Báo Đồng Nai điện tử
En

Tản mạn chuyện về hổ

05:01, 28/01/2022

Hổ được mệnh danh là "chúa sơn lâm". Những câu chuyện về hổ dù trải qua thời gian vẫn luôn mang tới nhiều kỳ thú.

Hổ được mệnh danh là “chúa sơn lâm”. Những câu chuyện về hổ dù trải qua thời gian vẫn luôn mang tới nhiều kỳ thú.

1. Hổ là loài thú khỏe nhất trong các loài thú ăn thịt, vì vậy mà người dân Việt xưa kia có tục kiêng không dám gọi đích danh mà thường gọi bằng những từ ngữ tôn kính: ông Hùm, ông Ba Mươi, ông Kễnh, ông Cọp, ông Khái (miền Trung), ông Thầy, ông Hạm (miền Nam)…

Người xưa quan niệm những người tuổi Hợi là tuổi xung với Hổ “Dần, Thân, Tị, Hợi” nên phải hạn chế đi rừng, nếu phải đi thì đi ở giữa để tránh bị hổ vồ. Thế nhưng trong thực tế đã từng có những chuyện trong cả đoàn người đi rừng, người đi trước, đi sau bình an vô sự, ông chỉ vồ người đi giữa. Những ai bị hổ vồ thường bị quy là có số bị hổ vồ.

Có lẽ câu chuyện hổ nổi tiếng nhất chính là hổ 3 móng ở Chiến khu Đ. Bảo tàng Đồng Nai hiện còn trưng bày bức ảnh Cọp 3 móng ở Chiến khu Đ khi bị bắn hạ năm 1950. Đó là con cọp gây ra nỗi ám ảnh ghê rợn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong căn cứ Chiến khu Đ. Để trừ khử con hổ tinh quái này, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phải quyết định thành lập lập đội đặc nhiệm diệt “cọp 3 móng”.

Ngoài cọp 3 móng ở Chiến khu Đ xưa thì những nơi nổi tiếng là lãnh địa của hổ thường được nhắc tới nhiều như Thất Sơn (An Giang), Bà Rịa, đặc biệt là “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Năm 1897, ngài Paul Doumer sang làm Toàn quyền Đông Dương, trong thời gian tại chức ông đã có chuyến kinh lý ở Khánh Hòa. Trong cuốn sách có tiêu đề Hồi ký xứ Đông Dương, tác giả Paul Doumer đã ghi lại những câu chuyện rùng rợn về chuyện hổ ăn thịt người...

2. Tuy nhiên, không phải cứ nói tới hổ là nghĩ tới loài thú ác độc. Người Việt có thành ngữ “hổ dữ không ăn thịt con” để phê phán những người làm cha, làm mẹ đang tâm đối xử ác độc với con cái mình.

Cọp 3 móng ở Chiến khu Đ khi bị bắn hạ năm 1950. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đồng Nai
Cọp 3 móng ở Chiến khu Đ khi bị bắn hạ năm 1950. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Đồng Nai

Có nhiều câu chuyện về những con hổ có nghĩa vẫn truyền tụng đến ngày nay. Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh (1759-1828) có chuyện một bà đỡ (hay còn gọi là bà mụ, tức những người làm nghề đỡ đẻ, nói theo ngôn ngữ hiện nay là “nữ hộ sinh”) ở Đông Triều đêm nọ nghe tiếng gõ cửa, mở cửa ra nhìn không thấy ai, thình lình một con hổ nhảy tới cắp bà đi chạy vào rừng sâu. Đến nơi, hổ thả bà xuống cạnh một hổ cái đang lăn lộn cào đất. Bất giác hổ đực cầm tay bà nhìn hổ cái chảy nước mắt. Định thần lại và hiểu ý, bà đỡ đã giúp hổ cái “mẹ tròn con vuông”. Hổ đực lấy chân đào bên gốc cây lấy lên một cục bạc trả công cho bà mụ và đưa bà ra khỏi rừng, bà đỡ về nhà cân số bạc được 10 lạng. Năm đó mất mùa, nhờ có số bạc ấy bà mới sống qua được.

Cũng Lan Trì kiến văn lục kể câu chuyện một tiều phu ở H.Lạng Giang đang bổ củi trên sườn núi thì thấy phía xa đám cỏ tranh động đậy liền chạy xuống xem sao. Tới nơi thấy ông hổ đang chồm lên vật xuống cào đất và thỉnh thoảng lấy tay móc họng, trong miệng máu me nhớt dãi trào ra. Người tiều phu sẵn rượu mang theo liền ngụm vài ngụm lấy can đảm rồi trèo lên cây to hô: “Cổ họng mày bị đau phải không? Đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương hóc ra cho!”.  Hổ hiểu và nằm phục ngay xuống đất nhìn bác tiều phu ra dáng cầu cứu. Người tiều phu yên tâm tụt xuống và thò tay vào miệng hổ móc ra một cục xương bò to bằng bắp tay. Hổ liếm mép nhìn bác tiều phu rồi đi. Bác tiều phu nói: “Nhà ta ở thôn Mỗ. Được miếng gì lạ thì nhớ đến nhau nhé!”. Một đêm nọ bác đang ngủ nghe tiếng hổ gầm dài, sáng ra thấy một con hươu ở giữa sân. Hơn mười năm sau bác tiều phu mất, đang hạ huyệt bỗng nhiên con hổ nhảy tới, người đưa đám chạy cả. Từ xa họ quay đầu lại thấy hổ dụi đầu vào quan tài gầm lên, vòng quanh huyệt vài vòng rồi bỏ đi. Từ đó về sau, cứ đến ngày giỗ người tiều phu, con hổ lại mang đến để trước cửa nhà không dê thì lợn...

3. Đối với những lưu dân Việt trong quá trình thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam, tới vùng đất núi rừng bạt ngàn, nhiều thú dữ: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng. Dưới sông sấu lội trên giồng cọp um” đe dọa cuộc sống. Vì vậy, người ta tìm cái gì đó để dựa vào, để trấn an về mặt tâm lý và vì vậy người dân thờ cọp để cầu mong cuộc sống bình yên. Hầu hết các ngôi đình ở Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng đều có miếu thờ hay bàn thờ hổ với các tên gọi như: Hổ thần, Mãnh hổ Sơn quân, Bạch Hổ, Chúa Sơn Lâm… Tại một số đình có tục thờ “Thanh Long và Bạch Hổ” với ý là có Thanh Long và Bạch Hổ trấn giữ nên không có gì xâm phạm được… Thậm chí, có nơi người ta còn tôn ông Hổ lên hàng ông Cả của làng xóm để mưu cầu cuộc sống bình yên.

Ngày nay, rừng hoang đã dần bị thu hẹp và hổ trong tự nhiên cũng chẳng còn nhiều. Ở nhiều nước, hổ là loài động vật nguy cấp cần phải bảo vệ vì nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng, những câu chuyện về hổ được truyền tụng đến nay vẫn giúp cho mỗi chúng ta đón một mùa Xuân mới vẫn nhớ về một thời xa xưa cuộc sống của các thế hệ đi trước.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều