Báo Đồng Nai điện tử
En

Tư tưởng của Bác Hồ về ăn Tết, đón Xuân

04:02, 17/02/2015

Mừng Xuân, ăn Tết theo tư tưởng của Bác Hồ là mừng một mùa Xuân của nghĩa tình, chan chứa lòng yêu thương đồng cảm với nhau. Bác mong muốn mùa Xuân cho mọi người, Xuân ở trong mọi ngày. Trong ngày Xuân, gặp được đồng bào, đồng chí, bạn bè, Người lại thấy "Xuân này, Xuân lại thêm Xuân/ Nước non xa, anh em gần, vui thật là vui!".

 

Mừng Xuân, ăn Tết theo tư tưởng của Bác Hồ là mừng một mùa Xuân của nghĩa tình, chan chứa lòng yêu thương đồng cảm với nhau. Bác mong muốn mùa Xuân cho mọi người, Xuân ở trong mọi ngày. Trong ngày Xuân, gặp được đồng bào, đồng chí, bạn bè, Người lại thấy “Xuân này, Xuân lại thêm Xuân/ Nước non xa, anh em gần, vui thật là vui!”.

Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2-2-1965.
Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2-2-1965.

Khi Tết đến, Xuân về, dù không có tiền bạc, bánh quà để tặng những người nghèo khổ nhưng Bác vẫn đến với họ, sẻ chia một tấm lòng, một sắc Xuân từ trái tim của Bác. Cô công nhân vệ sinh rất bất ngờ và ngạc nhiên khi thấy Bác đến chúc Tết nhà mình: “Không bao giờ nghĩ đến, Bác lại đến. Bác hiền lành như một ông Tiên, ông Bụt”. Bác nhân từ nói: “Bác không đến thăm cháu, còn thăm ai?”. Mùa Xuân ấy đối với căn nhà rách nát nghèo nàn, trong một con hẻm phố nhỏ của chị công nhân thật là “Một mùa Xuân cả thế gian, phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân” như lời Bác dạy. Với bè bạn quốc tế, Bác Hồ kể về những ngày Tết đầm ấm, vui tươi của dân tộc ta. Với nhân dân mình, Bác có những lời khuyên nhủ để mùa Xuân và ngày Tết càng thêm có nhiều ý nghĩa. Bác nói đến sự gắn bó sâu sắc trong những ngày Xuân giữa làng và nước, giữa địa phương và quốc gia, đất nước, giữa Việt Nam và thế giới. Trong bài Mừng Xuân vĩ đại đăng trên Báo Nhân Dân số 2141 ngày 24-1-1960, Bác viết: “Xưa kia, người ta chỉ mừng Xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay chúng ta mừng Xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới. Bác thường căn dặn mọi người là phải hết sức tiết kiệm trong những ngày đón Xuân. Cũng trong bài Mừng Xuân vĩ đại, Bác nhắc nhở: “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí”. Báo Nhân Dân số 2132, ngày 28-1-1960, trong bài Mừng Tết Nguyên đán thế nào? Bác viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân. Nên nhớ rằng chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy. Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho ngày Tết vui vẻ và tưng bừng, tiết kiệm và thắng lợi”. Trong những ngày đầu Xuân năm 1957 Bác về thăm Thanh Hóa, Người căn dặn: “Chúng ta làm việc suốt năm, vui ngày Tết là xứng đáng, nhưng vui một cách lành mạnh thì nên vui. Tôi mong các cụ, các bà chống lãng phí, vì lãng phí có hại cho dân, cho nước, cho nhà, vì nó đưa đến phong tục hủ bại, rượu chè, hút xách…”. Bác khuyên trong những ngày Tết: “Không nên chơi bời quá độ mà phải có chừng độ. Chơi quá độ, bừa bãi không nên. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được. Ta có câu “Lạc bất khả cực, lạc cực sinh ai”. Nghĩa là vui không nên quá mức, vui quá mức đi đến cái buồn”. Trên Báo Nhân Dân ngày 18-1-1960, nhắc nhở đồng bào cố gắng tiết kiệm, đừng lãng phí trong ngày Tết, Bác có mấy câu thơ vừa giản dị vừa sâu sắc: “Trăm năm trong cõi người ta/ Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/ Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí, cỗ bàn mới Xuân”. Thật đúng vậy. Mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên, ngay từ đầu mùa Xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt.

Bác Hồ cùng người dân thủ đô với
Bác Hồ cùng người dân thủ đô với "Tết trồng cây" tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) mùa xuân năm Canh Tý 1960.

Bác Hồ tuy đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng người Việt Nam cảm thấy như Bác vẫn ở bên cạnh mình. Và cứ mỗi dịp Xuân về, nhân dân ta vẫn cảm thấy như có Bác trong ngày Tết ấm áp, vẫn nghe rõ những lời Bác căn dặn: “Hãy mừng Xuân rộng rãi từ gia đình đến cả nước, “Hãy mừng Xuân vui vẻ tưng bừng nhưng tuyệt đối không lãng phí” và hãy nhớ câu tục ngữ: “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân”.

Hoàng Bích Hà

 

Tin xem nhiều