"Bà tỷ phú về thăm quê": "Việt hoá" vở kịch nổi tiếng của Thụy Sĩ

08:11, 28/11/2006

"Bà tỷ phú về thăm quê" - vở kịch được trình diễn khắp các sân khấu thế giới trong suốt 50 năm qua kể từ khi ra đời - vừa đến với sân khấu Việt Nam trong một "hình hài" mới.

Một cảnh trong vở "Bà tỷ phú về thăm quê" do Nhà hát kịch dàn dựng.

"Bà tỷ phú về thăm quê" - vở kịch được trình diễn khắp các sân khấu thế giới trong suốt 50 năm qua kể từ khi ra đời - vừa đến với sân khấu Việt Nam trong một "hình hài" mới.

 

* Việt Nam hóa

 

Ê kíp dàn dựng vở kịch gồm đạo diễn, họa sĩ và nhạc sĩ nước ngoài, cùng với 50 diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam đã cố gắng "Việt hóa" Bà tỷ phú đến từng chi tiết nhỏ. Tên nhân vật, địa danh... trong vở kịch đều được thay đổi bằng tiếng Việt. Bà tỷ phú Claire Zara trở thành bà Cala Sắc Tí, người yêu của bà thành ông In, rồi khu rừng có tên Ông Cống, khách sạn Hoàng Hoa... Đặc biệt, dàn đồng ca với những giai điệu của "Trống cơm", "Bèo dạt mây trôi" vang khắp khán phòng đã thực sự tạo được ấn tượng đối với khán giả Việt Nam trong đêm công diễn 25-11 vừa qua tại Hà Nội.

Sân khấu được thiết kế tối giản: toàn bộ phông nền sân khấu là cảnh nghèo nàn xơ xác của thị trấn Ghi-lèn, nơi bà tỷ phú sau bao năm phiêu dạt trở về thăm. Điều đó dường như đối lập với sự phô trương của cải, khoe khoang sức mạnh đồng tiền toát lên ở nhân vật chính của vở kịch - bà tỷ phú Cala Sắc. Bên cạnh đó, tính "toàn cầu" của vở kịch - vốn được cả thế giới biết đến ngay từ khi ra đời - vẫn được bảo đảm, khi bản phụ đề bằng tiếng Anh (khá sát với lời thoại tiếng Việt) được chạy trên một góc màn hình kín đáo phía trên cao sân khấu.

Cách làm việc của đạo diễn Rudolph Straub đã để lại cho các nghệ sĩ Trọng Phan (vai In), Thu Hà (vai Cala  Sắc) và các đồng nghiệp nhiều bài học quý. Nghệ sĩ Hạnh Đạt, người đóng vai một nhân chứng mù trong vở kịch cho biết: "Ông ấy không bao giờ áp đặt cái gì lên diễn viên. Ông ấy thực sự không "hướng dẫn" chúng tôi cái gì cả. Chúng tôi chỉ trình diễn ra hết những kỹ năng, những suy nghĩ của mình, và cuối cùng, ông ấy chọn lấy những phương án tốt nhất, phù hợp nhất, rồi "thỏa thuận", bàn bạc với chúng tôi,  chứ ông ấy không bao giờ bảo: anh phải làm thế này, chị phải làm thế kia. Vì thế, chúng tôi được mặc sức sáng tạo". 

Cùng với đạo diễn Thụy Sĩ và hai chuyên gia người Đức: họa sĩ Marion Hauer và thiết kế âm thanh Pierre Oser, các diễn viên Nhà hát kịch đã "vật lộn" với "Bà tỷ phú về thăm quê" trong hai tháng liền, nhiều ngày ăn ngủ "tại trận", và mặc dù phải thay đổi người đóng vai chính giữa chừng, nhưng giờ đây, họ cảm thấy hoàn toàn hài lòng về tác phẩm của mình.

 

* Một vở kịch toàn cầu

 

Ông Xavier Augustin, Giám đốc Viện Goethe cho biết: "Bà tỷ phú về thăm quê" là một vở kịch nổi tiếng ngay từ khi mới xuất hiện. Nó là một thành công vang dội, để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp của tiểu thuyết gia và kịch tác gia Friedrich Dürrenmatt.  "Bà tỉ phú về thăm quê" đã được dàn dựng trên sân khấu 40 nước trên thế giới trong suốt gần 50 năm qua. Ở nước Đức và cộng đồng các nước nói tiếng Đức như Áo, Thụỵ Sĩ... đã có hàng trăm cách dàn dựng, trên nhiều sân khấu khác nhau. Đặc biệt, "Bà tỷ phú về thăm quê" cũng không chỉ nổi trội trên sân khấu kịch. Hollywood đã đưa vở kịch này trở thành một tác phẩm điện ảnh kiểu Mỹ với những tài tử màn bạc sáng giá. Một hãng phim ở nước Senegal cũng dựng thành phim theo kiểu châu Phi với những tình huống bi hài sâu sắc. Mặc dù thông điệp về sức mạnh ghê gớm của đồng tiền là một thông điệp muôn thuở và không chỉ có Friedrich Dürrenmatt đề cập trong vở kịch này, nhưng bằng những chi tiết dị biệt, vừa bi vừa hài, ông đã có được một tác phẩm để đời. Chỉ riêng việc khai thác những nét dị biệt trong nhân vật bà tỷ phú, mà mỗi một quốc gia, mỗi một sân khấu, mỗi đoàn kịch lại có một cách khai thác riêng, phù hợp với nền văn hóa, với nhiều góc nhìn, nhiều cách thể hiện.

Tại Việt Nam, suốt ba tiếng đồng hồ trong buổi công diễn, khán giả cười trong từng hành động của các nhân vật,  về những đổi thay chóng mặt nhuốm màu sắc vừa bi vừa hài của thị trấn Ghi-lèn, cười về thói thường của người đời trước sự cám dỗ của vật chất... Vậy nhưng, cái bi lại nằm ẩn sâu đằng sau những tình huống hài hước đó. Trong trường đoạn sám hối của nhân vật In, ý nghĩa ẩn sâu đó loé lên, thức tỉnh lương tri con người.

Sau hai đêm tại Nhà hát Lớn (chủ yếu là vé mời), vở kịch sẽ được tiếp tục công diễn tại Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc Nhà hát kịch cho biết, theo đuổi dự án này trong hai năm, ông hy vọng, sẽ thu hút người xem.

Hồng Minh

 

Tin xem nhiều