đó rất chú trọng nguồn lực của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các ngân hàng... Ví dụ, tại sao ngay từ bây giờ không kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các ngân hàng cùng nhà nước giải quyết việc giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư cho khu trung tâm của TP. Biên Hòa.

Thứ hai, là nhanh chóng xây dựng các khu tái định cư. Đó chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề cốt lõi là lượng tái định cư của ta rất lớn, do vậy phát triển các khu tái định cư phải là các khu dân cư hoàn chỉnh, diện tích lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phương thức hình thành các khu tái định cư lớn nên kết hợp với các doanh nghiệp.

Thứ ba, là xem xét kiểm tra các chủ đầu tư, đơn vị nào làn chậm, thiếu năng lực thì thu hồi DA. Lựa chọn kỹ các chủ đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để giới thiệu DA, khuyến khích giới thiệu cho các chủ đầu tư có nguyện vọng ủng hộ thêm cho địa phương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

 

* Xin cám ơn ông.

Xuân Phú (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều