Báo Đồng Nai điện tử
En

Những xã vùng sâu 'thay áo mới'

05:01, 28/01/2022

Xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân là mục tiêu Đồng Nai hướng tới trong hậu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân là mục tiêu Đồng Nai hướng tới trong hậu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã Phú Điền (H.Tân Phú)
Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại xã Phú Điền (H.Tân Phú)

Điều ấn tượng trong hậu NTM của Đồng Nai là ngay cả những xã thuần nông ở vùng sâu, miền núi với điểm xuất phát thấp cũng tạo được sự bứt phá đáng ghi nhận, thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

* Xã nghèo “thay áo”

Niềm vui Xuân mới này của người dân xã Phú Hòa (H.Định Quán) càng trọn vẹn vì địa phương được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thành quả này là sự nỗ lực rất lớn của người dân và chính quyền địa phương.

Phú Hòa là xã thuần nông với 93% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp. Trước khi xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã chủ yếu là những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp như: điều, cà phê, vườn tạp, cây hằng năm... Đường giao thông chủ yếu là đường đất, sản xuất khó khăn do nhiều nơi điện chưa nối được về tận cánh đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, càng về sau, việc đánh giá các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu đạt mức độ cao hơn, tốt hơn so với trước. Năm 2021, tuy sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều tiêu chí quan trọng của các xã NTM nâng cao đều đạt cao hơn so với những năm trước. Đặc biệt, nhiều xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 66 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của năm trước.

Xây dựng NTM, hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư. Không chỉ các tuyến đường huyện mà đường trục xã, đường trục ấp, ngõ xóm đều được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%. Điện về tận vùng sản xuất. Các trường học được đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Nhà văn hóa ấp có sân thể thao bố trí các dụng cụ thể thao ngoài trời phục vụ người dân… Đặc biệt, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt mức ấn tượng 66,16 triệu đồng/người, gấp 1,8 lần so với năm 2016, trên địa bàn xã không còn hộ nghèo A theo chuẩn của tỉnh.

Từ sự bứt phá của những xã vùng sâu như Phú Hòa mà ngay trong giai đoạn kinh tế - xã hội đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Định Quán vẫn đặt mục tiêu phấn đấu về đích huyện NTM nâng cao vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra. Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Quang Tú cho biết, phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là tiêu chí được quan tâm hàng đầu của địa phương trong nỗ lực về đích sớm xây dựng huyện NTM nâng cao. Địa phương tập trung khai thác lợi thế trong phát triển nuôi trồng thủy sản; phối hợp với doanh nghiệp thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa sạch; hình thành một số vùng chuyên canh cây lúa, bắp, rau sạch, cây ăn trái... để xây dựng được những chuỗi liên kết sản xuất bền vững, hiệu quả hơn.

Xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) cũng là xã vùng sâu, tập trung đông đồng bào dân tộc. Bước ra khỏi chiến tranh, làng dân tộc nơi đây có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Cùng với chương trình xây dựng NTM, làng quê nghèo đã dần “thay áo mới”. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lý, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện trong xây dựng NTM, xã Phú Lý ngày càng đổi thay với cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ. Người dân được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng phù hợp cũng như áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong phong trào thi đua phát triển sản xuất, làm giàu.

* Người dân làm chủ

Điều được đánh giá cao nhất trong phong trào xây dựng NTM của Đồng Nai là cả hệ thống chính trị cùng đồng tâm thực hiện, trong đó vai trò chủ thể của người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Nhờ những đôi tay vàng trong lao động của người dân nông thôn, những vùng quê gian khó năm xưa ngày càng trù phú, trở thành nơi đất lành thu hút đầu tư.

Từ xã vùng sâu nghèo khó, Phú Điền vươn lên trở thành xã NTM nâng cao đầu tiên của H.Tân Phú. Thời chưa xây dựng NTM, nhiều hộ dân nơi đây có thu nhập rất thấp vì cả năm chỉ làm được 1 vụ lúa. Chính đôi bàn tay lao động của người nông dân đã tạo nên sự đổi thay thần kỳ của xã thuần nông nghèo khó này.

Đồng Nai tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng cho các vùng nông thôn, nhất là đường giao thông và điện sản xuất, góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái… Giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh trên 930 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nguồn ngân sách khoảng 66,5 ngàn tỷ đồng, chỉ chiếm 7,15%, còn lại là vốn của doanh nghiệp, người dân và vốn tín dụng... Điều này cho thấy quá trình thực hiện NTM có sự huy động tổng các nguồn lực, đặc biệt huy động vốn trong dân, lấy người dân làm chủ thể.

Cả đời gắn với ruộng vườn, lão nông Đặng Đức Thuận, nông dân sản xuất giỏi ở xã Phú Điền được biết đến là người tiên phong ứng dụng kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất. Mấy mươi năm trước, ông Thuận về cánh đồng Phú Điền lập nghiệp khi vùng này chủ yếu là đầm lầy đầy cỏ dại. Ông Thuận là người đầu tiên ở xã đưa máy móc xuống đồng kiên trì suốt bao nhiêu năm khai phá, tích lũy được hàng chục ha đất sản xuất. Ông luôn sẵn sàng thử nghiệm những mô hình chưa ai làm trước đó như: trồng lúa kết hợp nuôi vịt đẻ; nuôi cá đồng trong ruộng lúa, chuyển ruộng lúa làm ao nuôi ba ba, lên liếp đất trồng chuối cấy mô xuất khẩu... Ông cũng là lão nông khởi xướng triển khai mô hình cánh đồng lớn trồng lúa sạch ở xã Phú Điền để làm ra giống lúa đặc sản đạt cả về năng suất và giá trị.

Ông Nguyễn Văn Khải cũng là tấm gương nông dân vượt qua nghịch cảnh bằng nghị lực và sức lao động bền bỉ. Dù đôi mắt đã mất đi ánh sáng từ hơn 10 năm nay nhưng ông là nông dân sản xuất giỏi nhờ không ngại tiếp cận cái mới, tiên phong sản xuất lúa an toàn, chuyển đổi ruộng lúa thành mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ cá nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện tại 10ha lúa của ông Khải đều sản xuất theo mô hình nuôi cá đồng trong ruộng lúa sạch; lúa vừa có năng suất cao, cá thì tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn. Nhờ đó, ông thu được hàng trăm triệu đồng/năm.

Chia sẻ về những thay đổi của Phú Điền, bà Đinh Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Phú Điền cho biết, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã những năm gần đây liên tục tăng. Cụ thể, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019, 2020 đạt 64 triệu đồng/người/năm.

Vườn quýt trồng theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu)
Vườn quýt trồng theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu)

Sức sống mới của xã Phú Lý cũng nhờ bàn tay lao động của người dân. Thời trước, đồng bào dân tộc Chơro nơi đây mưu sinh chủ yếu bằng nghề rừng, cuộc sống du canh du cư rất bấp bênh, nghèo khó. Sau này, bà con cải tạo đất để trồng điều nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã vay vốn để tiếp tục chuyển đổi diện tích điều kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng các loại cây có múi như: quýt, cam, bưởi...

Ông Hà Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh, đơn vị tiên phong trong sản xuất nông nghiệp sạch ở vùng đất chiến khu xưa chia sẻ, HTX có vùng chuyên canh 50ha cây có múi canh tác theo hướng hữu cơ, chủ yếu dùng phân chuồng bón cho cây; phòng trừ dịch bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật từ thảo mộc. Nhờ làm theo hướng an toàn, vườn cây khỏe, chất lượng trái ngon, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người trồng. Các xã viên của HTX đều tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cùng chung tay xây dựng thương hiệu trái cây sạch để có đầu ra bền vững hơn.

* Những vùng quê “gây thương nhớ”

Nhờ được đầu tư hạ tầng cơ sở, cảnh quan được chăm chút qua phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, những làng quê nghèo khó khi xưa không chỉ ngày càng trù phú mà được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Nét đặc sắc về phong cảnh làng quê yên bình như nàng công chúa ngủ say đang dần được đánh thức, trở thành lợi thế phát triển du lịch để quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tuyến đường hoa rực rỡ đón Xuân về tại xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu)
Tuyến đường hoa rực rỡ đón Xuân về tại xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu)

Nhờ giữ được những giá trị về văn hóa làng quê Việt, xã Phú Điền đang trở thành điểm đến của nhiều du khách. Khách về vùng quê này có thể đạp xe quanh các cánh đồng lúa chín rực sắc vàng hoặc đồng sen hồng sắc hoa khi mặt trời vừa ló dạng; đi bộ qua các con mương trên đồng để leo lên ngọn núi đá cao hơn 100m ngắm hoàng hôn; khám phá các ngọn núi đá Chữ Thập, đá Nam Tài, những đầm sen…, được trải nghiệm nếp sinh hoạt, văn hóa của làng quê Việt.

Với phong trào Làng ta văn minh, sạch đẹp, người dân Phú Lý đang chung tay xây dựng nếp làng với nếp sống văn minh, bộ mặt nông thôn sạch, đẹp từ nhà ra ngõ. Xã nông thôn này cũng là điểm hẹn nhiều du khách tìm về gắn với hoạt động về nguồn thăm vùng chiến khu xưa. Ông Bùi Văn Song, người dân sống tại xã Phú Lý chia sẻ, những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp không ngừng được nhân rộng trên địa bàn xã. Mỗi tuyến đường mỗi cảnh sắc riêng, có tuyến rực rỡ sắc vàng của hoa chuông vàng, có tuyến nổi bật sắc hoa giấy trồng xen hoa sam, hoa mười giờ được người dân cắt tỉa gọn gàng; hai bên đường còn điểm thêm màu vàng rực rỡ của hoa mai trước mỗi nhà dân, tạo nên không gian nông thôn ấm áp. Người dân tự giác chăm sóc cây hoa, giữ gìn vệ sinh chung với niềm tự hào chăm chút cho cảnh quan nơi làng quê mình sinh sống luôn sạch đẹp, văn minh, trở thành vùng quê níu giữ chân du khách từng một lần ghé thăm.

Bình Nguyên - Thủy Mộc

Tin xem nhiều