Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội giao lưu, gắn kết thanh niên dân tộc, tôn giáo

08:08, 07/08/2023

Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) tỉnh vừa phối hợp tổ chức Ngày hội thanh niên dân tộc, tôn giáo năm 2023 tại Nhà văn hóa dân tộc Châu Mạ (TT.Định Quán, H.Định Quán) với sự tham gia của 500 đoàn viên thanh niên đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) tỉnh vừa phối hợp tổ chức Ngày hội thanh niên dân tộc, tôn giáo năm 2023 tại Nhà văn hóa dân tộc Châu Mạ (TT.Định Quán, H.Định Quán) với sự tham gia của 500 đoàn viên thanh niên đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Thanh niên dân tộc, tôn giáo tham gia trò chơi đẩy gậy tại ngày hội. Ảnh: Nga Sơn
Thanh niên dân tộc, tôn giáo tham gia trò chơi đẩy gậy tại ngày hội. Ảnh: Nga Sơn

Thông qua các hoạt động của ngày hội đã góp phần tạo sân chơi cho thanh niên dân tộc, tôn giáo; giúp thanh niên hiểu, trân trọng và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

* Vừa vui chơi…

Một trong những hoạt động gây chú ý đối với thanh thiếu niên dân tộc, tôn giáo tại ngày hội chính là khu vực diễn ra các trò chơi dân gian. Ban tổ chức mong muốn thanh thiếu niên biết nhiều hơn các trò chơi dân gian, hiểu được giá trị của các trò chơi dân gian, từ đó tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống.

Trò chơi dân gian được đông đảo thanh thiếu niên dân tộc, tôn giáo tham gia, đem lại nhiều tiếng cười là trò chơi đẩy gậy. Là một trong những thanh niên tích cực tham gia, anh K'Tuấn Đạt (dân tộc Mạ, ở TT.Định Quán) cho hay, trò chơi này không đòi hỏi chuẩn bị dụng cụ cầu kỳ. Chỉ với một cây gậy tròn được bào nhẵn có chiều dài khoảng 2m, một vòng tròn được vẽ bằng sơn có đường kính khoảng 1,5-2m, một người điều khiển trò chơi là có thể tổ chức trò chơi. 2 người tham gia trò chơi mỗi người sẽ cầm một đầu của cây gậy. Khi có hiệu lệnh của người điều khiển trò chơi, người chơi sẽ  dùng sức đẩy mạnh về phía đối diện. Người đẩy đối phương ra khỏi vòng sẽ là người chiến thắng.

Cạnh trò chơi đẩy gậy là trò chơi đi cà kheo. Chị Thạch Thị Diễm My (dân tộc Khmer, ở xã Tam An, H.Long Thành) cho biết, chị đã từng nghe, từng thấy trò chơi dân gian đi cà kheo trên ti vi. Qua tìm hiểu chị được biết, cà kheo là dụng cụ được người dân các vùng miền dùng để mưu sinh, đi lại trong những ngày mưa lũ và hiện là một trò chơi dân gian được yêu thích trong các lễ hội. Thấy đã nhiều nhưng nay chị Diễm My mới có cơ hội trải nghiệm.

Chị My cho hay: “Trò chơi khó vì đòi hỏi người chơi có sức khỏe tốt, khéo léo và phối hợp nhịp nhàng tay chân và khả năng giữ thăng bằng trên không… Không chơi được như những người thành thạo nhưng tôi thấy trò chơi này khá thú vị và nếu có cơ hội nhất định tôi sẽ luyện”.

* …Vừa lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc

Bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN MINH KIÊN cho biết, thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục đa dạng hóa các mô hình hoạt động trong thanh niên tôn giáo, dân tộc. Trong đó sẽ chú trọng chăm lo về mặt tinh thần, kỹ năng và kết nối hỗ trợ vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại lễ khai mạc ngày hội, các đại biểu, thanh thiếu niên dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã được thưởng thức tiết mục biểu diễn nhạc Ngũ âm - di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Là một trong những thanh niên tham gia biểu diễn tiết mục, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (dân tộc Khmer, ở KP.Hiệp Nhất, TT.Định Quán) cho biết, nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ. Mỗi loại nhạc cụ được định âm một cách chính xác, bảo đảm yếu tố hòa âm cho cả dàn nhạc.

Là một người trẻ của đồng bào dân tộc Khmer, nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ năm 2020, chị Mỹ Linh và một số thanh thiếu niên khác trong Làng dân tộc Khmer trên địa bàn H.Định Quán đã được người lớn trong làng chỉ dạy nhạc Ngũ âm. Nhạc Ngũ âm không khó nên chỉ vài tháng tập luyện, chị đã có thể tham gia biểu diễn tại các sự kiện hoặc lễ hội của dân tộc mình.

Tiết mục nhạc Ngũ âm được biểu diễn tại ngày hội
Tiết mục nhạc Ngũ âm được biểu diễn tại ngày hội

"Điều mà tôi mong muốn khi biểu diễn nhạc Ngũ âm chính là giới thiệu đến đông đảo bạn bè các dân tộc, tôn giáo khác về nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình" - chị Mỹ Linh bộc bạch.

Không chỉ lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc qua các tiết mục văn nghệ, trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra hội thi bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi huyện, thành đoàn, ủy ban Hội LHTN các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc tham gia biểu diễn trang phục, thuyết trình giới thiệu về trang phục và phong tục tập quán của các dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo bà Thạch Thị Ngọc Thanh, Trưởng phòng Dân tộc H.Định Quán, thành viên Ban giám khảo hội thi bản sắc văn hóa Việt Nam, qua phần trình diễn của đoàn viên, thanh thiếu niên cho thấy, các đơn vị tham gia hội thi đã có sự đầu tư chu đáo, tìm hiểu kỹ lưỡng về trang phục cũng như phong tục tập quán các dân tộc sinh sống tại Đồng Nai. Đặc biệt thông qua phần dự thi, các đơn vị đều truyền tải thông điệp đến những người trẻ cần phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc của mình.

"Đây là hoạt động tôi thấy tâm đắc và hy vọng thời gian tới, Tỉnh đoàn, Ban Dân tộc tỉnh và các ngành trong tỉnh tiếp tục quan tâm tổ chức nhiều hơn để đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số có sân chơi, cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau" - bà Thanh cho hay.

Nguyễn Tuyết

Tin xem nhiều