Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình người nơi bến sông

11:10, 31/10/2016

Vừa làm nghề chài lưới vừa làm các công việc tay chân để kiếm thêm thu nhập, quanh năm nhọc nhằn vất vả nhưng các anh Đỗ Đình Mai và Nguyễn Ngọc Vũ (đều ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, huyện Định Quán) đã không quản ngại hiểm nguy lao mình ra giữa dòng sông chảy xiết trong đêm tối để cứu người.

 

Vừa làm nghề chài lưới vừa làm các công việc tay chân để kiếm thêm thu nhập, quanh năm nhọc nhằn vất vả nhưng các anh Đỗ Đình Mai và Nguyễn Ngọc Vũ (đều ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, huyện Định Quán) đã không quản ngại hiểm nguy lao mình ra giữa dòng sông chảy xiết trong đêm tối để cứu người.

Anh Đỗ Đình Mai chăm chỉ với nghề chài lưới trên sông La Ngà.
Anh Đỗ Đình Mai chăm chỉ với nghề chài lưới trên sông La Ngà.

Trên nhà bè nuôi cá nằm gần chân cầu Thanh Sơn (huyện Định Quán), 2 anh Nguyễn Ngọc Vũ và Đỗ Đình Mai vừa thoăn thoắt tay tát nước khỏi chiếc ghe vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện cứu ông Trần Văn Giang (58 tuổi, ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán) bị nước cuốn vào đêm 23, rạng sáng 24-10.

* Trận chiến với thủy thần

Anh Mai nhớ lại, khoảng 2 giờ 30 sáng 24-10, anh nghe thông tin Công an xã Ngọc Định huy động ghe của ngư dân ra khu vực bến phà Năm Nghĩa, giáp ranh giữa 2 huyện Tân Phú và Định Quán cứu người bị nước cuốn. Ngay lập tức, anh chạy qua nhà hàng xóm Nguyễn Ngọc Vũ để gọi anh Vũ cùng đi cứu người và cả hai nhanh chóng dùng chiếc ghe đẩy (loại ghe gỗ, đạp chân để di chuyển) tới khu vực có người bị nạn.

Ngày 25-10, UBND huyện Định Quán đã khen thưởng đột xuất cho 3 cá nhân trực tiếp tham gia cứu ông Trần Văn Giang, gồm: 2 anh Đỗ Đình Mai, Nguyễn Ngọc Vũ và ông Trần Văn Hên. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 5 cũng đã đưa 2 anh Mai, Vũ và ông Hên vào lực lượng dự bị thường trực, sẵn sàng tham gia cứu nạn cứu hộ ở môi trường sông nước quen thuộc.

“Đến nơi, chúng tôi thấy rất đông người đứng trên bờ bàn cách cứu người, phía ghềnh đá giữa sông có chiếc thuyền gỗ bị lật úp, trên đó là một người đàn ông ngồi co ro chờ cứu. Lúc đó, ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán và Thượng tá Phạm Thế Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 5, cùng chúng tôi tìm hướng tiếp cận nạn nhân. Theo lời kể của những người trên bờ, cả 3 chiếc ca nô của lực lượng cứu nạn đã tìm cách tiếp cận nạn nhân nhưng không thể nào tới gần vì nước xiết, cứ đến gần chỗ nạn nhân là bị sức nước đẩy ra sau. Tôi cùng Vũ đạp ghe ra thử cũng bị nước đẩy đi, phải quay lên bờ tìm cách khác” - anh Đỗ Đình Mai kể lại.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 5, vào chiều tối 23-10, nạn nhân đang chạy thuyền máy đến bến phà Năm Nghĩa thì bỗng dưng thuyền bị chết máy, sức nước khi đó rất lớn nên thuyền bị nước cuốn không hãm lại được. Khi nhận được tin báo, ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện và lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện đã nhanh chóng có mặt ở bờ sông. Ông Giang khi đó đã kêu cứu hết sức, người dân sống gần bờ sông nhìn thấy nhưng không tài nào tiếp cận ông được do nước chảy xiết và trời tối.

“Khoảng gần 4 giờ sáng thì ông Trần Văn Hên, em của ông Giang, đem chiếc ghe máy tới. Tôi, Mai, ông Hên đã cùng lên ghe ra chỗ ông Giang. Lúc đầu, ông Hên cũng sợ sức nước cuốn nhưng trước tính mạng anh trai đang “ngàn cân treo sợi tóc” ông Hên đã nổ máy ghe đưa chúng tôi ra giữa dòng nước xiết. Mọi người trên ghe nói với nhau: nước xiết thế này, một là 4 người (kể cả ông Giang) trở lên bờ an toàn, hai là cả 4 người cùng bị trôi theo dòng nước. Ông Hên điều khiển ghe, trong lúc đó tôi và Mai loay hoay tìm cách cột dây vào phao và gốc cây ven bờ, rồi cầm phao bơi ra chỗ ông Giang. Khi ghe máy tới gần chỗ ông Giang thì tôi giữ chắc dây, Mai mặc áo phao lao xuống dòng nước, bơi tới gần chỗ ông Giang quàng phao vào người ông để mọi người kéo vào” - anh Vũ diễn tả lại hành động cứu người.

Khi đưa được nạn nhân lên bờ an toàn, cả anh Vũ, anh Mai và ông Hên mới thật sự thở phào nhẹ nhõm vì cả 3 người vừa đánh cược với thủy thần để cứu người. Anh Mai chia sẻ thêm, do làm nghề lưới cá 5 năm nay nên khi phải ngụp lặn dưới nước, anh không sợ gì, chỉ lo không cứu được người mà thôi.

* “Cứu người không mong báo ơn…”

Hơn 15 năm làm nghề nuôi cá bè, lưới cá trên sông La Ngà, anh Nguyễn Ngọc Vũ đã nhiều lần cứu người, giúp thân nhân vớt thi thể chìm dưới đáy sông. Anh luôn tâm niệm cứu người thì không mong báo ơn, ai có biếu xén tiền bạc sau mỗi lần cứu người anh cũng không muốn nhận.

Anh Vũ cho hay: “Làm việc thiện mà nhận báo đáp thì đâu gọi là việc thiện nữa. Gia đình tôi đã 2 đời kiếm sống trên dòng sông La Ngà nên luồng sông nước tôi nắm trong lòng bàn tay; mùa nào dòng nước chảy ra sao, nông sâu thế nào tôi đều rõ. Vì vậy, khi có ai nhờ cứu người, vớt xác là tôi đi ngay chứ chẳng câu nệ gì. Trong đêm đi cứu ông Giang, tôi phải hoãn lại chuyến đi xe lấy hàng cho cha vợ để đi cứu người. Mà kiếm sống trên sông nước, ai biết lúc nào gặp nạn nên cứ giúp người để tích đức trước đã”.

Anh Nguyễn Ngọc Vũ (phải) và anh Đỗ Đình Mai trên chiếc ghe đạp dùng di chuyển trong đêm cứu ông Trần Văn Giang.
Anh Nguyễn Ngọc Vũ (phải) và anh Đỗ Đình Mai trên chiếc ghe đạp dùng di chuyển trong đêm cứu ông Trần Văn Giang.

Anh Vũ nhớ lại cách đây 9 năm, một gia đình có người chết đuối ở sông La Ngà đã nhờ những người làm nghề đánh cá tìm giùm thi thể nạn nhân xấu số, nhưng lại dùng 10 triệu đồng rao thưởng. Nhiều người cảm thấy tự ái nên không nhận lời. Lúc ấy, anh Vũ dù không đồng tình với cách làm của gia đình nạn nhân nhưng vẫn nhận lời giúp. Sau nhiều giờ lặn ngụp dưới đáy sông, anh cùng vài người nữa mới đưa thi thể nạn nhân lên bờ. Khi đó, gia đình nạn nhân đưa 10 triệu đồng nhưng anh Vũ cương quyết không nhận với lý do giúp người là vì đồng cảm với nỗi đau, chia sẻ nỗi mất mát với người nhà nạn nhân, còn muốn có tiền thì anh đã làm nghề khác chứ không nhận công việc này.

Còn anh Mai, sau nhiều năm lăn lộn với đủ thứ nghề, anh lại quay về làm công việc đánh cá giống cha anh từng làm. Anh Mai cho hay làm nghề chài lưới, sinh sống trên sông nên tai nạn sông nước có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Do đó, mỗi khi có ai nhờ cứu người trên sông anh không nề hà. Hầu như năm nào sông La Ngà cũng có người gặp nạn, nhưng cứu được ai thì anh sẽ cứu, còn khi đã quá muộn thì anh cũng cố gắng giúp người nhà tìm được thi thể người thân.

Anh Mai tâm sự: “Nhà nghèo nên tôi phải làm lụng nhiều mới có cái ăn. Tuy vậy, một khi đã giúp người thoát nạn thì không khi nào tôi muốn báo đáp. Ngay cả lên mặt báo cũng vậy, thật sự tôi rất ngại. Tôi tâm niệm việc mình làm được chỉ là một việc nhỏ, rất nhỏ trong cuộc sống, giúp được ai thì giúp chứ kể công oang oang lại không hay”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều