Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu vườn ông Sáu

09:05, 27/05/2023

Khu vườn ông Sáu dễ tìm lắm. Nó nằm giữa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và cầu Đồng Nai, giữa ngã tư Vũng Tàu và bến đò An Hảo. Và khu vườn nằm giữa những năm tháng tuổi thơ của chúng tôi, những học sinh cũ của Trường tiểu học An Hảo.

Khu vườn ông Sáu dễ tìm lắm. Nó nằm giữa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và cầu Đồng Nai, giữa ngã tư Vũng Tàu và bến đò An Hảo. Và khu vườn nằm giữa những năm tháng tuổi thơ của chúng tôi, những học sinh cũ của Trường tiểu học An Hảo.

Khu vườn ấy, như một đế chế, ngự trị giữa những con đường lớn, và là điểm hẹn đầy quyến rũ đối với bọn trẻ chúng tôi. Đó là trẻ con của xóm An Hảo, xóm Cogido, xóm cư xá Nhà máy Đường, xóm Long Bình. Tuy là chia phe, nhưng tất cả đều học Trường An Hảo, và đều tìm cách lai vãng đến khu vườn ông Sáu. Khu vườn ấy trải dài từ vị trí những cây xăng dưới chân cầu vượt đến gần bến xe ngã tư Vũng Tàu hôm nay.

Khi đó hồ sen nổi tiếng của ngã ba Vũng Tàu chưa từng xuất hiện, nhưng tượng Phật bà Quan Âm thì đã có từ lâu, thỉnh thoảng dân cư trong vùng rước áo mới thay cho tượng, chúng tôi đã từng rủ nhau đi xem. Khu vườn của ông Sáu nằm trong sình lầy, bao quanh là lúa, là cỏ dại như một ốc đảo xanh tươi nằm ngay cạnh quốc lộ lúc nào cũng có nhiều xe cộ. Bên trong khu vườn có bao nhiêu thứ hấp dẫn. Đó là cây mận hầu như lúc nào cũng chi chít quả. Là cây xoài ra trái tròn tròn như bàn tay úp, người ta gọi đó là giống xoài Sài Gòn. Là những cây dừa khổng lồ, cao vút, có những chiếc lá vút cong trên trời cao. Khu vườn còn có vô số cây có trái ăn được như bình bát, trứng cá, chùm bóp… Cái thời mà đồng quà tấm bánh vô cùng hiếm hoi, thỉnh thoảng bọn trẻ được ăn cùi thơm của công ty thực phẩm mang ra đã là đại tiệc, thì những thứ ăn được trong vườn ông Sáu luôn được chú ý đặc biệt.

Và ông Sáu cũng là người rất đặc biệt. Nếu chúng tôi không nhớ lầm thì ông là Sáu Long, có dáng vẻ khá đô con, lúc nào cũng mặc áo thun và quần ngắn trông rất “soái ca”. Ông lúc nào cũng đeo vàng và móng cọp, thỉnh thoảng trên tay ông có ly cà phê nâu và điếu thuốc lá thật sành điệu. Ông ở trong ngôi nhà tranh vách lá đơn sơ ở trong vườn, cùng với vợ con, cháu chắt; gia đình khá đông người nhưng hầu như ai cũng lớn hết. Gần đó còn có nhà sàn dựng bằng gỗ rất mát. Ông và người nhà luôn “lơ” cho bọn trẻ chúng tôi rập rình quanh khu vườn, để chúng tôi chơi đùa, nhặt nhạnh mấy thứ quả dại ăn chơi, hoặc mang sách vở vào học. Ông có chiếc xích đu bằng lốp xe tải rất to, treo dưới thân cây cổ thụ bên cạnh hồ nước nhỏ. Khi đó chỉ có những đứa bạn bạo phổi mới dám ngồi lên chiếc xích đu ấy, nhìn bọn chúng bay vèo vèo trên mặt hồ mà những đứa lít nhít như tôi luôn kinh hãi, pha thêm ngưỡng mộ.

Có lần ông tát cá, nướng tại chỗ để nhậu. Ông cũng chia cho những vị khách nhỏ không mời mà đến những con cá nướng tươi ngon, thậm chí còn cho cả mấy chai nước ngọt “lade” và đá cục. Những năm khó khăn của thời bao cấp, lọt được vào khu vườn ông Sáu là có thể quên đường về (dù nhà cách đó chỉ hơn trăm mét). Vì chúng tôi có thể chơi đánh trận giả, leo cây, ngủ trên nhà sàn với nhau (trừ những lúc nhà ông có cúng kiếng). Bọn trẻ của mấy xóm cư dân có thể cãi nhau, nói xấu nhau, nhưng vào vườn ông Sáu thì làm hòa nhau ngay, chơi với nhau chán rồi mới về. Những đồ chơi đầu đời bằng lá dừa, ống tre, lá chuối… đều ở trong khu vườn này, làm nên một tuổi thơ tưởng như bất tận. 

Ở đó chúng tôi đã gặp cò trắng bay về, đã thấy những tổ chim lủng lẳng trên cây, đã từng ngồi trên tàu dừa xới tung những bờ cỏ nhỏ. Đã từng hái hoa sim, kết hoa dừa cạn giả bộ làm “đám cưới” giống người lớn. Khu vườn ấy hầu như không thiếu một thứ gì, cả giống “hoa vàng trên cỏ xanh” (rau lạc), rau sam, rau má… đến chừng lớn lên chúng tôi mới nhận ra mình đã từng áp chúng vào má, hít hà, sờ nắm. Để không bao giờ quên mùi hương ngọt ngào của cây trái, mùi ngai ngái của bùn sình, và cả con đường lộ luôn thấp thoáng bên ngoài.

Lên cấp hai, chúng tôi bắt đầu đi học xa hơn, ít tụ tập ở khu vườn ông Sáu, và không nhớ năm nào khu vườn được quy hoạch thành một phần của cửa ngõ Đồng Nai tiếp giáp với Bình Dương như bây giờ. Nhưng “đế chế” của ông Sáu vẫn còn dư âm đến mãi sau này, khi chúng tôi đã vào lứa tuổi U.50 gặp nhau ở chùa Định Quang vài năm trước. Chúng tôi ngồi với nhau ở quán cà phê nhỏ, và thấy ở góc quán những hòn non bộ, gỗ lũa có hình thù kỳ dị. Chúng tôi ồ, à lên với nhau khi thấy ông Sáu xuất hiện, vẫn với bộ dạng soái ca và nước da đỏ au như bao năm trước… Song thời gian không bao giờ trở lại, ông Sáu cũng đi xa rồi, đó chỉ là một người bà con của ông Sáu với những kỷ vật cồng kềnh, xưa cũ không nỡ bỏ đi…

Tiểu Mai

Tin xem nhiều