Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao bạo lực học đường bùng phát?

08:05, 03/05/2022

Thời gian gần đây, trên địa bàn Đồng Nai liên tiếp xảy ra một số vụ bạo lực học đường, trong đó có những vụ việc liên quan giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Đồng Nai liên tiếp xảy ra một số vụ bạo lực học đường, trong đó có những vụ việc liên quan giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau. Điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo cho cả nhà trường lẫn phụ huynh về việc cần chú ý nhiều hơn nữa đến nắm bắt tâm lý học sinh và ứng xử trong học đường.

Học sinh Trường THCS Ngô Thời Nhiệm (H.Định Quán) vui chơi  dưới sân trường. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường THCS Ngô Thời Nhiệm (H.Định Quán) vui chơi dưới sân trường. Ảnh: C.Nghĩa

Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thời Nhiệm (TT.Định Quán, H.Định Quán) Lê Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Vừa qua, tại trường phát sinh liên tiếp 2 vụ bạo lực học đường giữa giáo viên và học sinh. Là người đứng đầu, tôi nhận thức được trách nhiệm của mình. Những vụ việc này đã để lại hệ quả không tốt cho nhà trường nói chung, giáo viên và cả học sinh nói riêng”.

* Khi trò muốn thầy “nổi tiếng”

Tường trình của thầy P.Q.H., giáo viên Tin học Trường THCS Ngô Thời Nhiệm về vụ việc thầy đã có hành vi ứng xử không chuẩn mực với học trò xảy ra tại trường cho biết, vào ngày 19-4, thầy kiểm tra bài và vở ghi chép của một nhóm học sinh gồm 7 em thì đa số không thuộc bài và không ghi chép bài đầy đủ, thầy đã hẹn các em hôm sau sẽ kiểm tra lại. Trong buổi học ngày 20-4, thầy tiếp tục gọi kiểm tra bài nhưng đa số học sinh vẫn thế. Trong số này, có một học sinh đã ưỡn ngực thách đố: “Sẽ cho thầy nổi tiếng”. Vì không kiềm chế được nên thầy H. đã tát học sinh 2 cái mà không hề biết trong lớp có một học sinh khác quay lại clip vụ việc và tung lên mạng xã hội vào hôm sau.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ HUY KHÁNH: Nắm bắt tư tưởng học sinh tốt sẽ không xảy ra những vụ việc đáng tiếc

Hầu hết các vụ việc liên quan đến ứng xử trong trường học thời gian qua thường xảy ra ở độ tuổi mới lớn, diễn biến tâm lý các em khá phức tạp. Muốn hạn chế tối đa những vụ việc đáng tiếc, ban giám hiệu và giáo viên phải bình tĩnh nắm bắt tư tưởng học sinh thật tốt, với những tình huống nhạy cảm thì càng đòi hỏi giáo viên phải bình tĩnh, sáng suốt trong xử lý. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cần định hướng các em học sinh sử dụng mạng xã hội đúng mực, tránh hiện tượng quay phim và phát tán các clip xấu lên mạng xã hội.

Còn cô N.T.T.H., giáo viên Lịch sử của Trường THCS Ngô Thời Nhiệm, người xuất hiện trong đoạn clip “thả” sách vở của học sinh xuống đất và bị mạng xã hội phản ứng ngày 20-4, cho hay trong giờ dạy của cô có một học sinh luôn miệng nói chuyện riêng, đùa giỡn trong lớp dù được giáo viên nhắc nhở nhiều lần. Khi yêu cầu học sinh này mang vở lên để giáo viên kiểm tra, em này vẫn không mang lên, thậm chí vẫn đứng dưới cười giỡn. Khi giáo viên yêu cầu mang cả cặp sách lên để cô kiểm tra thì phát hiện một cuốn vở “tổng hợp” ghi đủ các môn Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Văn, Toán và Lịch sử. Trong lúc trả lời các câu hỏi của giáo viên về thái độ học tập của mình, học sinh này tiếp tục cười đùa thiếu nghiêm túc.

Là giáo viên có hơn 30 năm gắn bó với nghề nên khi học trò đưa vụ việc lên mạng xã hội và bị cộng đồng mạng phê phán, cô H. không khỏi suy sụp về tinh thần. Cô H. chia sẻ: “Tôi hành động như vậy cũng xuất phát từ trách nhiệm với học trò, mong các em tốt, tiến bộ trong học tập. Tuy nhiên, trong lúc xử lý vụ việc, tôi đã có phần nóng vội. Nếu được xem đoạn clip từ đầu đến cuối sự việc xảy ra trong giờ học thì có lẽ mọi người sẽ hiểu và thông cảm với tôi nhiều hơn trong công việc, trước những học sinh chưa ngoan”.

Cô Lê Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thời Nhiệm cho biết, nhà trường đã xử lý vụ việc, bước đầu đã cùng với giáo viên liên quan đến tận nhà xin lỗi học sinh và gia đình. Gia đình các em đều thông cảm với giáo viên và thấy trách nhiệm của mình trong đó. Còn giáo viên đã làm kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Về phía nhà trường, vì xảy ra 2 vụ việc đáng tiếc nêu trên nên việc xem xét trường chuẩn quốc gia gần hoàn thành sẽ phải dừng lại 5 năm nữa mới được xem xét vì có giáo viên bị kỷ luật.

* Cần ứng xử chuẩn mực

Phòng GD-ĐT TP.Long Khánh vừa xử lý tình huống ứng xử cũng xuất phát từ sự thiếu kiềm chế của một giáo viên công tác tại Trường THCS Hồ Thị Hương (P.Xuân Trung). Theo đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội, một giáo viên đã dùng bình xịt cồn xịt vào mặt học sinh trong giờ học. Lý do được giáo viên này giải trình sau đó là 2 học sinh trong lớp học thường xuyên nói chuyện riêng, dù được giáo viên nhắc nhở nhiều lần. Ngay khi vụ việc được phát hiện thông qua mạng xã hội, Phòng GD-ĐT TP.Long Khánh đã đình chỉ công tác 1 tuần đối với giáo viên liên quan trong đoạn clip và tiến hành quy trình kỷ luật theo quy định.

Một sự việc khác nghiêm trọng hơn xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.Biên Hòa) khi một giáo viên thể dục của trường đã có hình vi bạo lực, gây thương tích cho học sinh. Theo tìm hiểu, khi xử lý mâu thuẫn giữa 2 học sinh, thay vì phải phân tích, giảng giải bằng lời nói, giáo viên này đã “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” khiến em này có nhiều vết thương trên người.

Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, khi học sinh được đi học trực tiếp trở lại đã phát sinh khá nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến bạo lực học đường. Theo các chuyên gia tâm lý, các vụ việc này có phần ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các em vừa phải trải qua một thời gian học trực tuyến tại nhà kéo dài nên bị ức chế tâm lý, kết quả học tập không như mong muốn có thể khiến các em chán nản. Thêm vào đó, nhiều em có thể đang trong quá trình thay đổi tâm sinh lý, rất dễ bộc lộ “cái tôi” cá nhân. Khi bị thầy cô hay cha mẹ cố gắng “ép” vào khuôn khổ, các em có thể sẽ dẫn đến những phản ứng thái quá và tiêu cực bộc phát.

Khi gặp phải những tình huống học sinh chưa ngoan, thầy cô cần hết sức bình tĩnh, tránh tình trạng ứng xử thiếu khéo léo, tránh nóng vội, để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên mạng xã hội thời gian qua.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều