Đưa cải lương, đờn ca tài tử, dân ca quan họ, múa rối… vào trường học là một trong nhiều hoạt động đã và đang được các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện.
Đưa cải lương, đờn ca tài tử (ĐCTT), dân ca quan họ, múa rối… vào trường học là một trong nhiều hoạt động đã và đang được các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện.
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP.Biên Hòa) xem trích đoạn cải lương Oai hùng sử ca trong chương trình lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể Nam bộ 2023. Ảnh: L.Na |
Cách làm thiết thực này không chỉ khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ mà còn góp phần bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.
* Những cách làm hay…
Những ngày cuối tháng 5, tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP.Biên Hòa), học sinh chăm chú theo dõi các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn nhiều trích đoạn cải lương, ĐCTT. Đặc biệt, các em được tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của sân khấu cải lương, ĐCTT trên vùng đất Nam bộ, giao lưu với các nghệ sĩ, diễn viên…
Em Lê Ngọc Diệp, học sinh lớp 5/3 hào hứng cho hay: “Đây là lần đầu tiên em xem và nghe trực tiếp cải lương trên sân khấu, đồng thời được gặp gỡ các cô chú nghệ sĩ. Em rất ấn tượng với loại hình nghệ thuật truyền thống này, nhất là phần ca, trang phục, hóa trang. Dù nghe một số câu từ em chưa hiểu hết được nhưng em và các bạn cùng lớp rất thích, mong muốn được xem nhiều trích đoạn cải lương hơn nữa”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám Lại Thị Kiều Oanh cho biết, nhằm giúp thế hệ măng non ghi nhớ những giá trị truyền thống quý giá của cha ông, nhà trường tổ chức chuỗi các hoạt động lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể Nam bộ vào trường tiểu học. Nhà trường phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đưa những câu chuyện, nhân vật lịch sử, trích đoạn cải lương, các bài bản tài tử… đến với học sinh. Trong không gian này, các nghệ sĩ truyền nghề cho lớp trẻ, học sinh được tương tác, trải nghiệm.
Từ ngày 29-5 đến ngày 1-6, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn chương trình múa rối nước chào hè 2023 phục vụ thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Chương trình diễn ra vào lúc 9 giờ và 19 giờ hàng ngày tại rạp chiếu phim Khánh Hưng, P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). |
Từ đầu tháng 4-2023, Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) đã khởi động dự án Sân khấu học đường. Cùng với việc phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, nghệ sĩ giao lưu với học sinh, nhà trường còn tái dựng một số trích đoạn cải lương do chính các em thực hiện. Dự án đã và đang góp phần giúp học sinh trải nghiệm, định hướng thẩm mỹ, gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Nhiều năm nay, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồi 61 (xã Đồi 61, H.Trảng Bom) Nguyễn Thị Ngọc Hà đang nỗ lực “truyền lửa” dân ca quan họ đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có đối tượng học sinh. Ngoài việc thành lập CLB Dân ca quan họ Về miền Kinh Bắc, cô Hà còn tích cực hướng dẫn các em học sinh ở Trường tiểu học Đồi 61 hát dân ca.
“Hiện tại, có 6 học sinh biết hát, biểu diễn dân ca quan họ thành thạo. Ngoài sinh hoạt trong CLB, các em còn tham gia biểu diễn dân ca quan họ ở trường học. Thông qua các buổi diễn này khơi dậy sự yêu thích, đam mê hát dân ca, giáo dục tình yêu quê hương cho học sinh” - cô Hà chia sẻ.
* Trao truyền cho thế hệ trẻ
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho hay, chương trình đưa sân khấu cải lương, múa rối cạn, rối nước vào trường học không chỉ đơn thuần giúp học sinh tiếp cận với các loại hình nghệ thuật truyền thống mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng trích đoạn, bài bản, từng câu chuyện. Từ đó, giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong đời sống đương đại.
Theo dõi các hoạt động đưa di sản vào trường học, nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai cho hay, ông rất mừng vì ngày càng có nhiều trường học, học sinh tìm đến với cải lương, với ĐCTT. Đó là dấu hiệu đáng mừng cho thấy nghệ thuật truyền thống nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung đã có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ.
Bản thân nghệ nhân Phạm Lơ nhiều năm qua luôn âm thầm, tận tâm truyền dạy các bài bản tài tử cho những người đam mê ĐCTT trên địa bàn tỉnh, nhất là những người trẻ. Không chỉ truyền dạy, ông thường xuyên tổ chức các buổi diễn ĐCTT tại nhiều không gian văn hóa công cộng, ghi hình, phát sóng trên mạng xã hội Facebook, YouTube phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
Tuy nhiên, để bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng rộng hơn, theo nghệ nhân Phạm Lơ, cần có thêm các cơ chế chính sách để khuyến khích các đơn vị, nghệ nhân, cộng đồng tích cực giữ gìn di sản. Ngoài ra, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các trường học từ tỉnh đến cơ sở nhằm khuyến khích học sinh tiếp cận di sản. Qua đó, hỗ trợ cho việc truyền dạy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Nam bộ, giáo dục di sản văn hóa - nghệ thuật truyền thống trong học đường.
Ly Na