Để hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các ứng dụng từ công nghệ số, H.Long Thành đã thành lập 81 tổ công nghệ số cộng đồng.
Để hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các ứng dụng từ công nghệ số, H.Long Thành đã thành lập 81 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ).
Tổ công nghệ số cộng đồng khu 14, xã Long Đức (H.Long Thành) hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng số. Ảnh: H.Lộc |
Nhờ các tổ CNSCĐ này, người dân sử dụng các nền tảng số, công nghệ số ngày một nhiều. Đây cũng là mục tiêu của chương trình chuyển đổi số.
* Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hướng dẫn từng người
Đây là việc làm hàng tuần của Tổ CNSCĐ Khu 14, xã Long Đức. Anh Phạm Ngọc Anh Tú, Bí thư Chi đoàn kiêm Tổ phó tổ CNSCĐ cho biết, khi nào có điều kiện là các thành viên trong tổ hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng: tạo tài khoản công dân số, sổ sức khỏe điện tử; thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Việc làm của tổ đã giúp nhiều người thay đổi nhận thức, thói quen về sử dụng công nghệ.
“Chúng tôi đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hướng dẫn từng người cài đặt, sử dụng các ứng dụng số. Ban đầu, người dân còn e dè, nhưng khi biết tiện lợi của các ứng dụng thì hào hứng cài đặt” - anh Tú chia sẻ.
Xác định mỗi công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan và đoàn viên thanh niên là một công dân xung kích, gương mẫu trong chuyển đổi số, H.Long Thành đã thành lập 81 tổ CNSCĐ. Nòng cốt là của tổ là bí thư, trưởng ấp/khu phố và đoàn viên thanh niên. Nhiệm vụ của các tổ là tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng số một cách hiệu quả và an toàn.
Bà Đặng Thị Thành, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ ấp Đất Mới, xã Long Phước cho biết, để trở thành tuyên truyền viên, các thành viên trong tổ phải tham gia bồi dưỡng, tập huấn về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số. Cài đặt, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số trước. Ngoài ra, còn đòi hỏi sự năng nổ, trách nhiệm, dành thời gian hướng dẫn mọi người.
“Chúng tôi tập trung hướng dẫn các ứng dụng liên quan trực tiếp đến từng cá nhân, thanh toán tiền qua ứng dụng, làm thủ tục hành chính qua mạng. Ngoài ra, hướng dẫn người dân theo dõi, nắm bắt thông tin chính thống của huyện từ trang Facebook Tuyên giáo Long Thành, Zalo UBND H.Long Thành…” - bà Thành cho hay.
Anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ KP.Phước Hải, TT.Long Thành) cho biết, anh từng rất e ngại khi đưa thông tin cá nhân lên các ứng dụng số, tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và được hướng dẫn sử dụng an toàn nền tảng số, việc kinh doanh của anh đã thuận lợi hơn nhiều.
“Tôi kinh doanh thú cưng và các phụ kiện đi kèm. Trước đây, tôi chỉ bán tại shop và nhờ người thân, bạn bè giới thiệu. Nhờ sử dụng các kênh bán hàng trên không gian mạng, giờ đây tôi có thể mua bán, trao đổi hàng hóa khắp cả nước. Tôi cũng học hỏi được không ít kinh nghiệm từ người khác” - anh Bình nói.
Sử dụng các nền tảng số là cách giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi hơn khi thực hiện các giao dịch hành chính, mua bán. Khi mỗi người dân đều trở thành công dân số sẽ tạo nền tảng xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế - xã hội số. Tổ CNSCĐ là giải pháp giúp cho phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống diễn ra nhanh hơn.
* Hướng đến chính quyền số
Thời gian này, Đảng bộ và chính quyền H.Long Thành đang tập trung cho việc thay đổi tư duy, nhận thức, giúp người dân đến gần hơn với không gian số. Đó là bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho các tổ CNSCĐ; khuyến khích ứng dụng và sáng kiến mô hình đẩy nhanh chuyển đổi số.
Phó chủ tịch UBND xã Tam An Quản Thế Nhân cho biết, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xã đã thành lập 5 tổ CNSCĐ hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số và tương tác với cơ quan nhà nước qua các nền tảng số. Tại mỗi khu dân cư trong ấp có các nhóm Zalo để trao đổi thông tin, đăng thông báo. Xã cũng thành lập 3 tổ hỗ trợ các ấp và bộ phận tiếp nhận trả kết quả của xã.
Chỉ trong 4 tháng vừa qua, xã Tam An đã hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng định danh đạt 20%, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến Đồng Nai đạt 44%, người dân thường trú làm căn cước công dân đạt 100%... Mặc dù vậy, vẫn còn những chỉ tiêu đạt thấp như: thanh toán điện tử do người lớn tuổi không sử dụng điện thoại thông minh, xã chưa có sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện cho rằng, để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công, mua sắm và thanh toán trực tuyến hiệu quả, an toàn, huyện đã thành lập 81 tổ CNSCĐ. Đây là lực lượng gần dân, sát dân và là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Hoạt động của các tổ đã có bước chuyển biến tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, không còn riêng trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công.
Do mô hình còn mới nên tổ CNSCĐ gặp các khó khăn như: nhận thức của người dân về chuyển đổi số chưa cao. Một số thành viên trong tổ chưa thành thạo trong sử dụng các nền tảng, dịch vụ, công nghệ số. Cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi số như: điện thoại thông minh, máy tính, internet chưa phổ cập đến 100% người dân. Không có kinh phí hỗ trợ các tổ công nghệ số.
Thời gian tới, H.Long Thành tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ CNSCĐ; tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng số đến người dân qua nhiều hình thức. Phối hợp với các ngân hàng, nhà mạng phát triển các nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp sử dụng một cách thuận lợi, an toàn. Huyện đề nghị các trường học ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học, giúp học sinh tiếp cận công nghệ thông tin từ ghế nhà trường.
Hoàng Lộc