Báo Đồng Nai điện tử
En

Người 'giữ lửa' nghệ thuật và ngôn ngữ Chơro

08:08, 06/08/2021

Những ngày giãn cách xã hội, hoạt động dạy học nói chung, dạy năng khiếu nói riêng trên địa bàn Đồng Nai đã tạm ngưng, anh Điểu Bình hiện ngụ tại TP.Biên Hòa đã về quê tại xã Túc Trưng, H.Định Quán để đoàn tụ cùng gia đình, cùng góp sức phòng, chống dịch Covid-19.

Những ngày giãn cách xã hội, hoạt động dạy học nói chung, dạy năng khiếu nói riêng trên địa bàn Đồng Nai đã tạm ngưng, anh Điểu Bình hiện ngụ tại TP.Biên Hòa đã về quê tại xã Túc Trưng, H.Định Quán để đoàn tụ cùng gia đình, cùng góp sức phòng, chống dịch Covid-19.

Anh Điểu Bình (thứ 3 từ phải qua) chơi đàn guitar trong chương trình giao lưu âm nhạc thiện nguyện tại TP.Biên Hòa trước khi dịch Covid-19 bùng phát
Anh Điểu Bình (thứ 3 từ phải qua) đang biểu diễn cùng ban nhạc tại TP.Biên Hòa trước khi dịch Covid-19 bùng phát

Mặc dù ở nhà nhưng anh Điểu Bình luôn cố gắng “giữ lửa” nghệ thuật, tích cực giới thiệu rộng rãi ngôn ngữ của đồng bào Chơro đến cộng đồng thông qua hình thức online trên nhiều mạng xã hội. Qua đó, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, tiếng nói độc đáo của dân tộc mình.

* Nỗ lực theo đuổi nghệ thuật

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo nơi có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống, từ nhỏ anh Điểu Bình đã tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, nhất là âm nhạc truyền thống. Thanh âm phát ra từ tiếng cồng, tiếng chiêng hay từ những bài hát dân gian của đồng bào đã làm Điểu Bình say mê tự lúc nào không hay. Anh có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, khả năng thẩm âm tốt, nhất là với đàn guitar, chỉ cần học qua, anh có thể đệm đàn được.

Nói về cơ duyên đến với nghệ thuật, anh Điểu Bình cho hay, những năm 90 của thế kỷ trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, cuộc sống của đồng bào Chơro vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc nên cha mẹ không có tiền trang trải cho anh đi học theo đúng sở thích. Tình cờ, trong một lần đến UBND xã, anh biết có đợt tuyển sinh năng khiếu của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai dành cho con em đồng bào dân tộc, như một sự thôi thúc, anh đã đăng ký dự tuyển. May mắn, anh đã trúng tuyển.

Với mong muốn sau khi ra trường có thể tìm được công việc thuận lợi, anh Điểu Bình đã chọn theo học âm nhạc phương Tây, chuyên ngành guitar. Càng học, anh càng tỏ rõ sự đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Tốt nghiệp năm 2002, anh Điểu Bình tiếp tục khăn gói lên TP.HCM theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa đồng thời học thêm piano, organ và làm cộng tác viên dạy nhạc cho thanh thiếu nhi các trung tâm âm nhạc.

Anh Điểu Bình chia sẻ: “Những ngày đầu ra trường, sinh viên nghệ thuật tìm việc rất khó khăn. Bởi vậy, tôi chưa xác định sẽ gắn bó lâu dài với con đường nghệ thuật mà chọn cách học thêm một ngành mới. Trong quá trình học thêm, tôi đăng ký đi dạy ở nhiều nơi, càng dạy càng yêu thích và say mê. Sau đó, tôi chuyển về TP.Biên Hòa vừa mở lớp dạy đàn (guitar, piano, organ) cho thanh thiếu nhi vừa tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương”.

Hiền lành, ít nói, anh Điểu Bình chọn âm nhạc để biểu lộ tâm trạng và thỏa niềm đam mê. Sự đam mê ấy đã truyền cảm hứng để có thêm nhiều em nhỏ được tiếp xúc với âm nhạc và các loại nhạc cụ, nhen lên sự yêu thích của các em với những nhạc cụ này.

Nhiều năm nay, anh đã phát hiện được nhiều học sinh có năng khiếu âm nhạc, cố gắng truyền đạt hết những kiến thức, kinh nghiệm mình có được để các em phát huy hết khả năng, đồng thời có những định hướng giúp học sinh theo đuổi năng khiếu của bản thân. Đặc biệt, anh luôn ấp ủ dự định sẽ mở thêm các lớp dạy nhạc cụ cho con em của đồng bào dân tộc thiếu số.

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động dạy học và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đều tạm ngưng, anh Điểu Bình chọn cách trở về quê Định Quán. Anh nói rằng, một mặt để “tránh dịch”, cùng cộng đồng tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội, mặt khác anh đã và đang thực hiện các clip, các bài nhạc giới thiệu đến với cộng đồng thông qua mạng xã hội. Trong đó, anh lồng ghép nhiều bài nhạc của đồng bào dân tộc Chơro.

* Lan tỏa ngôn ngữ người Chơro

Bắt đầu từ năm 2018, anh Điểu Bình lập trang Facebook Pa lây Jro để thu thập và giới thiệu văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào Chơro. Anh chú trọng giới thiệu các hình ảnh về trang phục, bài viết của những chuyên gia nghiên cứu văn hóa về người Chơro, phóng sự và phim tư liệu về đồng bào dân tộc, gương điển hình trong xây dựng kinh tế, truyền lửa văn hóa dân tộc do đài PT-TH trong và ngoài tỉnh thực hiện.

Trang Facebook Pa lây Jro của anh Điểu Bình (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) giới thiệu văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của đồng bào Chơro
Trang Facebook Pa lây Jro của anh Điểu Bình (ngụ xã Túc Trưng, H.Định Quán) giới thiệu văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của đồng bào Chơro

Không chỉ vậy, anh Điểu Bình còn dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm ngôn ngữ của người Chơro, đối sánh với ngôn ngữ tiếng Việt và giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng. Từ những từ ngữ chỉ về thời gian, động thực vật đến những từ ngữ nói về các địa danh, con người, phong tục tập quán… Chẳng hạn như, khi nói về tục thờ cúng của đồng bào Chơro, anh cắt nghĩa cho từng từ: Yang - thần; Un cô - ông bà, tổ tiên; Wênh - linh hồn; Mvrăh - bàn thờ; Yang ravang - nhang vàng, các thần… Với những câu hỏi dưới mỗi bài đăng, anh đều giải thích tỉ mỉ bằng song ngữ, giúp người xem, người đọc hiểu rõ hơn.

“Ngoài âm nhạc, điều mà tôi tâm huyết nhất hiện này là làm sao có thể lưu giữ ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, nhất là của người Chơro ở Định Quán. Hiên đại đa số người Chơro đều biết và sử dụng thành thạo tiếng Việt phổ thông nên việc học, sử dụng tiếng dân tộc nhiều lúc không được chú trọng. Nhiều người trẻ cũng không biết nghe, nói tiếng dân tộc mình. Tôi chỉ hy vọng khi tiếng Chơro được giới thiệu qua mạng xã hội sẽ giúp mọi người tiếp cận, nâng cao vốn tiếng dân tộc, cùng nhau lan tỏa để bảo tồn và phát huy” - anh Bình nói.

Là người con của đồng bào Chơro, theo dõi những bài viết giới thiệu về ngôn ngữ của dân tộc, chị Thị Thủy (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Các bài viết về tiếng Chơro của anh Điểu Bình trên trang Facebook Pa lây Jro phù hợp với mọi lứa tuổi. Xem từ vựng, trao đổi và trò chuyện với anh đã giúp vốn tiếng mẹ đẻ của tôi cải thiện rõ rệt. Nhờ đó, tôi hiểu hơn về ngôn ngữ của dân tộc, hiểu hơn giá trị văn hóa truyền thống và những nét đẹp vốn có của dân tộc mình”.

My Ny

Tin xem nhiều