Báo Đồng Nai điện tử
En

Những suất cơm nghĩa tình

10:11, 02/11/2016

Trong khi người ngoài xã hội đang tất bật lo toan với nỗi lo cơm áo gạo tiền thì trong căn bếp nhỏ độ 4m2, nơi góc chùa Phước Hội (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có những người đang mải mê nấu cơm, chế biến thức ăn để kịp bữa cơm trưa miễn phí cho những bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Trong khi người ngoài xã hội đang tất bật lo toan với nỗi lo cơm áo gạo tiền thì trong căn bếp nhỏ độ 4m2, nơi góc chùa Phước Hội (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có những người đang mải mê nấu cơm, chế biến thức ăn để kịp bữa cơm trưa miễn phí cho những bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Những tình nguyện viên chế biến và đóng gói thức ăn gọn gàng.
Những tình nguyện viên chế biến và đóng gói thức ăn gọn gàng.

Mọi người gọi căn bếp nhỏ ấy là căn bếp từ thiện, được thực hiện bởi những người trong Hội Từ thiện tỉnh.

Cho là nhận

Theo lời bà Lê Thị Vân, Phó chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh, Hội được thành lập từ năm 1992 theo quyết định của UBND tỉnh. Mục đích của Hội ban đầu là giúp đỡ những người neo đơn, xây dựng nhà tình thương, trao quà cho người nghèo trong dịp tết… Nhưng đến năm 1999, chứng kiến cảnh những người bệnh phải chạy thuốc từng ngày, lo cơm từng bữa nên ông Trương Công Xã (thường gọi là ông Tư Xã, nguyên Giám đốc nhà hàng Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã quyết định vận động các nhà hảo tâm kinh phí để nấu cháo phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Việc làm ý nghĩa, đầy tình người của ông Tư Xã lập tức được lãnh đạo bệnh viện chấp thuận và tạo mọi điều kiện để người nghèo có được những bữa cháo miễn phí. Từ đó, một gian bếp nhỏ được đặt tại bệnh viện làm nơi chế biến thức ăn, đồng thời nhận những đóng góp của các nhà hảo tâm.

Ban đầu, Hội Từ thiện tỉnh chỉ tổ chức nấu khoảng 60 suất cháo, sau đó lên đến 80 suất, 100 rồi 120 suất... Cho đến năm 2006, khi nấu được 150 suất cháo thì những suất cơm trưa từ thiện cũng bắt đầu ra đời. Rồi theo thời gian, Hội Từ thiện tỉnh duy trì được việc nấu 250 suất cháo và 200 suất cơm dành cho người nghèo.

Cho đến tháng 5-2015, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai dời về cơ sở mới được  xây dựng khang trang. Những suất cơm từ thiện không được trao đến cho người bệnh nghèo từ đó. Dừng nấu cơm, cháo 1 năm thì đến năm 2016, Hội Từ thiện tỉnh được sự chấp thuận của lãnh đạo bệnh viện nên lại tiếp tục nấu cơm ở ngoài rồi mang vào trong bệnh viện cấp cho bệnh nhân nghèo.

“Mừng lắm, bệnh viện cho mình phát cơm từ thiện là vui lắm rồi. Chúng tôi lại được dịp đồng hành với người bệnh nghèo để họ vượt qua số phận” - bà Vân nói trong phấn khởi. Từ đó, căn bếp từ thiện được hình thành trong ngôi chùa Phước Hội với sự tham gia của khoảng 10-20 người.

Những suất cơm từ thiện được trao tận tay bệnh nhân nghèo.
Những suất cơm từ thiện được trao tận tay bệnh nhân nghèo.

Lau những giọt mồ hôi chảy nhễ nhại trên trán, đôi tay thoăn thoắt đảo từng miếng thịt ướp hành thơm lừng trên chiếc chảo to, bà Võ Thị Chính (72 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) cho biết: “17 năm nấu cơm từ thiện là khoảng thời gian tôi thấy mình sống rất ý nghĩa. Cứ nghĩ đến việc hy sinh bản thân một chút để giúp người nghèo, lòng tôi luôn phấn khởi”.

Bà Chính là thành viên gạo cội trong Hội Từ thiện tỉnh và là người chịu trách nhiệm chính chế biến thức ăn cho người bệnh nghèo. Cứ khoảng 2 giờ sáng hàng ngày, bà đi bộ ra chợ Biên Hòa mua thực phẩm tươi sống ở nơi uy tín rồi mang về nhà. Với sự hỗ trợ của những người con, bà có thể hoàn thành xong khâu chuẩn bị một cách nhanh chóng. Khoảng 4 giờ sáng, khi nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, bà Chính được người con trai chở đến căn bếp từ thiện tại chùa Phước Hội để bắt đầu nấu nướng. Cứ thế, 17 năm trôi qua là chừng ấy năm bà thấy mình hạnh phúc bởi theo bà, cuộc sống này “cho là nhận”.

Ấm lòng cơm từ thiện

Khi tất cả các loại thức ăn đã được đóng gói gọn gàng, khoảng 10 giờ, chiếc xe chở thức ăn đến bệnh viện. Nơi phát cơm từ thiện được bố trí ở khu vực đặt bàn ăn cho bệnh nhân tại lầu 4, khu A của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, những người được nhận cơm từ thiện lần đầu hay đã thành “khách quen” ăn cơm từ thiện đều chờ đợi trong sự phấn khởi.

Cầm phiếu cơm trên tay cẩn thận, ông C.V.H. (57 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi đã nằm viện 10 tháng rồi và ngày nào cũng được ưu tiên nhận cơm từ thiện. Mỗi ngày, tôi đều xin thêm phần cơm trắng dành cho bữa ăn buổi chiều”.

Đầu năm 2016, ông H. từ Hà Nội vào Nam để thăm con. Do sống không hợp nên con cái thuê cho ông căn phòng riêng tại phường Trảng Dài để ở một mình. Ngờ đâu, thời gian này căn bệnh tim quái ác hành hạ nên ông xin nhập viện để điều trị. Số tiền con cái cho chỉ đủ để ông chi trả viện phí, còn bữa ăn phải nhờ đến những suất cơm từ thiện.

“Cơm từ thiện ăn ngon lắm, thức ăn đầy đủ và mỗi ngày được ăn một món khác nhau. Không có cơm từ thiện, tôi chỉ ăn mì gói cho qua ngày thôi chứ tiền đâu mà mua cơm” - ông H. xúc động bày tỏ.

Nhận phần cơm trưa và thêm một suất cơm thêm, ông T.V.C. (84 tuổi, ngụ huyện Long Thành) nâng niu như một món quà. Những giọt nước mắt lăn dài trên mảng da đã thô ráp với nhiều nếp nhăn, ông C. chia sẻ: “Tôi là người neo đơn, bệnh lâu rồi nhưng vì không có tiền chạy chữa nên bệnh ngày một nặng. Bác sĩ nói tôi sống được ngày nào hay ngày đó, chứ mổ cũng chết mà không mổ cũng chết”.

Ông C. bị hở van tim, phải thường xuyên nằm điều trị tại bệnh viện. “Không ngờ, tôi bị con cái bỏ rơi nhưng lại được cưu mang bởi nhóm thiện nguyện này. Ngày nào họ cũng cho tôi ăn cơm với đầy đủ thức ăn. Không có họ, không biết tôi có chống chọi được những ngày tháng bệnh tật này không” - gạt nước mắt, ông C. cho biết.

Để có được những suất cơm đầy nghĩa tình này là nhờ vào sự hảo tâm và đóng góp tích cực của nhiều người trong xã hội. “Lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” luôn là những nghĩa cử cao đẹp và mang đậm tình người như một làn hơi ấm áp lan tỏa ra cộng đồng, làm cho xã hội ngày một đẹp thêm.

Nguyễn Như Giao, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viên đa khoa Đồng Nai, cho biết: “Mỗi ngày, những người trong Hội Từ thiện tỉnh đều đến bệnh viện cấp cơm cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây. Họ tuân thủ nghiêm mọi nội quy của bệnh viện, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước khi cấp cơm cho bệnh nhân, họ đều gửi mẫu thức ăn cho bệnh viện lưu mẫu và kiểm tra kỹ lưỡng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi rất hoan nghênh và ngưỡng mộ tấm lòng thiện nguyện của họ”.

Tố Tâm

 

 

Tin xem nhiều