Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy hiểm rình rập các quán karaoke

10:11, 04/11/2016

Sau vụ cháy quán karaoke 68 (phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) thiêu rụi 4 ngôi nhà cao tầng, làm 13 người thiệt mạng ngày 1-11, vấn đề an toàn cháy, nổ ở các điểm karaoke đã được dư luận đặt ra...

Bài 1: Những... "chiếc lồng kín"

Sau vụ cháy quán karaoke 68 (phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) thiêu rụi 4 ngôi nhà cao tầng và làm 13 người thiệt mạng ngày 1-11, vấn đề an toàn cháy, nổ ở các điểm kinh doanh karaoke đã được dư luận đặt ra. Việc kiểm tra an toàn phòng chống cháy, nổ tại các điểm kinh doanh karaoke trên toàn tỉnh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi mùa mưa sắp hết, mùa khô đang đến.

Lối đi lại trong một quán karaoke tương đối nhỏ, chỉ 2 người chen nhau đi vừa
Lối đi lại trong một quán karaoke tương đối nhỏ, chỉ 2 người chen nhau đi vừa

Phòng hát karaoke phải cách âm tốt, âm thanh phải trong, không bị dội... là yêu cầu chung của những người đến quán karaoke giải trí. Vì quá chú trọng chuyện làm hài lòng khách, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã lơ là việc đảm bảo an toàn cháy, nổ cho quán.

Rúng động cả nước

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại các điểm kinh doanh karaoke, nhất là tại các đô thị lớn gây hoang mang dư luận vì các điểm kinh doanh karaoke là nơi thu hút nhiều người đến giải trí.

Khoảng 18 giờ ngày 17-9, những tia lửa bén lên nơi biển quảng cáo ở tầng 2 đã trở thành ngọn lửa bùng cháy dữ dội, lan khắp 8 tầng của quán karaoke Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu rụi toàn bộ căn nhà, đồng thời làm náo loạn khu dân cư quanh đó. Theo cơ quan chức năng, quán karaoke Nguyễn Khang chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh, không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và từng bị kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần mà vẫn vi phạm.

Hay như vụ cháy quán karaoke Cosy (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) ngày 12-10. Khoảng 14 giờ ngày 12-10, người dân phát hiện có tiếng nổ lớn phát ra từ bên trong quán, sau đó khói lửa bùng lên nhanh chóng làm nhiều người xung quanh sợ hãi. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi quán karaoke với thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.

Mới đây nhất, khoảng 13 giờ 30 ngày 1-11, quán karaoke 68 (quận Cầu Giấy) bất ngờ bốc cháy dữ dội và nhanh chóng lan sang các ngôi nhà kế bên, cũng kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke. Vụ cháy đã làm 13 người thiệt mạng và gây hoang mang trong dư luận, khiến Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy phải ra quyết định tạm dừng hoạt động 100% quán karaoke trên toàn quận để tổng kiểm tra an toàn cháy, nổ.

Trước tình hình phức tạp về mất an toàn cháy, nổ ở các điểm kinh doanh karaoke, Thượng tá Lê Quang Nhân, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, cho hay: “Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an vừa có công điện hỏa tốc gửi công an, cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố yêu cầu tổ chức rà soát, tổng kiểm tra các cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ, như: quán karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng… Theo đó, Cảnh sát PCCC tỉnh đã lên kế hoạch kiểm tra chuyên đề và trong vòng 10 ngày tới sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan tổ chức đoàn kiểm tra trong toàn tỉnh. 6 phòng cảnh sát PCCC địa phương cũng có kế hoạch kiểm tra toàn bộ các quán karaoke, vũ trường, nhà hàng… trên địa bàn mình quản lý nội trong tháng 11-2016”.

Theo Thượng tá Nhân, nhận thấy trước những nguy cơ, hiểm họa từ những vụ cháy xảy ra tại những cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ karaoke, vào ngày 6-10-2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 47/2015/TT-BCA hướng dẫn về bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke. Thông tư nêu rõ, các cơ sở kinh doanh karaoke phải được Cảnh sát PCCC mỗi tỉnh, thành thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra an toàn, các biện pháp về phòng cháy; các cơ sở kinh doanh phải trang bị hệ thống lối thoát hiểm, đèn báo thoát hiểm, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động.

Mất an toàn từ sự tiện nghi

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC tỉnh, toàn tỉnh có 328 cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, karaoke, trong đó tập trung nhiều ở TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, 2 huyện Long Thành và Trảng Bom.

Theo quan sát của chúng tôi, một số quán karaoke ở TP.Biên Hòa phần lớn đều là nhà ở chuyển đổi mục đích sang kinh doanh dịch vụ karaoke kết hợp sinh hoạt gia đình. Diện tích các quán cao tầng tương đối nhỏ, với các điểm chung là lối đi nhỏ hẹp, cầu thang chứa thêm một số hàng hóa nên càng cản trở lối đi. Chưa kể nhiều quán bố trí cửa sổ quá ít, ánh sáng ban ngày khó lọt vào; ban đêm lại càng mù mờ hơn do quán sử dụng đèn màu. Một số quán trang trí kính nhiều màu nên sau khi ra khỏi phòng hát karaoke, trong điều kiện ánh sáng yếu, người di chuyển rất dễ mất phương hướng.

Khảo sát các quán karaoke dọc đường Võ Thị Sáu, Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa), chúng tôi thấy một số quán được sửa chữa lại từ nhà ở, dù có lối thoát hiểm nhưng không phải lúc nào đèn báo thoát hiểm cũng bật sáng. Một số quán có cửa thoát hiểm phía sau hoặc bên hông, nhưng lại khóa cửa với lý do sợ trộm cắp đột nhập, khi có cơ quan chức năng kiểm tra mới mở ra. Để tăng hiệu quả cách âm, các quán đã cho ốp nệm mút, ván gỗ, thạch cao lên tường rất dày, khiến khách trong phòng khó biết được điều gì đang diễn ra bên ngoài và các chất liệu đó rất dễ bốc cháy nếu có tàn thuốc hay tia lửa điện…

Anh Nguyễn Văn An (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khi tới quán karaoke, chúng tôi chỉ quan tâm đến hệ thống âm thanh, chất lượng máy móc chứ ít để ý đến lối thoát hiểm hay đèn báo hiệu thoát hiểm. Sau sự cố cháy quán karaoke 68 ở TP.Hà Nội ngày 1-11, tôi mới để ý thấy trong phòng karaoke có rất nhiều vật liệu dễ cháy, như nệm mút cách âm, chưa kể hệ thống điện hoạt động hết công suất cũng dễ xảy ra chập, nổ”.

Không chỉ ở những quán karaoke cao tầng, ngay cả những quán chỉ xây dựng ở tầng trệt với diện tích rộng, sân thông thoáng cũng rất lơ là việc phòng chống cháy, nổ. Các bình chữa cháy của các quán này không đặt ở nơi thuận tiện, dễ lấy. Thậm chí, khi được hỏi về cách phòng chống cháy, nổ, một số chủ quán trả lời, theo hướng dẫn của cảnh sát PCCC thì phải đặt ở các vị trí thuận tiện, như: gần cửa ra vào, chiếu nghỉ của cầu thang…, nhưng do sợ nhân viên lấy ra nghịch và vướng lối đi của khách nên họ đem cất, khi nào có kiểm tra mới lấy ra.

Thiếu tá Nguyễn Đình Long, Đội trưởng Đội Hướng dẫn thẩm duyệt và kiểm tra về PCCC (thuộc Phòng Hướng dẫn về phòng cháy Cảnh sát PCCC tỉnh), cho biết một số quán karaoke khi trình thiết kế cho cơ quan chức năng thẩm duyệt đều tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, nhưng đến khi đưa vào sử dụng lại tùy tiện chỉnh sửa khi thấy bất tiện. Một số cửa thoát hiểm bị khóa hoặc bịt tạm bằng các chất liệu tạm như ván gỗ ép rất dễ bắt lửa, đèn báo thoát hiểm cũng khi bật khi tắt, nếu xảy ra sự cố sẽ không thể lường trước được hậu quả.

Đăng Tùng

Bài 2: Phải xử lý thật nghiêm

 

Tin xem nhiều