Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Không gian văn hóa làng xã của người Việt ở Đồng Nai - Nam bộ

09:05, 27/05/2023

Nói về văn hóa ở phương Nam, không thể tách rời địa danh xứ Đồng Nai với vùng đất Nam bộ vì chung lịch sử hình thành và phát triển 325 năm qua, chung cội nguồn, không gian văn hóa và môi trường văn hóa.

Nói về văn hóa ở phương Nam, không thể tách rời địa danh xứ Đồng Nai với vùng đất Nam bộ vì chung lịch sử hình thành và phát triển 325 năm qua, chung cội nguồn, không gian văn hóa và môi trường văn hóa. 

Làng Nam bộ quần cư theo tuyến sông rạch hoặc tỏa rộng tự do. Ảnh: Internet
Làng Nam bộ quần cư theo tuyến sông rạch hoặc tỏa rộng tự do. Ảnh: Internet

Không gian văn hóa làng xã ở Đồng Nai - Nam bộ có những nét khác biệt so với làng ở Bắc bộ và ở Trung bộ. Nếu làng ở đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ khép kín trong “lũy tre làng” mang tính công xã nông thôn thì ở Đồng Nai - Nam bộ làng quần cư theo tuyến sông rạch hoặc tỏa rộng tự do, đa phần là kiểu quần cư ở vùng cao ráo, cận tuyến lộ thủy bộ, theo các đồn điền, các nông lâm trường, các làng nghề thủ công với tác phong sinh hoạt vừa mang tính công nghiệp vừa nặng dáng vẻ “sơn cước”.

Làng xã Đồng Nai - Nam bộ hình thành do sự hợp cư từ di dân tứ xứ và quá trình khai khẩn của vùng đất mới, có đặc điểm là làng khai phá, tuổi đời còn ngắn; nhiều làng nghề thủ công, nghề buôn bán, lâm thủy nghiệp, có lịch sử không muộn hơn các làng thuần nông; vai trò của các nhà buôn sớm được khẳn định; thành phần phi lúa nước trong nông nghiệp đạt tỷ lệ cao khiến cơ cấu thoáng mở, luôn trong trạng thái tiếp nhận nhân tố mới, rộng đường giao lưu, dân chủ cao trong sinh hoạt và lao động, sự phân hóa xã hội không căng thẳng, cách áp bức, bóc lột của tầng lớp thống trị không thể nặng nề, hà khắc.

Đặc điểm khác nữa cũng đáng chú ý, làng xã ở Đồng Nai - Nam bộ thường có nhiều họ khác nhau; nhiều người ngoài làng tới cùng khai phá, phụ canh, làng sẽ trở nên cởi mở, đỡ bảo thủ, và càng dễ canh tân nhờ các cuộc hôn nhân, khác họ cũng như các quan hệ giao lưu thường trực. Trong quan hệ xã hội, vai trò của phụ nữ được khẳng định. Dấu ấn của họ in đậm ở các địa danh: Bà Rịa (tỉnh), Thị Vải (núi), Bà Đen (núi), Bà Ký (cầu), Bà Điểm (làng), Bà Trường (ấp); ở thần điện thờ cúng; ở các quan hệ chủ thể trong hiện thực. Khi nghiên cứu địa bộ Nam Kỳ, tác giả Nguyên Đình Đầu ngạc nhiên: “Không ngờ phụ nữ làm chủ ruộng đất với tỷ lệ ruộng đất khá cao. Tại Biên Hòa, thôn Bình Phú Trung (tổng An Phú Thượng, huyện Bình An), 81 chủ sở hữu 1073.7.11.3 ruộng, trong đó 21 nữ chủ sở hữu 265.3.8.2, tức gần 25% số chủ và 24% ruộng đất”. Vai trò người phụ nữ được phát huy chính là dấu hiệu của một xã hội mang tính rộng mở, dân chủ, nhân văn.

Cư dân dân ở Đồng Nai - Nam bộ hội nhập từ tứ xứ, tha hương ở vùng đất mới dễ kiếm sống nhưng khó thiết lập những quan hệ bền chặt cho nên rất trân trọng tình cảm “đồng cảnh ngộ”, nhiều lúc nó thiêng liêng hơn quan hệ họ hàng. Trong tập quán thường ngày: Nồi cơm luôn đầy sẵn lòng đãi khách, lu nước ngọt luôn trong lành và sẵn gáo dừa ở đầu bến hoặc ven đường, kiến trúc nhà ở luôn sẵn chỗ cho người lỡ bước, kiểu nhà bè có sự tích gắn với Thủ Huồng... Đó là những sinh hoạt văn hóa “mở lòng” đối với người đồng cảnh ngộ.

Vì chung nỗi niềm xa xứ mà cư dân Việt, người Hoa dễ hội nhập với nhau. Tổ tiên, thần thánh, niềm tin của người Hoa gốc Phước Kiến, Quảng Đông cùng một hệ nông nghiệp nên thâm nhập vào thần điện cư dân Việt khá dễ dàng, và ngược lại. Ngay cả trong sinh hoạt tôn giáo cũng vậy. Các tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo đều có cơ sở, sinh hoạt hòa bình trên mảnh đất Đồng Nai - Nam bộ.

Huỳnh  Văn Tới

Bài 2: Tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt ở Đồng Nai - Nam bộ

Tin xem nhiều