Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Kinh phí giải phóng mặt bằng tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng

Phạm Tùng
08:02, 13/03/2024

Kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn đi qua địa bàn tỉnh được khái toán so với báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thành phần đã được phê duyệt tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng.

Giải phóng mặt bằng khu vực vườn cây cao su để thi công nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại xã Long An, huyện Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng
Giải phóng mặt bằng khu vực vườn cây cao su để thi công nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại xã Long An, huyện Long Thành. Ảnh: Phạm Tùng

Đây là kết quả khái toán của Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh trong báo cáo gửi UBND tỉnh.

* Tăng thêm hơn 2 ngàn tỷ đồng

Theo báo nghiên cứu khả thi của 2 dự án thành phần (1 và 2), Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được phê duyệt thì chi phí bồi thường, GPMB Dự án Thành phần 1 là hơn 2,8 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bồi thường, GPMB Dự án Thành phần 2 là gần 2,2 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi rà soát hồ sơ thu hồi đất đối với các trường hợp có đất bị thu hồi của các dự án thành phần và đối chiếu các quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường do UBND thành phố Biên Hòa và UBND huyện Long Thành phê duyệt, khái toán của Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh cho thấy kinh phí bồi thường, GPMB của cả 2 dự án thành phần đều tăng.

Cụ thể, trong báo cáo gửi UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh cho biết, đối với Dự án Thành phần 1, kinh phí bồi thường, GPMB tăng hơn 1.066 tỷ đồng. Tại Dự án Thành phần 2, kinh phí bồi thường, GPMB tăng hơn 1.019 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh, giá trị về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xất nông nghiệp được khái toán giảm hơn 184 tỷ đồng so với số liệu trong báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.

Đáng chú ý, dù kinh phí bồi thường, GPMB của cả 2 dự án thành phần đều tăng nhưng phần diện tích đất phải bồi thường đều giảm. Theo đó, tại Dự án Thành phần 1, qua rà soát đối chiếu với danh sách thu hồi đất thì phần diện tích đất phải bồi thường giảm so với diện tích trong báo cáo nghiên cứu khả thi là gần 20 hécta. Tại Dự án Thành phần 2, phần diện tích đất bồi thường giảm so với diện tích trong báo cáo nghiên cứu khả thi là hơn 23 hécta.

“Nguyên nhân chủ yếu là do phần diện tích đất công trong báo cáo nghiên cứu khả thi được tính vào phần diện tích đất được bồi thường. Tuy nhiên, phần diện tích đất này chỉ được bồi thường tài sản trên đất và không được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại Điều 82 Luật Đất đai” - văn bản của Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh nêu rõ.

* Giá đất, kinh phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật tăng

Lý giải về nguyên nhân khiến kinh phí bồi thường, GPMB các dự án thành phần Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh tăng, Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh cho biết, chủ yếu do giá đất bồi thường; bồi thường về nhà, tài sản, vật nuôi trên đất; chi phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đều tăng.

Một phần diện tích mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua xã Long An, huyện Long Thành đã hoàn thành công tác thu hồi đất để phục vụ thi công.
Một phần diện tích mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua xã Long An, huyện Long Thành đã hoàn thành công tác thu hồi đất để phục vụ thi công.

Cụ thể, về bồi thường đất phi nông nghiệp, tại các quyết định phê duyệt dự án đầu tư thì giá đất ở bồi thường được áp dụng theo giá đất ở đô thị thuộc vị trí 2 (đoạn đi qua thành phố Biên Hòa) và giá đất ở nông thôn giữa vị trí 2 và vị trí 3 (đoạn qua huyện Long Thành) của quốc lộ 51. Theo đó, giá đất dao động từ 2,3 triệu đồng/m2 đến 4 triệu đồng/m2 đối với với khu vực huyện Long Thành và 5 triệu đồng/m2 đến 7 triệu đồng/m2 đối với khu vực thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, tại các quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường dự án thành phần 1 và 2 do UBND thành phố Biên Hòa và UBND huyện Long Thành phê duyệt, giá đất các vị trí tương ứng đều cao hơn so với giá đất được áp dụng trong báo cáo nghiên cứu khả thi của 2 dự án.

Tương tự, giá bồi thường đất nông nghiệp tại các quyết định phê duyệt giá đất để tính bồi thường do UBND thành phố Biên Hòa và UBND huyện Long Thành ban hành cũng cao hơn so với giá đất được áp dụng trong báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.

Bên cạnh đó, theo Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh, qua rà soát, số lượng nhà xây dựng trên đất nông nghiệp trên địa bàn các xã, phường có đất bị thu hồi lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê trong các dự án đầu tư được phê duyệt, đặc biệt là tại các phường Phước Tân, Tam Phước của thành phố Biên Hòa.

Ngoài ra, kinh phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đường điện, nước của cả 2 dự án thành phần đều tăng hơn so với các quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Cụ thể, kinh phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật đường điện, nước của dự án thành phần 1 và 2 tăng gần 600 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hồng Quế, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án bồi thường GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh, số liệu kiểm kê thực tế các công trình hạ tầng, kỹ thuật điện, nước bị ảnh hưởng bởi dự án ngoài thực tế tăng hơn nhiều so với số liệu được lập trong các báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều