Báo Đồng Nai điện tử
En

Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc

10:06, 09/06/2021

Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc là chủ đề nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam và truyền thông Tháng Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2021.

Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc là chủ đề nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam và truyền thông Tháng Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2021.

Gia đình anh Trần Văn Cường - chị Nguyễn Thị Hương (ấp 7, xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cùng nhau nấu ăn, giải trí tại nhà trong thời dịch Covid-19. Ảnh: L.Na
Gia đình anh Trần Văn Cường - chị Nguyễn Thị Hương (ấp 7, xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cùng nhau nấu ăn, giải trí tại nhà trong thời dịch Covid-19. Ảnh: L.Na

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Văn hóa đã, đang và sẽ tổ chức nhiều hoạt động giúp các cặp vợ chồng, thành viên trong mỗi gia đình quan tâm, thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

* Nhiều hoạt động phù hợp trong thời dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tổ chức các hoạt động, sự kiện trên lĩnh vực xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình được ngành Văn hóa chuyển đổi cách thức thực hiện. Thay vì tập trung đông người, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, gặp gỡ…, nay được tổ chức trực tuyến, đẩy mạnh tuyên truyền cổ động xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp các gia đình từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch cũng như gắn kết tình cảm.

Theo đó, ngành Văn hóa đã tổ chức các lớp huấn nghiệp vụ công tác gia đình thông qua hình thức trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng công tác gia đình và phòng, chống bạo lực cho 11 huyện, thành phố. Nhiều chuyên đề đã được tổ chức như: gia đình thanh niên làm theo lời Bác; gia đình văn hóa Việt Nam với truyền thống yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc; gia đình văn hóa trong xây dựng nông thôn mới…

Chị Lê Thị Trang, chuyên viên Phòng Văn hóa - thông tin TP.Long Khánh cho biết, việc triển khai tập huấn trực tuyến trong thời điểm dịch bùng phát giúp không chỉ cán bộ làm công tác gia đình mà tất cả mọi người, những ai muốn tìm hiểu kiến thức, giao lưu với các gia đình văn hóa đều có thể tham gia. Đây là cách tiếp cận rất tiện lợi, hiện đại nhưng mang lại hiệu quả cao bởi không gò bó về mặt thời gian, độ “phủ sóng” rộng rãi từ tỉnh đến cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, ngành Văn hóa đã thực hiện hàng trăm băng rôn, pa-nô tuyên truyền công tác gia đình, tổ chức triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tỉnh Đồng Nai năm 2021. Trang bị 300 bộ đồng phục cho các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 30 tủ sách và 570 đầu sách cho các CLB gia đình trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngành duy trì chuyên mục Góc tư vấn gia đình trên website của Sở VH-TTDL hoạt động 24/24 giờ, kịp thời cung cấp thông tin và hỗ trợ tư vấn pháp lý về phòng, chống bạo lực.

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tập huấn công tác gia đình và tuyên truyền cổ động trực quan trong mùa dịch đã và đang giúp cơ sở được tiếp cận với báo cáo viên có chuyên môn, được trao đổi và giải đáp thông tin đầy đủ, trực tiếp. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, bởi cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động đa phần tận dụng những cái có sẵn nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trong mùa dịch; đồng thời, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra trong tình hình mới.

* Gắn kết tình cảm gia đình

Dịch Covid-19 đã và đang gây ra những xáo trộn không nhỏ trong xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về giá trị gia đình, cùng nhau gắn kết bằng các hoạt động mà ngày thường họ bận rộn, không có đủ thời gian dành cho nhau.

Nếu như trước đây gia đình anh Trần Văn Cường - chị Nguyễn Thị Hương (ấp 7, xã Phú Ngọc, H.Định Quán) ít có thời gần gũi, chia sẻ với nhau thì nay, anh chị có thêm nhiều thời gian dành cho nhau. Vợ chồng cùng nấu bữa cơm gia đình, cùng con giải trí tại nhà, nhắc nhở nhau hạn chế ra đường, đeo khẩu trang phòng bệnh... Chính thời gian hạn chế tập trung đông người, gia đình anh chị và các con thường xuyên ở nhà, trò chuyện, quan tâm để thấu hiểu nhau hơn.

Anh Cường cho biết, gia đình anh chủ yếu làm nông (trồng mía và khoai mì). Được một thời gian, anh bàn với vợ chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Ngoài 2,5ha trồng cây ăn trái và cây mì, gia đình anh còn đẩy mạnh chăn nuôi heo… Từ khi phát triển kinh tế bằng mô hình mới, anh ít có thời gian phụ vợ việc nhà, chị Hương một tay vừa buôn bán vừa quán xuyến việc gia đình, nuôi dạy con cái và tham gia các hoạt động phong trào của địa phương.

“Những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp này, 2 con của tôi đều nghỉ học, ở nhà. Mọi người trong gia đình không ai bảo ai, dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Chúng tôi thực hiện khuyến cáo hạn chế ra ngoài để tránh nguy cơ dịch bệnh. Vợ tôi tranh thủ hướng dẫn con chăm sóc các loại rau, tắm cho heo, cùng cha mẹ làm cỏ vườn… Nhờ đó, các con có thêm hiểu biết về những kỹ năng sống bổ ích” - anh Cường chia sẻ.

Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19, gia đình chị Chu Thị Thơm - anh Nguyễn Quốc Phương (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) sau giờ làm không còn ra đường vui chơi mà thay vào đó là trở về nhà. Chị Thơm cho hay, khi các quán xá hạn chế tập trung đông người, những dịch vụ giải trí như xem phim, văn nghệ đã tạm hoãn, anh Phương đã dần bỏ được thói quen la cà để về nhà ngay sau giờ làm. Căn nhà nhỏ của chị cũng vì thế trở nên ấm áp, rộn ràng hơn khi mọi người giúp nhau nấu cơm, quét nhà, rửa bát, dạy con học bài…

“Mỗi ngày, xem và nghe trên các phương tiện truyền thông số ca nhiễm Covid-19 tăng dần, chúng tôi không khỏi lo lắng. Lựa chọn cách về nhà sau giờ làm không chỉ giữ gìn sức khỏe, sự bình an cho bản thân tôi mà còn giữ cho gia đình và cộng đồng. Tôi cho rằng, gia đình có bình an, mạnh khỏe thì mới đem lại những điều hạnh phúc, tạo sự an tâm để xây dựng những giá trị khác trong cuộc sống, gìn giữ hạnh phúc bền lâu” - chị Thơm bộc bạch.

Ly Na

Tin xem nhiều