Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng pháp lý, nhiều doanh nghiệp bất động sản bên bờ vực thẳm

07:02, 11/02/2023

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2022, có khoảng 1,2 ngàn doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) phải giải thể, tăng gần 39% so với năm 2021. Có thể nói, 2022 là năm khắc nghiệt nhất đối với tất cả DN BĐS.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2022, có khoảng 1,2 ngàn doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) phải giải thể, tăng gần 39% so với năm 2021. Có thể nói, 2022 là năm khắc nghiệt nhất đối với tất cả DN BĐS. Thị trường BĐS gặp khó khăn đã tác động bất lợi sang nhiều lĩnh vực kinh tế khác và cả vấn đề đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người có thu nhập thấp trong xã hội.

Nhiều DN BĐS đã phải tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh hoặc phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, lĩnh vực BĐS rất khó tìm được nhà đầu tư nên nhiều DN phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%. Trong đó, có không ít DN BĐS không lo được tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2023 cho người lao động. Những DN BĐS có tổng tài sản giá trị lớn đã thực hiện biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì không có người mua. Việc này khiến DN thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng, có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.

Dự báo năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các DN BĐS. Nếu Chính phủ không hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về chính sách liên quan đến dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, giúp DN BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn thì nhiều DN trên lĩnh vực này sẽ phải rời khỏi thị trường.

Theo các DN BĐS, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của DN. Do đó, các DN mong muốn những vướng mắc sớm được Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ để phục hồi. Cụ thể, một số quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc quy định riêng của các ngân hàng thương mại cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay. Điều này sẽ giúp DN BĐS có thêm nguồn vốn tái cơ cấu và phục hồi.

Bên cạnh đó, những khó khăn liên quan đến thủ tục đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư, xây dựng cũng cần được giải quyết nhanh để “khơi thông” cho các dự án BĐS. Như vậy, năm 2023, nhiều DN BĐS có thể thoát khỏi nguy cơ phải đóng cửa, dừng hoạt động.

                                               Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích