Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới

Phương Hằng
08:39, 12/03/2024

Tình hình thế giới hiện có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo. Trong khi ở trong nước, nền kinh tế đang phục hồi nhưng còn nhiều vấn đề xã hội đang diễn ra; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… Những vấn đề này đang đặt ra yêu cầu mới đối với Đảng trong lãnh đạo, cầm quyền.

PGS-TS Phạm Tất Thắng.

Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phải nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định.

Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội

* Thưa PGS-TS Phạm Tất Thắng, thế nào là năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng?

- Có thể hiểu, năng lực lãnh đạo là năng lực cần có để chủ thể lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo thể hiện chủ yếu ở năng lực kiến tạo tầm nhìn và hoạch định chủ trương chiến lược; năng lực tổ chức thực hiện; năng lực kiểm tra, giám sát và đánh giá tổng kết việc thực hiện.

Đối với khái niệm “đảng cầm quyền” được dùng ở cả các nước tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ở các nước tư bản chủ nghĩa, khái niệm này dùng để chỉ đảng thắng cử thông qua bầu cử cạnh tranh, giành được đa số ghế trong nghị viện, được quyền thành lập chính phủ. Người đứng đầu chính phủ là tổng thống hoặc thủ tướng, là người của đảng thắng cử.

Còn đảng cộng sản cầm quyền là đảng đã giành được địa vị cầm quyền thông qua cuộc đấu tranh cách mạng vô sản hoặc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, lật đổ bộ máy chính quyền của giai cấp bóc lột, thiết lập một nhà nước kiểu mới - nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để thực hiện mục đích cao cả của Đảng là xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) và chủ nghĩa cộng sản.

Ở Việt Nam, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền và là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, hệ thống các tổ chức tư vấn chính sách phải tìm kiếm được các phương án chính sách phù hợp, loại bỏ được hiện tượng “lợi ích nhóm”, tham nhũng chính sách, từ đó đề ra được chủ trương, chính sách có tính đổi mới.

* Ông nhận định như thế nào về thực trạng năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng ta hiện nay?

- Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá rất khách quan, toàn diện những ưu điểm, hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Về ưu điểm năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, đó là công tác lý luận và việc phát triển lý luận, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta rất quan tâm công tác lý luận nói chung, công tác nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng. Nhờ đó, chúng ta đã hình thành được hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, hệ thống lý luận đó ngày càng được bổ sung, phát triển qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng. Năng lực dự báo, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng được nâng lên rõ rệt. Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được đặc biệt chú trọng, xây dựng Đảng về tư tưởng được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội. Việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị được triển khai thực hiện quyết liệt ở các cấp với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét; bước đầu khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm đã tồn tại trong thời gian dài. Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ có nhiều đổi mới.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường, củng cố, đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác dân vận và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân được củng cố, tăng cường. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, nhất là đổi mới việc ban hành đường lối, chủ trương, nghị quyết; công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát và tăng cường sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Đổi mới để phù hợp với điều kiện mới

* Theo ông, đâu là những vấn đề đặt ra đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng hiện nay?

- Theo tôi, có 5 vấn đề lớn đặt ra phải nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng hiện nay, đó là vấn đề toàn cầu hóa, sự phát triển của xã hội thông tin và “thời đại dữ liệu lớn”; kinh tế tri thức và một “thời đại thay đổi” với những vấn đề nâng cao năng lực học tập, đổi mới và sáng tạo của Đảng, đảng viên hiện nay; dân chủ hóa chính trị trên thế giới với vấn đề dân chủ hóa Đảng và Đảng lãnh đạo tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam; kinh tế thị trường và sự biến đổi của các lĩnh vực dưới sự tác động của kinh tế thị trường với vấn đề củng cố, mở rộng cơ sở xã hội của Đảng cũng như tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN với vấn đề “pháp quyền hóa” hoạt động lãnh đạo và cầm quyền của Đảng hiện nay.

* Để giải quyết những vấn đề đang đặt ra, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới như thế nào, thưa ông?

- Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ lần thứ XIII của Đảng đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

10 nhiệm vụ này gồm: tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị; củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Từ góc độ nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng cũng như từ một số vấn đề đặt ra ở trên có thể nêu một số vấn đề cần quan tâm nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng như sau: đó là phải nắm vững những yêu cầu căn cốt nhất đối với Đảng cầm quyền, xác định được tầm nhìn, hoạch định được đường lối đúng đắn; lãnh đạo để xây dựng một nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân.

Tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức nhằm ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Thực hiện tốt phương châm “Nhân dân là trung tâm”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động của Đảng cũng như chuyển sổi số trong tổ chức Đảng nhằm góp phần tăng cường nguồn lực cầm quyền của Đảng hiện nay.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Hằng (thực hiện)

Tin xem nhiều