Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại trở lại

Phương Liễu
09:00, 09/03/2024

Theo hệ thống giám sát dịch bệnh (Bộ Y tế), chỉ 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 20 ca tử vong do bệnh dại, tăng 11 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tại Đồng Nai, số ca bị chó cắn phải tiêm phòng bệnh dại cũng tăng kỷ lục so với 2 tháng đầu năm 2023.

Người dân đưa chó đến một phòng khám thú y ở phường Hố Nai (thành phố Biên Hòa) để tiêm phòng bệnh dại. Ảnh: P.Liễu

Thực tế dịch bệnh dại diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng… đang đặt ra yêu cầu khẩn trương ứng phó để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại trong mùa nắng nóng này.

* Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh dại

Trước tình hình dịch bệnh dại có nguy cơ bùng phát trở lại, ngày 20-2-2024, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) có Chỉ thị số 1296/BNN-CT về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật (gọi tắt Chỉ thị 1296).

Nội dung Chỉ thị 1296 đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn; đồng thời, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật.

Chỉ thị 1296 yêu cầu UBND các cấp, các sở, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan y tế và thú y thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch. Tất cả trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại trên động vật phải được lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm thú y có thẩm quyền để xét nghiệm bệnh dại.

Theo mục tiêu nêu tại Kế hoạch 265/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 16-12-2022 về phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030, đối với phường, thị trấn, quản lý 95% số hộ và số chó, mèo nuôi; tỷ lệ tiêm vaccine ngừa bệnh dại phải đạt đến 90%. Đối với các xã, quản lý 80% số hộ và số chó, mèo nuôi; tỷ lệ tiêm vaccine ngừa bệnh dại đạt trên 75%. 100% số huyện, thành phố giám sát được chó, mèo nghi nhờ mắc bệnh dại.

Theo Chỉ thị 1296, cần tăng cường công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh. Đặc biệt, tăng cường công tác tiêm vaccine cho đàn chó, mèo, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 70% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn, phối hợp với các đơn vị chuyên môn như: thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại tại các địa phương có nguy cơ cao…

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại là do: đàn chó, mèo thả rông còn phổ biến; tỷ lệ tổng đàn chó, mèo được tiêm vaccine đạt thấp; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông, tiêm vaccine phòng bệnh dại; lực lượng thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn và nhất là nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế.

* Ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại

Mặc dù Đồng Nai đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại nhưng tình hình dịch bệnh dại những tháng đầu năm 2024 đang có những diễn biến phức tạp ngay khi vừa bước vào cao điểm nắng nóng.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3 ổ bệnh dịch chó dại tại 3 huyện: Định Quán, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Riêng số người bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng bệnh dại trong 2 tháng đầu năm 2024 đã hơn 4 ngàn ca. Trong đó, nhiều trường hợp bị chó cắn tại những vị trí nguy hiểm, vết thương lớn phải tiêm huyết thanh kháng bệnh dại.

Qua điều tra dịch tễ tại những địa phương có ổ dịch bệnh chó dại, CDC Đồng Nai nhận định tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó ở những khu vực này rất cao, trong khi tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại chưa đạt mức có thể tạo hiệu quả miễn dịch (từ 70% trở lên) nên nguy cơ xuất hiện các ổ dịch bệnh dại mới rất lớn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai (thuộc Sở
NN-PTNT) Nguyễn Trường Giang cho biết, thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch bệnh dại. Nhận định trước nguy cơ và những diễn biến khó lường, ngày 23-2-2024, UBND tỉnh đã ban Kế hoạch số 58/KH-UBND về chủ động phòng chống, khống chế, dập tắt dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có gần 140 ngàn con chó được nuôi trong dân, trong đó 2/3 tổng đàn được nuôi ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, mới chỉ có 51% tổng đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Trong năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 18 ổ dịch tại 7 địa phương, tiêu hủy 24 con chó xác định mang mầm dại và chỉ mới 2 tháng đầu năm đã xuất hiện 3 ổ dịch với 5 người xác định bị chó mang mầm dại cắn.

Để ngăn dịch bệnh dại lây lan, Sở NN-PTNT đã giao cho Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giám sát chủ động cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh dại. Huy động toàn bộ lực lượng thú y để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, vaccine, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

“Cuối năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai tham mưu Sở NN-PTNT đề xuất tỉnh chi ngân sách mua 1 triệu liều vaccine phòng bệnh dại, tiêm cho khoảng 80% tổng đàn chó trên địa bàn trong 5 năm (bắt đầu từ giữa năm 2024) với 200 ngàn liều/năm. Hiện chi cục đã chuẩn bị nhân lực và bố trí khoảng 1 ngàn điểm tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo ở tất cả các địa phương, để khi có vaccine sẽ triển khai tiêm càng sớm càng tốt” - ông Giang cho biết.

Phương Liễu

Tin xem nhiều