Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng xây dựng xã hội học tập

08:06, 03/06/2023

Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã trở thành phong trào phát triển khắp các địa phương trong tỉnh.

Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đã trở thành phong trào phát triển khắp các địa phương trong tỉnh.

Gia đình bà Phạm Thị Nhự (ở KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Ảnh: L.Na
Gia đình bà Phạm Thị Nhự (ở KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Ảnh: L.Na

Các mô hình học tập đã và đang góp phần xây dựng xã hội học tập, lan tỏa sâu rộng phong trào trong hệ thống thiết chế văn hóa.

* Gia đình, cộng đồng chung tay

Trong căn nhà nhỏ của bà Phạm Thị Nhự (73 tuổi, ngụ tại KP.3, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) có lẽ nơi khiến bà cảm thấy tự hào nhất chính là bức tường - nơi treo đầy giấy khen, bằng khen của con, cháu đã nhận được trong suốt những năm qua. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, bà Nhự luôn động viên cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành của con, cháu. Gia đình bà nhiều năm liền được công nhận là gia đình hiếu học tiêu biểu.

Bà Nhự cho biết, bà sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống gia đình với 6 thành viên rất vất vả. Mặc dù chồng là giáo viên, song đồng lương của ông thời điểm ấy khá ít ỏi. 4 người con của bà một buổi đi học, một buổi về phụ mẹ làm nông, kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Thương cha mẹ, các con của bà chăm chỉ học hành, công việc ổn định sau khi ra trường, đoàn kết, yêu thương nhau. Đó có lẽ là động lực để các cháu của bà nỗ lực học tập, đạt nhiều giải thưởng cấp thành phố, cấp tỉnh.

Chương trình đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh phấn đấu số lượt người sử dụng thư viện, đến tham quan bảo tàng tăng bình quân từ 10-15% mỗi năm. 100% trung tâm văn hóa cấp xã, nhà văn hóa ấp, khu phố có các lớp năng khiếu, nhóm sở thích tham gia sinh hoạt, phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.

Chia sẻ về bí quyết nuôi dạy con cháu, bà Nhự cười hiền nói rằng, bà không có bí quyết gì to lớn ngoài việc thường xuyên động viên, khuyến khích con, cháu học hành để có tương lai tốt đẹp hơn. Bà Nhự bộc bạch: “Tôi luôn tâm niệm “nên thợ, nên thầy vì có học”, muốn gia đình tiến bộ, hạnh phúc thì phải chăm lo cho việc học. Ở tuổi ngoài 70, tôi rất phấn khởi, mãn nguyện khi chứng kiến các con thành đạt, các cháu học hành tiến tới”.

Dòng họ Lê của ông Lê Đức Thức (72 tuổi, ngụ tại ấp Đồng Tâm, xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) nhiều năm liền duy trì danh hiệu dòng họ hiếu học. Ông Thức cho hay: “Dòng họ Lê của chúng tôi có nguồn gốc ở tỉnh Quảng Bình. Những năm 1970-1980, họ Lê vào đất Đồng Nai phát triển kinh tế mới. Suốt mấy chục năm qua, họ Lê luôn cố gắng vượt qua khó khăn để nuôi con, cháu học hành đến nơi, đến chốn. Hàng năm, tại từ đường họ Lê, con cháu tề tựu đầy đủ để “báo công”, dâng hương, đóng góp nguồn quỹ cho các hoạt động vì cộng đồng, xây dựng tủ sách dòng họ, tạo điều kiện cho con, cháu tìm hiểu văn hóa, mở mang tri thức”.

Bên cạnh gia đình bà Nhự, dòng họ Lê của ông Thức, nhiều mô hình xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa sâu rộng, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Tại TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất hiện có hơn 4 ngàn hộ gia đình, 1 dòng họ, 5 cộng đồng, 8 đơn vị giữ vững danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu. Hay tại H.Vĩnh Cửu, hiện có hơn 22,7 ngàn hộ được công nhận gia đình học tập; 18 dòng họ và 59 cộng đồng được công nhận là dòng họ, cộng đồng học tập…

* Lan tỏa phong trào học tập suốt đời

Cùng với mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện phong trào đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB.

Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho biết, hệ thống thư viện hiện lan tỏa rộng khắp từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. 100% xã, phường, thị trấn ở Đồng Nai có thư viện, tủ sách pháp luật. Bên cạnh đó, còn có thư viện các trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, nông trường, bưu điện văn hóa xã... hoạt động sôi nổi.

Học sinh đọc sách tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Phú Ngọc (H.Định Quán)
Học sinh đọc sách tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Phú Ngọc (H.Định Quán)

Song song với công tác đổi mới trưng bày, triển lãm, vài năm trở lại đây Bảo tàng Đồng Nai đã tăng cường đưa di sản về cơ sở thông qua hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nổi bật là các triển lãm về biển đảo Việt Nam được bảo tàng tổ chức tại các huyện: Định Quán, Long Thành, Trảng Bom… Đồng thời, gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường, phối hợp với các địa phương tổ chức hội thi tìm hiểu giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Đối với xây dựng mô hình CLB phục vụ cho hoạt động học tập suốt đời, các huyện, thành phố thành lập hàng trăm CLB văn hóa văn nghệ, thường xuyên sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa. Riêng Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh duy trì hoạt động 10 CLB với hơn 200 thành viên tham gia.

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng nhấn mạnh: “Nhằm nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động học tập suốt đời cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, thành viên các CLB, trung tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm. Mô hình hoạt động hiệu quả là tổ chức liên hoan CLB, đội nhóm. Qua đó, nhân rộng và lan tỏa phong trào trong các tầng lớp nhân dân”.

Ly Na

Tin xem nhiều