Báo Đồng Nai điện tử
En

Trang bị thêm kỹ năng ứng xử cho giáo viên

07:05, 03/05/2022

Nghề giáo vốn là một nghề đặc thù, chỉ cần giáo viên cư xử không đúng chuẩn mực, "lệch" đi một chút trong nguyên tắc ứng xử, rất dễ bị xã hội lên án.

Nghề giáo vốn là một nghề đặc thù, chỉ cần giáo viên cư xử không đúng chuẩn mực, “lệch” đi một chút trong nguyên tắc ứng xử, rất dễ bị xã hội lên án. Vì thế, việc rèn luyện các kỹ năng trong giao tiếp với học sinh hay phụ huynh học sinh có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, nhất cử nhất động đều có thể bị “tung” lên mạng.

Nhiều giáo viên chia sẻ, dạy dỗ học trò bây giờ khó hơn ngày xưa rất nhiều. Thời ông bà đi học, việc bị thầy cô đánh vài roi… rất bình thường; học trò vì sợ mà nghe lời răm rắp. Không ít người học hành, đỗ đạt thành tài là nhờ một phần đòn roi trong nhà trường. Phụ huynh cũng rất ủng hộ vì “một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy”. Nhưng ngày nay, mọi việc đã khác. Mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con nên có tâm lý bao bọc con. Chỉ một câu quát mắng của thầy cô chứ chưa nói đến đòn roi, không ít phụ huynh đã tìm gặp ban giám hiệu nhà trường để phản ảnh, thậm chí đòi kỷ luật giáo viên mà không cần tìm hiểu nguyên nhân bắt nguồn từ đâu.

Trong khi đó, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, nhất là ở lứa tuổi THCS, THPT có nhiều biến đổi, nhiều em nghịch ngợm, không chịu học hành; khi thầy cô nhắc nhở thì cảm thấy khó chịu, bực tức. Không hiếm trường hợp còn tỏ rõ thái độ thách thức khi giáo viên xử phạt, khiến giáo viên không giữ được bình tĩnh, rất dễ dẫn đến việc cư xử không đúng chuẩn mực, làm mất đi hình ảnh đẹp về người thầy trong xã hội. Đặc biệt, khi những đoạn clip ghi lại cách hành xử này được đưa lên mạng xã hội với sức lan truyền chóng mặt, hậu quả để lại là khá nặng nề. Không ít giáo viên sau khi bị kỷ luật đã phải bỏ nghề vì không chịu được sức ép từ dư luận xã hội.

Vụ việc của 2 giáo viên THCS ở H.Định Quán mới đây do nóng nảy có thái độ không chuẩn mực với học trò sau đó bị tung lên mạng xã hội đã cho thấy cần thiết phải trang bị cho giáo viên những kỹ năng ứng phó với các tình huống phát sinh trong học đường. Chẳng hạn như, giữ thái độ bình tĩnh khi xử lý những tình huống học sinh vô lễ, thiếu nghiêm túc, thậm chí là thách thức sự kiên nhẫn với giáo viên trong giờ học. Nhà trường cũng phải thắt chặt hơn nữa những quy định có liên quan đến việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại, tránh phát tán những thông tin bị cắt xén, phản ánh không đầy đủ diễn biến vụ việc, gây hiểu nhầm đáng tiếc trong xã hội. Quan trọng nhất là nhà trường và giáo viên phải thường xuyên phối hợp tốt, tạo được sự đồng thuận với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh, kịp thời nắm bắt tâm lý các em, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng có những hành động bộc phát, gây tổn thương cho giáo viên và bạn bè trong lớp dẫn đến bạo lực học đường.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều