Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng lớp nông dân mới với tư duy, cách làm mới

03:12, 15/12/2020

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần xây dựng một lớp nông dân mới, đổi mới cả về tư duy và cách làm...

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về vai trò nòng cốt của Hội Nông dân trong tập hợp, huy động nông dân xây dựng NTM; tạo điều kiện cho nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình hiện đại hóa đất nước.

Nông dân xã Quang Trung, H.Thống Nhất ứng dụng kỹ thuật mới trồng hoa cho lợi nhuận cao. Ảnh: Lê Quyên
Nông dân xã Quang Trung, H.Thống Nhất ứng dụng kỹ thuật mới trồng hoa cho lợi nhuận cao. Ảnh: Lê Quyên

Hội Nông dân Đồng Nai đã bám sát những mục tiêu trên qua việc phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, chung tay xây dựng NTM.

* Đổi mới tư duy sản xuất

Cần xây dựng một lớp nông dân mới, đổi mới cả về tư duy và cách làm là nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại hội nghị trên. Tinh thần chung bao trùm của Nghị quyết 26 về tam nông cũng là xây dựng giai cấp nông dân mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường. Trong đó, nông dân là trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế thị trường.

Cụ thể, lớp nông dân mới không chỉ giỏi ứng dụng khoa học công nghệ mà phải có tư duy mới là gieo hạt giống xuống phải nghĩ cả về đầu ra, về những biến cố bất thường có thể xảy ra trong sản xuất nông nghiệp ở mỗi vùng, mỗi quốc gia để chủ động ứng phó, đồng thời chuyển hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đạt chuẩn an toàn.

Từ hơn 10 năm trước, Đồng Nai đã có quy hoạch với định hướng rõ về hướng phát triển cũng như diện tích, quy mô cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có trên 170 ngàn ha cây lâu năm gồm trên 106 ngàn ha cây công nghiệp lâu năm và gần 64 ngàn ha cây ăn trái. Toàn tỉnh đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực với hơn 50 ngàn ha như: tiêu, ca cao, xoài, bưởi, sầu riêng...

Giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh với 24 loại cây trồng chủ lực và 5 sản phẩm chăn nuôi. Cây công nghiệp và cây ăn trái tiếp tục được xác định là nhóm cây chủ lực thế mạnh cần tập trung phát triển theo quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nói về sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất của nông dân, ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, nền tảng để xã Bình Lợi về đích sớm, trở thành xã đầu tiên của Đồng Nai và các tỉnh khu vực phía Nam đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu là nhờ sản xuất nông nghiệp thay đổi về chất. Nông dân đã tập trung chuyển đổi cây trồng từ những ruộng lúa đất cao thiếu nước, những vườn tràm, vườn mía cằn cỗi, cho thu nhập thấp sang trồng cây có múi giá trị cao như: cam, quýt, bưởi. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân không ngừng được nâng cao.

* Tạo “bệ đỡ” cho nông dân

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã thực sự đồng hành với nông dân, khơi dậy phong trào thi đua sản xuất sôi nổi, đóng góp xây dựng NTM. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần rất lớn hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững.

Theo Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn 2011-2020, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho gần 6,6 ngàn lượt hộ nông dân và 446 dự án nhóm hộ vay vốn với tổng số tiền trên 98 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nông dân đầu tư sản xuất, nhất là mạnh dạn chuyển đổi sang những mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho lợi nhuận cao hơn; thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất... Đến nay, toàn tỉnh có gần 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Trong đó, nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đặc biệt quan tâm hỗ trợ tiếp cận vốn vay từ nguồn quỹ này.

Ông Trần Thụy Nguyên, nông dân P.Xuân Tân (TP.Long Khánh) chia sẻ, nhờ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và vay thêm vốn từ ngân hàng, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi vườn cà phê già cỗi sang trồng cây ăn trái. Ông Nguyên còn được các nông dân đi trước chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất tổ chức tại địa phương nên tiếp cận được những kiến thức, kỹ thuật mới trong sản xuất. Nhờ đó, ông Nguyên trở thành nông dân sản xuất giỏi của địa phương, có thu nhập cao và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nông dân còn khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu diễn ra sôi nổi tại các địa phương. Theo ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, bình quân hằng năm có trên 125 ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đăng ký thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, hơn 73 ngàn hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào này, 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động được trên 30,8 ngàn lượt hội viên giàu, khá ủng hộ gần 31,3 tỷ đồng, hàng ngàn lượt tư vấn khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất...  để giúp đỡ hơn 20 ngàn hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh vươn lên ổn định cuộc sống.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều