Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả sau 3 năm làm nông nghiệp hàng hóa

06:10, 04/10/2022

Sau 3 năm bắt tay thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, H.Xuân Lộc đã hình thành được các vùng chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn; thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư trang trại, cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm.

Sau 3 năm bắt tay thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, H.Xuân Lộc đã hình thành được các vùng chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn; thu hút được nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư trang trại, cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm.

Nông dân vùng chuyên canh thanh long xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc vườn. Ảnh: H.Lộc
Nông dân vùng chuyên canh thanh long xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc vườn. Ảnh: H.Lộc

Nhờ vậy, giá trị sản phẩm nông nghiệp, thu nhập bình quân của người dân không ngừng được cải thiện. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đưa địa phương sớm về đích NTM kiểu mẫu.

* Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa

Cánh đồng xã Lang Minh là vựa lúa lớn của H.Xuân Lộc với diện tích 400ha. Vì mùa khô thiếu nước, nông dân mạnh ai nấy làm nên trên cùng cánh đồng nhưng ruộng gieo lúa, ruộng trồng bắp, ruộng làm hoa màu, dễ phát sinh sâu bệnh, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình lúa - bắp kết hợp, tình trạng thiếu nước sản xuất mùa khô đã được giải quyết, cơ giới hóa trở nên thuận lợi và thu nhập bình quân/ha gấp 2-3 lần so với trước.

Ông Nông Văn Quý (ngụ ấp Đông Minh, xã Lang Minh) cho biết, khi chuyển sang mô hình 2 bắp - 1 lúa kết hợp, trên cánh đồng trồng cùng giống cây, cùng thời điểm nên việc cày xới, lấy nước, bón phân và cả thu hoạch, bán sản phẩm đều thuận lợi. Chính những thuận lợi này giúp nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, diện tích đất trồng lúa được giữ lại.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc, trên địa bàn huyện hiện có hơn 100 vùng sản xuất tập trung, hơn 220 trang trại với 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Thời gian qua, địa phương đã xây dựng được 15 mã vùng trồng, 11 chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ, hơn 50 mã hàng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã có ít nhất 2 mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn và liên kết theo chuỗi giá trị; H.Xuân Lộc được công nhận huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.

Vùng sầu riêng Xuân Định trước đây phần lớn là giống sầu riêng hạt cũ, chăm sóc theo quy trình thông thường nên năng suất, giá trị kinh tế không cao. Hiện tại, đây là vùng sầu riêng Ri6, sầu riêng Thái nổi tiếng của tỉnh và sản phẩm tiêu thụ thuận lợi với giá cao hơn bình quân trên thị trường.

Chủ tịch UBND xã Xuân Định Nguyễn Thanh Hương cho hay, xác định cây sầu riêng là thế mạnh nên xã chọn phát triển mô hình sản xuất hàng hóa. Xã bắt tay xây dựng thí điểm vườn mẫu, vùng sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nhân rộng ra các vườn. Hiện HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định đang bao tiêu đầu ra của khoảng 70% sản lượng sâu riêng toàn xã với giá cao hơn bình quân chung thị trường. Từ năm 2019 đến nay, giữa nông dân và HTX chưa xảy ra “vỡ” hợp đồng. Mới đây, sầu riêng Xuân Định được duyệt mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Lê Thị Hiệp cho rằng, sau 3 năm thực hiện thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, H.Xuân Lộc đã hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô lớn như: sầu riêng (xã Xuân Định), chôm chôm (xã Bảo Hòa); lúa - bắp (xã Xuân Phú, xã Lang Minh); vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn với dịch bệnh và môi trường tại các xã Xuân Hòa, Xuân Trường, Xuân Thọ. Không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát dịch bệnh, thuận lợi cho cơ giới hóa, các vùng này là cơ sở tạo ra khối lượng hàng hóa nhiều, chất lượng tương đồng tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho nông dân.

* Tạo điều kiện thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Theo Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Lê Thị Hiệp, nhờ lựa chọn mô hình đúng với lợi thế, cùng với các chính sách ưu tiên, ưu đãi trong thu hút đầu tư, ngành Nông nghiệp huyện đang được tái cơ cấu lại theo hướng bền vững. Số lượng chuỗi liên kết, trang trại nông nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và số lượng sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ngày càng nhiều. 

Hiện hầu hết các xã đều có vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn (hơn 50ha) được tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, HTX, tổ hợp tác, CLB năng suất cao và hình thành liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Chủ thể chuỗi liên kết đa phần là HTX, vừa định hướng nông dân sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, vừa hỗ trợ đầu ra cho xã viên bằng cách đầu tư hệ thống kho chứa, sân phơi, xưởng chế biến ngay tại vùng nguyên liệu; liên kết với đối tác tiêu thụ sản phẩm ở chợ, siêu thị và xuất khẩu.

 Về chăn nuôi, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, H.Xuân Lộc trở thành ‘’thủ phủ” chăn nuôi của tỉnh với hơn 220 trang trại, khoảng 400 ngàn con heo và trên 6 triệu con gia cầm. Chăn nuôi trang trại ở H.Xuân Lộc có đặc điểm đa phần theo mô hình khép kín, an toàn sinh học, có sự tham gia đầu tư hoặc hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp. Trong đó, có những trang trại tuần hoàn từ nguyên liệu đầu vào (thức ăn chăn nuôi) đến đầu ra (phân bón hữu cơ phục vụ lại cho nông nghiệp).

Từ những kết quả này đã giúp cho giá trị sản xuất bình quân của 1ha đất nông nghiệp đạt gần 340 triệu đồng, thu nhập bình quân người dân đạt 72 triệu đồng/người/năm (số liệu năm 2021).

Theo đánh giá của huyện, qua 3 năm triển khai mô hình diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, bước đầu hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao như: trang trại nuôi heo kết hợp trồng rau quả theo hướng kinh tế tuần hoàn; làm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái… Các phong trào như: xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, khu dân cư kiểu mẫu được người dân hưởng ứng tích cực.

Tại hội nghị đối thoại với nông dân diễn ra vừa qua, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Cát Tiên chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện tiếp tục phối hợp với các ngành của tỉnh, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; phát triển các chuỗi liên kết, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều