Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh
Kỳ cuối: Không ít khó khăn, vướng mắc trong giải quyết chính sách

09:03, 19/03/2008

Sau khi đăng các bài viết "Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh", báo Đồng Nai đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là gia đình, thân nhân của những người có công với cách mạng. Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong giải quyết chế độ, chính sách cho những người đã từng tham gia kháng chiến, hoạt động và có công với cách mạng, phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà Vương Thị Quyên, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội.

Sau khi đăng các bài viết "Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh", báo Đồng Nai đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là gia đình, thân nhân của những người có công với cách mạng. Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến  chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong giải quyết chế độ,  chính sách cho những người đã từng tham gia kháng chiến, hoạt động và có công với cách mạng, phóng viên báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà Vương Thị Quyên, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội.

 

Bà Vương Thị Quyên

Nhiều khó khăn, vướng mắc

 

* Phóng viên: Bà có thể cho biết sau gần 33 năm đất nước thống nhất, việc giải quyết chế độ, chính sách cho những người đã từng tham gia kháng chiến, hoạt động và có công với cách mạng ở Đồng Nai đã được giải quyết như thế nào?

- Bà Vương Thị Quyên: Về công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng, phải nói rằng Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm. Trước năm 1995, tức là khi chưa có Pháp lệnh ưu đãi người có công, Sở đã lập hồ sơ giải quyết chính sách cho trên 14 ngàn người. Đến khi Pháp lệnh ra đời, số đối tượng chính sách này tăng lên hơn gấp 3 lần, khoảng trên 44 ngàn người.

Tính đến nay, Sở đã tiếp nhận hồ sơ xét duyệt, xác nhận giải quyết chính sách cho trên 32 ngàn đối tượng, gồm: phong tặng và truy tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng; công nhận liệt sĩ, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động cách mạng bị bắt tù đày. Ngoài ra, trên 12 ngàn người hoạt động kháng chiến đã được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại... Đó là tất cả những cố gắng của ngành thương binh - xã hội sau hơn 11 năm thực hiện Pháp lệnh.

 

* Trong việc giải quyết chế độ, chính sách người có công với cách mạng, Sở đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?

 

- Phải nói là công tác này gặp khó khăn rất nhiều. Trước hết là khâu thẩm định hồ sơ. Mọi người cũng biết rằng trong thời kỳ kháng chiến, đâu phải mọi hồ sơ, giấy tờ đều được thực hiện rõ ràng, lưu giữ cẩn thận như bây giờ. Vì thế, có nhiều trường hợp cán bộ tiếp nhận phải xác minh, vừa đảm bảo tính chính xác, công bằng vừa phải thận trọng để tránh sai sót. Ấy là chưa kể đến những trường hợp cán bộ nhận hồ sơ cảm thấy nghi vấn, phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xác minh, đồng thời phải khéo léo để không làm phiền lòng đối tượng. 

Bên cạnh đó, việc quy định thủ tục hồ sơ công nhận chính sách vẫn còn một số bất cập, gây khó khăn cho người làm công tác chính sách. Như quy định thủ tục hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày theo Thông tư 27 của Bộ quá đơn giản, không phản ảnh được quá trình hoạt động cách mạng, nơi và thời gian ở tù, thời gian công tác sau khi ra tù dẫn đến khó khăn trong việc đối chiếu, kiểm tra giữa bản khai và người xác nhận để đảm bảo tính trung thực, chính xác của hồ sơ.

Trước đây, theo Thông tư liên tịch số 16/1998 của liên bộ LĐTBXH-BQP-BCA thì hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với những trường hợp hy sinh từ ngày 31-12-1994 trở về trước chỉ cần  gia đình làm đơn đề nghị, kèm theo giấy chứng nhận của 2 người biết trường hợp hy sinh cùng đơn vị từ đại đội trở xuống, hoặc cùng cơ quan. Nhưng nay theo Thông tư 25 hướng dẫn việc bổ sung thực hiện ưu đãi đối với người có công cách mạng của Bộ, thì những trường hợp công nhận liệt sĩ không còn là có 2 nhân chứng xác nhận như trước kia mà phải căn cứ vào các tài liệu như: người hy sinh đã được ghi là liệt sĩ trong giấy báo tử, có huân chương, huy chương hoặc được ghi nhận trong lịch sử Đảng bộ địa phương. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn vì không phải địa phương nào cũng có tài liệu, có lịch sử Đảng bộ, hoặc có những trường hợp trước nay chưa được tặng thưởng huân chương, huy chương, có cả những trường hợp hy sinh khi hoạt động mật nên không có giấy báo tử.

Ngoài ra, rất nhiều người do không nắm rõ thủ tục nên kê khai không đúng, không đầy đủ, phải hướng dẫn làm đi làm lại nhiều lần, đối tượng mất thời gian đi lại rồi cảm thấy phiền hà.

 

Người làm công tác chính sách cần phải có cái tâm

 

* Như vậy, do những khó khăn trên, sẽ có những trường hợp người có công cách mạng hoặc gia đình ngại đi làm thủ tục công nhận, gây thiệt thòi về quyền lợi?

 

- Theo tôi, những trường hợp có công với cách mạng nhưng chưa được khai báo, làm thủ tục để hưởng chế độ, chính sách hiện vẫn còn trong dân rất nhiều. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là bằng mọi giá không để sót trường hợp nào nhằm đảm bảo công bằng cho những người đã có công đóng góp với đất nước. Vì thế, nhiều năm qua chúng tôi đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình: tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ phường, xã - những đầu mối tiếp xúc trước tiên với đối tượng - để làm sao cho người đi làm chính sách cảm thấy thoải mái, tin tưởng; thông qua hệ thống cán bộ hưu trí, cựu chiến binh để vận động tuyên truyền, khuyến khích đối tượng làm thủ tục, chế độ...

Về vấn đề thủ tục, những năm qua các cán bộ làm công tác chính sách phải nghiên cứu rất kỹ các văn bản của Trung ương để linh hoạt vận dụng giải quyết. Trường hợp nào vướng, Sở cố gắng xin ý kiến ngay để giải quyết.

 

* Có trường hợp nào cán bộ làm công tác giải quyết chính sách gây khó khăn cho đối tượng không, thưa bà?

 

- Trong những năm qua, Sở đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra về việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng, qua đó đã kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những sai sót. Sai sót chỉ rơi vào một vài cán bộ xã, phường lợi dụng sơ hở trong việc chậm cắt trợ cấp cho những đối tượng đã từ trần để tham ô, như trường hợp một cán bộ phụ trách ở phường tham ô 113 triệu đồng tiền trợ cấp đã bị phát hiện và chuyển sang cơ quan pháp luật truy tố.

Tôi cho rằng, cán bộ làm công tác chính sách trước hết cần phải có cái tâm. Như cán bộ, nhân viên ở Phòng Thương binh liệt sĩ - người có công của Sở chỉ có 8 người mà ngoài việc duy trì trợ cấp, chăm sóc đời sống đối tượng chính sách còn phải tiếp xúc, hướng dẫn và giải quyết kịp thời hồ sơ cho đối tượng, quản lý về mặt nhà nước hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng, chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ... Nhiều hôm mọi người phải làm việc quá giờ, ngày nghỉ cũng phải đi công tác, khi cần phải xuống tận cơ sở gặp gỡ địa phương, đối tượng để giải quyết tồn đọng, không nề hà việc gì. Tôi cho rằng, mọi người đã làm hết trách nhiệm của mình.

 

* Xin cảm ơn bà.

 

 

Ông NGUYỄN XUÂN CƯƠNG, Trưởng phòng Thương binh liệt sĩ - người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội:

Tôi đã theo dõi hết 4 kỳ của loạt bài đăng trên báo Đồng Nai. Là người đảm nhận công tác chính sách về thương binh - liệt sĩ, tôi rất quan tâm đến những trường hợp mà báo đã nêu. Trong trường hợp của ông Huỳnh Kim Nhạc và ông Lưu Văn Nở, vướng mắc nằm ở điểm người thân không xác định được đơn vị, từ đó không tìm được đồng đội hoặc thủ trưởng đơn vị để xác minh, dẫn đến thời gian công nhận liệt sĩ bị kéo dài. Thật ra đây là trường hợp cũng hiếm gặp, vì phần lớn các hồ sơ công nhận đều tìm được người xác nhận. Trường hợp của ông Nhạc đã được công nhận liệt sĩ, còn ông Nở, nếu đã xác định đúng là trung đội trưởng thuộc Đại đội C240 của tỉnh Biên Hòa (cũ) thì gia đình nên liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để được hướng dẫn về thủ tục hồ sơ công nhận liệt sĩ theo đúng thẩm quyền quy định tại Thông tư 07/2006 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Về trường hợp của bà Lưu Thị Xinh tham gia kháng chiến rồi mất trong khi sinh nở, là một trong những trường hợp phải bàn cãi rất nhiều. Sở đã vận dụng Thông tư 03 về trường hợp hy sinh do ốm đau trong kháng chiến để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đề nghị công nhận liệt sĩ, nhưng do chưa đúng tiêu chuẩn nên Bộ chưa chấp thuận. Phải nói là chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình. Chúng tôi rất áy náy vì đối tượng này đáng được công nhận liệt sĩ mà không được. Riêng trường hợp của ông Nguyễn Văn Bảnh, do gia đình làm thủ tục xin công nhận liệt sĩ năm 1983 mà tôi thì mãi đến năm 1987 mới về phụ trách công tác này nên không nắm được cụ thể. Nhưng nếu tình tiết đúng như những gì mà các nhân chứng đã kể lại, thì tôi cho rằng việc chiến sĩ này khi biết mình nhầm lẫn rút nhầm quả lựu đạn thật đã ôm vào bụng để giảm sát thương cho đồng đội là một hành động hết sức dũng cảm và  đáng được công nhận liệt sĩ. Theo quy định của Thông tư 25/2007 hướng dẫn việc bổ sung thực hiện ưu đãi đối với người có công cách mạng của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, việc công nhận liệt sĩ căn cứ vào các tài liệu như: người hy sinh đã được ghi là liệt sĩ trong các giấy báo tử, huân chương, huy chương, giấy chứng nhận đeo huân chương, huy chương, bảng vàng danh dự, bảng gia đình vẻ vang hoặc lịch sử Đảng của cấp xã, phường, thị trấn trở lên. Vì vậy, theo tôi gia đình nên liên hệ với địa phương để tìm tư liệu, căn cứ để xác nhận liệt sĩ.

Qua những trường hợp trên, có thể còn những trường hợp tồn đọng như thế. Sở đang tập trung giải quyết  nên đề nghị những trường hợp người tham gia kháng chiến, có công cách mạng hoặc người thân, gia đình nên chủ động liên hệ với Phòng Nội vụ - lao động, thương binh và xã hội địa phương làm thủ tục để được hưởng chính sách.

* Ông HUỲNH MINH CƯỜNG, ngụ tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành), người cung cấp thông tin ban đầu cho loạt bài "Còn đó, những nỗi đau sau chiến tranh":

Tôi chỉ là người cung cấp thông tin ban đầu, tất cả những việc còn lại hoàn toàn là do phóng viên của báo Đồng Nai thực hiện. Phải nói rằng loạt bài đã được thực hiện thật công phu, chi tiết, các nhân chứng đều cụ thể, rõ ràng và chân thật. Các tình tiết dẫn dắt chính xác và thể hiện thật xúc động. Và hay nhất là phóng viên đã xác minh được trường hợp của anh Lưu Văn Nở. Tôi và anh Lưu Văn Thọ mừng quá. Loạt bài đã thu hút sự quan tâm chú ý của bà con xã Bình Sơn chúng tôi nhiều lắm. Nhiều người đã đến mượn tôi những số báo có đăng bài để chuyền tay nhau đọc, rồi còn photo lại đưa cho người khác đọc nữa.

Về chuyện hồ sơ, thủ tục để công nhận liệt sĩ, tôi nói thiệt, hồi xưa bọn tôi đi tham gia kháng chiến đâu có ai nghĩ đến chuyện sau này sẽ thành liệt sĩ đâu mà có sự chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ đầy đủ. Nói vậy thôi, chớ nhiều người đi làm cách mạng biết là sẽ đương đầu với bắt bớ, tù đày, thậm chí cả cái chết nữa, nhưng tất cả đều chấp nhận, đâu có ai so đo tính toán, nghĩ tới chuyện sau này mình được gì, mất gì. Chỉ có điều bây giờ hòa bình rồi, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi cho người có công rồi, nhưng việc làm hồ sơ thủ tục phải coi như thế nào cho hợp lý, đừng cứng nhắc quá để rồi một số anh em phải chịu thiệt thòi.

Còn một điều nữa, những cán bộ làm công tác thương binh xã hội từ tỉnh, huyện rồi xuống xã nên có thái độ, trách nhiệm giải quyết thống nhất như nhau, đừng có tỉnh thế này, huyện thế nọ, rồi xã thế kia, khổ cho người dân lắm.

                                                                                         N. Hà (GHI)

 

 Kỳ 1: NỖI ĐAU QUA 3 THẾ HỆ...

 Kỳ 2: NGƯỜI TRUNG ĐỘI TRƯỞNG HY SINH CHƯA ĐƯỢC CÔNG NHẬN LIỆT SĨ

 Kỳ 3: 40 NĂM OAN KHUẤT

 Kỳ 4: SỐ PHẬN TRỚ TRÊU

T.T (thực hiện)

                            

Tin xem nhiều