Báo Đồng Nai điện tử
En

Khí phách Đặng Đại Độ

10:10, 20/10/2008

Vùng đất Biên Hòa - Gia Định xưa có nhiều quan thanh liêm, chính trực với những cách hành xử được người dân ngưỡng mộ, yêu kính. Có nhiều người từ nơi khác đến Biên Hòa làm việc, trong chức trách của mình đã làm được nhiều việc có lợi cho dân, cho nước. Đặng Đại Độ là một con người đầy khí phách của đất Biên Hòa xưa.

Vùng đất Biên Hòa - Gia Định xưa có nhiều quan thanh liêm, chính trực với những cách hành xử được người dân ngưỡng mộ, yêu kính. Có nhiều người từ nơi khác đến Biên Hòa làm việc, trong chức trách của mình đã làm được nhiều việc có lợi cho dân, cho nước. Đặng Đại Độ là một con người đầy khí phách của đất Biên Hòa xưa.

 

Sử sách cho biết, Đặng Đại Độ là người huyện Phong Đăng, tỉnh Quảng Bình. Cha ông là Đặng Đại Lược, là vị quan thanh liêm. Đặng Đại Độ là người có tài, đỗ khoa thi Hương, được bổ làm văn chức. Hai cha con của ông làm quan đồng triều. Ông được bổ làm việc nhiều nơi với các vùng như: năm 1748 làm Ký lục Bình Khang, 1761 làm Ký lục Quảng Nam sau khi dẹp loạn ở  biên giới. Có một thời gian, Đặng Đại Độ được cử làm Ký lục Trấn Biên. Ông có cuộc sống thanh liêm, để tiếng khắp nơi.

 

Thời bấy giờ, có hai viên cai đội hầu cận chúa Nguyễn từ Phú Xuân đến Biên Hòa bắt ca nhi (con hát) để đưa về kinh đô. Vì ỷ mình là quan quân của triều đình, những tên cai đội này cậy thế, khinh người, làm nhiều điều ác đối với dân lành. Khi đến Trấn Biên (đất Biên Hòa - Gia Định xưa), những tên cai đội này tiếp tục thói hống hách, cậy thế cậy quyền làm dân ta thán. Ký lục Trấn Biên là Đặng Đại Độ liền sai bắt, căng ra đánh chết rồi treo ở cửa chợ.

 

Khi xử xong, Đặng Đại Độ nghĩ mình có tội khi giết quan quân triều đình mà chưa hỏi ý kiến nên ông mặc áo ngắn, đeo gông ngắn rồi đi bộ về kinh để chịu án. Chặng đường về kinh, Đặng Đại Độ dắt một người cháu đi theo. Người cháu cùng đi năn nỉ, xin ông đừng đi bộ để giữ gìn sức khỏe. Đặng Đại Độ trả lời: "Lại có hạng tội nhân tìm cách cho đỡ khổ à?". Sau hơn một tháng đi bộ, Đặng Đại Độ tới kinh thành, vào Bộ hình dâng đơn xin tới nhà ngục chờ xét xử. Bộ hình đem việc Đặng Đại Độ tâu lên, chúa Nguyễn cho triều kiến. Khi thấy ông không có triều phục, chúa Nguyễn sai người cấp cho.

 

Khi gặp chúa Nguyễn, Đặng Đại Đội nói rõ sự tình và xin chịu tội. Chúa Nguyễn an ủi, dụ rằng: "Khanh có tội gì đâu mà phải đọa đày mình khổ sở đến như vậy. Chỉ vì trẫm buồn phiền mệt nhọc nên mới bảo chúng nó tìm đôi đứa con hát về kinh giúp trẫm tiêu khiển, không dè chúng cậy thế hiếp người, giở thói làm càn, khanh giết đi là phải".

 

Cảm khái trước hành động công minh, thương dân của bề tôi, chúa Nguyễn Phúc Khoát không những không trách hành động của Đặng Đại Độ mà còn thăng ông làm Tuần phủ Gia Định, lại chuẩn cho đi tuần khắp năm phủ (Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận), được quyền thăng giáng các quan lại nơi ấy khi cần thiết. Hành động cương trực, an dân của Đặng Đại Độ được xem là dũng khí của bậc đại thần, nhân dân ngưỡng mộ và lưu truyền trong lịch sử.

Phan Tâm Duyên

Tin xem nhiều