Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ tuyển sinh sau THCS hết “nóng”? (bài 2)

Hải Yến
09:17, 08/08/2023

>>>Bài 2: “Vùng trũng” cũng dần quá tải

Nếu không đủ điểm vào trường công lập, không đủ tài chính để học trường tư thục hay có định hướng học nghề sớm thì học sinh có thể lựa chọn vào trường nghề hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Đây là hướng đi phù hợp với định hướng phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sĩ số học sinh tăng nhanh nên các trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX cũng đang dần quá tải.

Phụ huynh, học sinh chen nhau đi nộp hồ sơ tuyển sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Trảng Bom. Ảnh: H.Yến
Phụ huynh, học sinh chen nhau đi nộp hồ sơ tuyển sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Trảng Bom. Ảnh: H.Yến

Nhiều trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX thường tuyển sinh vượt chỉ tiêu dự kiến ít nhất 10%. Cá biệt, có trung tâm GDNN-GDTX còn tuyển gần gấp đôi chỉ tiêu vì số lượng học sinh đến đăng ký quá đông.

* Tuyển sinh trường nghề không còn chật vật

Nếu như nhiều năm trước, các trường nghề phải chật vật trong công tác tuyển sinh thì hiện nay việc này không còn là nỗi lo của trường nghề nữa. Thậm chí, đối với các trường cao đẳng nghề có uy tín trên địa bàn tỉnh, số lượng tuyển sinh đầu vào trên thực tế luôn cao hơn so với chỉ tiêu được giao. Đây cũng là cơ hội để các trường nâng tiêu chí xét tuyển đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai Huỳnh Lê Tuấn Dũng cho hay: “Thí sinh muốn vào học các ngành “hot” của trường như: điện, điện lạnh, điện tử, công nghệ ô tô… phải có điểm trung bình môn Toán - Lý từ 6 điểm trở lên; nhóm ngành cơ khí, may thời trang phải có điểm điều kiện từ 5-5,5 điểm đối với các môn xét tuyển”. Dù nâng chuẩn đầu vào nhưng năm nay trường này vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao (hơn 1,1 ngàn/900 chỉ tiêu).

Để tạo điều kiện cho học sinh được học nghề, nhiều trung tâm GDNN-GDTX đã liên kết với các trường nghề trong và ngoài tỉnh để tổ chức các lớp trung cấp nghề. Học sinh có thể vừa học trung cấp nghề vừa học chương trình GDTX. Với chương trình song bằng này, sau 3 năm học, học sinh vừa tốt nghiệp trung cấp nghề mà vẫn có thể thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Đóng chân trên địa bàn H.Trảng Bom đông dân cư với nguồn tuyển sinh lớn, lại có số lượng nghề đào tạo đa dạng, phong phú nên công tác tuyển sinh hệ trung cấp của Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi khá thuận tiện. Theo đó, trường dự kiến tuyển 1,1 ngàn chỉ tiêu nhưng có đến 1,7 ngàn thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.

Giải thích hiện tượng này, lãnh đạo nhà trường cho biết, những năm trước, nhiều học sinh thi tuyển sinh lớp 10 không đậu rồi mới quay về nộp hồ sơ học nghề thì đã hết chỉ tiêu. Có thể vì vậy mà năm nay, nhiều học sinh đã lo nộp hồ sơ dự xét tuyển vào trường trước khi tham gia thi tuyển sinh lớp 10 dẫn đến số lượng hồ sơ xét tuyển tăng đột biến. Đến nay, trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh.

Trung bình mỗi năm, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật số 2 (TP.Biên Hòa) thường tuyển khoảng 500 chỉ tiêu. Những năm trước, trường này thường phải đợi đến cuối mùa tuyển sinh để “vét” thí sinh. Tuy nhiên, năm nay trường này đã hoàn thành công tác tuyển sinh từ sớm. Ngay giữa tháng 7, trường đã nhận được gần 600 bộ hồ sơ, vượt chỉ tiêu đề ra.

Không riêng gì 3 trường nêu trên, năm nay đa số các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận số lượng hồ sơ tăng so với những năm trước. Mặc dù đã nâng chuẩn đầu vào, tuyển vượt chỉ tiêu nhưng các trường vẫn phải loại hoặc trả lại nhiều hồ sơ. Tính đến nay, nhiều trường nghề đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu tuyển sinh như: Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi…

* Không còn là “vùng trũng”

Các trung tâm GDNN-GDTX có thể được coi là “vùng trũng” của công tác tuyển sinh sau THCS. Bởi lẽ đây thường là sự lựa chọn cuối cùng của thí sinh khi những cánh cửa ở cả trường THPT công lập lẫn tư thục và trường nghề khép lại. Vì lẽ đó, chất lượng đầu vào của các trung tâm GDNN-GDTX cũng thấp nhất trong “phân khúc” sau THCS. Tuy vậy, năm nay đa số trung tâm GDNN-GDTX cũng khá thuận lợi trong khâu tuyển sinh, nhiều trung tâm dự kiến sẽ phải tuyển vượt chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu của người học.

Trung tâm GDTX tỉnh có lẽ là đơn vị hoàn thành công tác tuyển sinh nhanh nhất. Đơn vị này chỉ mất hơn 1 ngày để tuyển đủ hơn 250 chỉ tiêu lớp 10. Điều đáng nói là tiêu chuẩn đầu vào của trung tâm cũng không hề thấp. Theo đó, học sinh phải đạt học lực năm lớp 9 từ loại khá trở lên. Việc nâng chuẩn đầu vào giúp cho trung tâm có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng dạy học. Cụ thể, toàn bộ học viên của trung tâm đều được học môn Tiếng Anh, vốn là môn học không bắt buộc đối với hệ GDTX.

Năm nay, Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom dự kiến xét tuyển khoảng 260 chỉ tiêu nhưng dự kiến phải tuyển gấp đôi chỉ tiêu thì mới đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.

Ông Võ Ngọc Vinh, Phó giám đốc trung tâm lý giải: “Năm ngoái, trung tâm cũng dự định chỉ tuyển khoảng 300 chỉ tiêu nhưng cuối cùng phải tuyển lên đến gần 540 em. Sở dĩ năm nay chúng tôi đặt ra chỉ tiêu tuyển 260 em là căn cứ vào tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ hiện có. Nếu tuyển đúng chỉ tiêu này thì trung tâm sẽ đáp ứng được, cũng thuận lợi cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở GDNN-GDTX”.

Tuy nhiên, trước tình hình số lượng học sinh, phụ huynh đến đăng ký xét tuyển đông, lãnh đạo Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom cho biết có thể sẽ phải tuyển vượt chỉ tiêu, thậm chí vượt nhiều hơn năm trước.

Ông Vinh cho hay, nếu thí sinh đến đăng ký tuyển sinh tiếp tục tăng, trung tâm sẽ đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND huyện để có phương án tháo gỡ. Để có thể tiếp nhận được thêm học sinh, trung tâm buộc phải đi thuê cơ sở vật chất, phòng học để mở rộng số lớp, đáp ứng yêu cầu học tập. Nếu số lượng tuyển sinh năm nay bằng năm ngoái, trung tâm phải thuê thêm khoảng 6-8 phòng học nữa. Ngoài ra, muốn tuyển sinh thêm, trung tâm phải được UBND huyện giải quyết kinh phí để chi trả cho giáo viên thỉnh giảng. Mặt khác, trung tâm cũng cần được Sở GD-ĐT cấp thêm chỉ tiêu.

Ưu tiên ngân sách nhà nước cho GDNN
Ngày 4-5-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TRƯƠNG THỊ MAI đã ký ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống GDNN. Một trong những nhiệm vụ được chỉ thị đề cập là: “Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho GDNN trong tổng chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT tương xứng với vị trí, vai trò của GDNN, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển GDNN, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập”.

Hải Yến

>>> Bài 3: Đầu tư bài bản cho “bến đỗ”

 

Tin xem nhiều