Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ truyền thống thay đổi để cạnh tranh

Hải Hà
09:14, 09/03/2024

Hiện nay, sự phát triển của các kênh bán hàng online, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nở rộ, tình trạng điểm kinh doanh tự phát, "chợ chồm hổm" vẫn còn tái diễn ở nhiều khu vực... là những nguyên nhân khiến cho nhiều chợ truyền thống ở đô thị thường xuyên rơi vào cảnh ảm đạm, ế khách ngay cả trong mùa cao điểm mua sắm.

Khách hàng thanh toán bằng mã QR khi mua sắm tại một sạp hàng bánh kẹo ở chợ Biên Hòa (thành phố Biên Hòa). Ảnh: H.Hà
Khách hàng thanh toán bằng mã QR khi mua sắm tại một sạp hàng bánh kẹo ở chợ Biên Hòa (thành phố Biên Hòa). Ảnh: H.Hà

Hình thức mua sắm tại các chợ, sạp bán hàng truyền thống vẫn chủ yếu là mua trực tiếp hoặc mua gián tiếp, không gian mua sắm tại các chợ vẫn còn nhỏ, thiếu các tiện ích mua sắm, thanh toán... Do đó, nếu không thay đổi thì nhiều mô hình chợ truyền thống ở các đô thị, thành phố lớn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, sức mua giảm khi vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các kênh bán lẻ hiện đại.

* “Đi chợ” thời quét mã QR

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán trực tuyến trở nên phổ biến, các tiểu thương và người tiêu dùng có thể kinh doanh, mua sắm với nhiều hình thức thanh toán tiện ích tại các sạp chợ bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng thanh toán điện tử… Điều này sẽ giúp các sạp hàng ở chợ truyền thống thu hút thêm khách hàng, nâng cao sức mua tại nhiều chợ ở đô thị.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa, nhằm tuyên truyền, phổ biến đến người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, UBND thành phố Biên Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện “Thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn thành phố”.

Theo đó, các phòng, ban, đơn vị liên quan của thành phố phối hợp với một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã tổ chức cài đặt, hướng dẫn cho người dân, hộ kinh doanh, cửa hàng tại các chợ trên địa bàn thành phố sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng mã QR để thực hiện thanh toán 24/7 cho người dân, hộ kinh doanh, cửa hàng tại các chợ…

Kết quả, qua thời gian thí điểm tại các chợ trên địa bàn trong năm 2023, các đơn vị liên quan đã hỗ trợ tạo được tổng số 217 mã QR thanh toán không dùng tiền mặt tại 5 chợ, cụ thể: chợ Biên Hòa (64 mã), chợ Tân Hiệp (55 mã), chợ Sặt (29 mã), chợ Tân Phong (23 mã) và chợ Hóa An (46 mã)…

Chị Đinh Thị Thùy Trang, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng sữa, bánh kẹo tại chợ Biên Hòa cho biết, bên cạnh hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt, trong thời gian qua sạp hàng của chị còn hỗ trợ khách hàng, người mua thanh toán thông qua mã QR. Việc đa dạng các hình thức thanh toán này giúp sạp hàng có thêm sự cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, thu hút thêm khách hàng…

“Đặc biệt, trong đợt cao điểm mua sắm dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều khách hàng đã lựa chọn thanh toán thông qua hình thức chuyển khoản bằng mã QR thay vì thanh toán tiền mặt. Điều này góp phần giúp tăng doanh thu cho sạp hàng so với cùng dịp Tết những năm trước” - chị Thùy Trang nhấn mạnh.

Theo Sở Công thương, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 46 chợ ở đô thị. Nhiều chợ ở đô thị thường có vị trí đắc địa, là nơi giao nhau giữa nhiều phường, nhiều khu dân cư, rất có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ nếu có sự đầu tư về hạ tầng và tầm nhìn lâu dài, phát triển thêm nhiều hình thức quảng bá, kích cầu…

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương năm 2024, Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa Lê Thị Lộc chia sẻ, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện các chương trình khuyến mãi, khuyến khích thực hiện thanh toán trực tuyến, hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục triển khai kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố…

* Hướng tới văn minh thương mại

Khi mức sống của người dân ngày càng tăng cao thì tâm lý mua sắm và thói quen “đi chợ” cũng có nhiều thay đổi. Các mô hình bán lẻ truyền thống, nhỏ lẻ ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… Mô hình nào cũng có ưu và nhược điểm riêng, quan trọng là sự cầu thị, liên tục thay đổi để phù hợp với xu hướng hội nhập, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như thích nghi với những biến động của thị trường…

Người tiêu dùng chọn mua các loại rau củ quả tại chợ Biên Hòa.
Người tiêu dùng chọn mua các loại rau củ quả tại chợ Biên Hòa.

Dù chịu nhiều khó khăn, tác động, mô hình bán lẻ truyền thống vẫn tồn tại và giữ cho mình những lợi thế nhất định so với bán lẻ hiện đại. Trên thực tế, các cửa hàng nhỏ, sạp hàng truyền thống vẫn được nhiều người dân, nhất là công nhân, người lao động lựa chọn bởi tâm lý “thuận mua vừa bán”, giá cả nhiều loại mặt hàng phải chăng hơn… Tuy nhiên, nếu không sớm đổi mới trong cung cách, thái độ phục vụ, niêm yết giá cả, sự thân thiện, an toàn…, thì mô hình bán lẻ truyền thống sẽ có thể bị bỏ lại phía sau so với mô hình bán lẻ hiện đại.

Chị Huyền My (ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: "Chợ truyền thống cần được làm mới để không chỉ là nơi mua sắm đơn thuần mà còn thu hút khách bằng những giá trị độc đáo, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Bên cạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ, các cơ quan hữu quan cần đưa các chợ truyền thống làm điểm nhấn để đón khách du lịch. Đây cũng là mô hình đang được các chợ truyền thống đẩy mạnh, với kỳ vọng thu hút được nhiều du khách, giúp các chợ có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hình thức thương mại khác".

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ không chỉ đáp ứng thị hiếu mua sắm tiện lợi của người tiêu dùng mà còn là hướng đi tất yếu giúp chợ truyền thống phục hồi kinh doanh bền vững, xây dựng hình ảnh chợ văn minh, thân thiện. Việc đa dạng hóa sản phẩm, giữ giá ổn định,  đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… sẽ là các giải pháp góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống, cũng như tận dụng những phân khúc, mở rộng thị trường, hướng tới việc kinh doanh bền vững thông qua hệ thống đa kênh…

Ngoài ra, nhiều ý kiến của người tiêu dùng cho rằng, trong bối cảnh công nghệ, mạng xã hội phát triển, cơ quan chức năng, địa phương có thể tham khảo, thí điểm tổ chức thêm các hoạt động, mô hình livestream bán hàng tại các chợ; lồng ghép các tour ẩm thực dành cho các bạn trẻ, khách du lịch… để quảng bá, thu hút người dân đến mua sắm, ăn uống tại các chợ nhiều hơn…

Hải Hà

Tin xem nhiều