Báo Đồng Nai điện tử
En

Đông Nam Bộ với mục tiêu tăng trưởng xanh:
Bài 2: Phát triển nông nghiệp sinh thái

Nhóm P.V
09:00, 19/03/2024

Nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 thách thức lớn là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu thế tiêu dùng xanh sẽ là chủ đạo trong tương lai gần. Theo đó, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái (NNST) là một trong những mục tiêu quan trọng mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề ra trong giai đoạn tới.

Sản phẩm phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Trang Trại Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính. Ảnh: B.Nguyên

Bám sát mục tiêu trên, vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đang nỗ lực khai thác những lợi thế, tiềm năng riêng để phát triển nền nông nghiệp xanh theo hướng sinh thái, bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường.

* Thu hút đầu tư nông nghiệp xanh

Trên thế giới, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ngày càng diễn ra mạnh mẽ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng, giảm thiểu những rủi ro của biến đổi khí hậu. Đây cũng là định hướng phát triển cho nông nghiệp trong nước. Trong đó, ĐNB có nhiều lợi thế thu hút đầu tư phát triển NNST khi vừa là vùng chăn nuôi trọng điểm, vừa thuộc tốp đầu phát triển nhiều cây công nghiệp, cây ăn trái chủ lực, có lợi thế xuất khẩu của cả nước.

Một lợi thế khác là về nguồn nhân lực, ĐNB phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ. Ý thức và tác phong công nghiệp được hình thành từ rất sớm là điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lớp nông dân này đã khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai đầu tư phát triển NNST theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đáp ứng sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.

Trong NNST có nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Định hướng phát triển của tỉnh là chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh chú trọng xây dựng mô hình điểm để từng bước nhân ra diện rộng nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất và bảo đảm sức khỏe cho cả cộng đồng.

Theo quy hoạch vùng ĐNB, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2-2,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong vùng. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng.

Đến nay, Đồng Nai có 25,3 hécta cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ với nhiều sản phẩm như: tiêu, sầu riêng, rau… Tỉnh đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19 ngàn hécta. Tiêu biểu như Hợp tác xã Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Tâm Minh Quang (huyện Vĩnh Cửu) là đơn vị đi đầu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Đồng Nai với trang trại rộng khoảng 35 hécta. Trang trại đang cung cấp hàng trăm tấn trái cây hữu cơ các loại ra thị trường. Hợp tác xã này còn đầu tư một số trang trại trồng rau, trái cây hữu cơ tại tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành khác, hình thành vùng nguyên liệu sạch quy mô lớn cho chế biến sâu.

Ngoài ra, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học (IMO) đang được nhân rộng tại các địa phương, giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, sản xuất an toàn với quy mô gần 1,5 ngàn hécta cây trồng và gần 24 ngàn vật nuôi. Ngành nông nghiệp Đồng Nai tích cực triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông sản đạt chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Đến nay, toàn tỉnh có trên 2,7 ngàn hécta cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn. Ở lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 125 trang trại, 7 tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP với tổng sản lượng trên 124,6 ngàn tấn và gần 283 ngàn quả trứng. Về thủy sản, có 14 vùng nuôi được chứng nhận VietGAP, tương ứng với sản lượng gần 15,3 ngàn tấn.

Quá trình thực hiện NNST không dễ, nhưng Đồng Nai và các địa phương trong vùng ĐNB đã đi đầu trong ứng dụng công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, giảm phát thải, ô nhiễm môi trường. Trong đó có những hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà vườn đi đầu trở thành mô hình điểm để nhân rộng. Đơn cử, năm 2019, Đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý phân từ các trang trại chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ được Công ty TNHH Trang Trại Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Sau khi thành công, doanh nghiệp đã ký hợp đồng xử lý chất thải cho một số tập đoàn chăn nuôi lớn tại nhiều tỉnh, thành ở ĐNB. Phương pháp này đã giúp chủ trại chăn nuôi tăng thu nhập, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

* Liên kết phát huy lợi thế của vùng

Với nông nghiệp, đích đến của ĐNB sẽ là NNST và vùng sẽ liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Đồng thời, ĐNB hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, kinh doanh theo chuỗi giá trị.

ĐNB đang tạo ra môi trường thuận lợi khuyến khích các nhà đầu tư phát triển NNST. Trong đó, hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ) được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn Quế Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) là mô hình NNST đang thu hút cả nông dân và doanh nghiệp đầu tư.

Tập đoàn đã triển khai mô hình trên tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có khu vực ĐNB. Tiêu biểu, Tập đoàn Quế Lâm đã ký hợp tác với Đồng Nai với mục tiêu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với nhiều sản phẩm chăn nuôi và cây trồng chủ lực của tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam nhấn mạnh: “Chưa có lúc nào mà cơ hội làm NNST lớn như lúc này, vì Chính phủ, các tỉnh, thành rất ủng hộ. Chúng ta phải triển khai nhanh để có nền nông nghiệp xanh, sản phẩm tăng sức cạnh tranh cả trong nước và thế giới”.

Hiện ĐNB còn là điểm hẹn hấp dẫn cho các nhà đầu tư hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến, các chuỗi logistics kết nối tiêu thụ nông sản ở cả nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinamit (tỉnh Bình Dương) chia sẻ, canh tác hữu cơ cần quá trình đầu tư dài hơi, tốn kém. Doanh nghiệp gây dựng các nông trại hữu cơ, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm sạch, thu hút các nhà khởi nghiệp trẻ cùng góp sức với mục tiêu từng bước thay đổi nhận thức, cách làm của những kỹ sư, nông dân cho đến người tiêu dùng. Đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch đưa vào chế biến, doanh nghiệp tạo được lòng tin của người tiêu dùng và thêm cơ hội xuất khẩu qua nhiều nước.

Nhóm P.V

Bài 3: Thúc đẩy thương mại - dịch vụ tăng trưởng xanh

Tin xem nhiều