Báo Đồng Nai điện tử
En

Quán cà phê vợt còn lại ở nội ô Biên Hòa

09:05, 27/05/2023

Lịch sử Biên Hòa cận - hiện đại có 325 năm từ khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai từ năm 1698, một quán cà phê vợt khu vực chợ Biên Hòa có tuổi 49 năm cũng đáng kể lắm. Quán hiện đứng chân dưới tàng cây bàng cổ thụ ngay lối vào khu tự sản tự tiêu chợ Biên Hòa, mặt hướng ra công viên bờ sông đường Nguyễn Văn Trị…

Lịch sử Biên Hòa cận - hiện đại có 325 năm từ khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai từ năm 1698, một quán cà phê vợt khu vực chợ Biên Hòa có tuổi 49 năm cũng đáng kể lắm. Quán hiện đứng chân dưới tàng cây bàng cổ thụ ngay lối vào khu tự sản tự tiêu chợ Biên Hòa, mặt hướng ra công viên bờ sông đường Nguyễn Văn Trị…

Chủ nhân quán cà phê là cụ bà Võ Thị Đức, năm nay 74 tuổi, bà cho biết bắt đầu bán cà phê từ năm 25 tuổi, vậy là năm nay quán có tuổi đời 49 năm. Từ khi mở quán, sau nhiều lần chợ Biên Hòa sửa chữa, xây mới, sắp xếp, đến nay quán của bà đã đi dời 4 nơi khác nhau. Đặc biệt là sau nửa thế kỷ, cách pha cà phê thay đổi, sau cách pha phin, lớn, nhỏ, hàng loạt, quán của bà vẫn giữ cách pha bằng vợt. Có người gọi “ tếu” là cà phê pha vớ vì bọc đựng cà phê như chiếc vớ lớn.

  Cứ tưởng pha cà phê vợt là bỏ cà phê vào vợt, nhúng vào nước sôi là ra cà phê nhưng hoàn toàn không phải vậy, thực tế cầu kỳ hơn nhiều qua quan sát cách pha cà phê vợt ở quán bà Đức. Nước pha cà phê không phải lấy từ ấm nấu trên bếp lửa mà từ một ấm khác được đặt trên một trong 4 ấm nước lớn hơn đang nấu nước sôi. Có thể nói là nước được nấu “cách thủy”. Cà phê trong vợt pha 4 lần ấm và nước cốt cà phê pha lẫn vào nhau và đổ ra ly pha cho khách. Cà phê quán này như các quán khác, có sữa đá, sữa nóng, đen và bạc - xỉu. Cũng có người gọi cà pha gião, không phải cà phê nước nhì mà chỉ cho ít cà phê. Giá cả so với các quán bình dân khác cũng không thấp hơn nhiều, cao nhất là cà phê sữa đá 17 ngàn đồng/ly. Sữa pha cà phê phải là sữa trong lon thiếc, thương hiệu sữa tùy bữa nhưng dứt khoát phải sữa lon thiếc, không pha sữa hộp giấy.

Mỗi ngày quán bắt đầu dọn hàng từ 2 giờ sáng, nửa tiếng sau là có khách, hầu hết là khách quen, làm các công việc liên quan đến chợ Biên Hòa. Bán quá trưa một chút, tầm 12 giờ là nghỉ, tầm 2 giờ bán lại. Khách giờ này, một số là lao động nghèo đô thị, có khi nhà chật chội, ra quán tán gẫu, hưởng chút gió lành mát dịu từ sông Đồng Nai chỉ cách hơn chục mét. Tầm 18 giờ quán lại nghỉ, giao mặt  bằng cho người khác.

Cà phê bây giờ pha máy đủ các “gu”, có Italy, Đức, Tây Ban Nha, Pháp… nhưng chất lượng và độ chuẩn các quán khác nhau, riêng cà phê pha vợt quán bà Đức vẫn giữ y chất lượng. Quán có 8 người nhưng 2 người pha cà phê vợt phải là bà Đức hoặc người em gái út của bà tên Võ Thị Út, tuổi tầm tuổi quán.

  Sài Gòn có cà phê bệt, trước vườn cây Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), Biên Hòa có cà phê vợt bà Đức. Khách quen, vào xách chiếc ghế nhựa có dựa ra công viên, người của quán mang cà phê ra, có cả bình trà hoặc ly trà riêng.

Trong sách Món ăn Đồng Nai của tác giả Bùi Thuận, nguyên Trưởng ban Pháp luật - đời sống Báo Đồng Nai, có nhắc đến cái ngon của cà phê Thằng Bờm và cà phê vợt chợ Biên Hòa xứng đáng được tán dương. Giá cả, chất lượng, cảnh quan, phong cách… là một phần, ở đó còn có sự ân cần của người bán hàng. “Đánh sữa lên cho chín”, “Thêm đường không”, “Nước trà nữa không”, “Dịch lại chỗ này cho mát”… là nhũng câu thường nghe.

 Thương mại dịch vụ là “làm dâu trăm họ”, tồn tại nửa thế kỷ, quán cà phê vợt bà Đức đã trở thành nơi chốn quen thuộc của nhiều người. Không bảng hiệu, nhưng lại được nhiều người biết. Tầm 14 giờ 30, không khí quán rất đặc trưng, có người vì thích không khí cà phê chiều chốn chợ búa mà đến đây.

 Nửa thế kỷ, một quán cà phê, dịch vụ thông thường còn thu hút khách là nhờ chất lượng, sự ân cần...

 Trần Phi Châu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích