Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã kiểu mẫu hành chính công của tỉnh

09:04, 28/04/2021

Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 4 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, duy nhất xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ được công nhận kiểu mẫu với mô hình hành chính công.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 4 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, duy nhất xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ được công nhận kiểu mẫu với mô hình hành chính công.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Xuân Quế. Ảnh: H.Lộc
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Xuân Quế. Ảnh: H.Lộc

So với các phường, xã khác trên địa bàn tỉnh, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở xã Xuân Quế diễn ra nhanh hơn, tỷ lệ hồ sơ chứng thực lưu động cũng cao hơn.

* Nhanh chóng, tiện lợi

Ấn tượng đầu tiên của người dân khi đến UBND xã Xuân Quế là dòng chữ đỏ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) chạy liên tục trên bảng điện tử. Kế đó là một bảng lớn niêm yết công khai biểu mẫu, các loại thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của xã, quy trình tiếp nhận và thời gian giải quyết hồ sơ. Bên trong căn phòng chừng 50m2 có 2 dãy ghế, một dãy dành cho công dân ngồi làm thủ tục và một dãy dành cho người ngồi chờ. Phòng có máy tính kết nối mạng cho người dân truy cập thông tin, có bàn hướng dẫn quy trình làm thủ tục. Phía bên trong, các tủ hồ sơ được thiết kế gọn gàng, theo từng lĩnh vực. Trong phòng còn có quạt mát, nước uống phục vụ miễn phí…

Ông Nguyễn Văn Từng (ấp 2) đến làm thủ tục xác nhận thường trú tại địa phương chia sẻ: “Khu vực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của xã rất rộng rãi, thoáng mát. Giấy tờ của tôi được ký trong khoảng 5 phút, không phải chờ đợi”. Không chỉ riêng lần này, các lần khác ông Từng đến xã cũng được giải quyết hồ sơ nhanh nên ông rất hài lòng. 

Ngày 15-3-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký Quyết định số 857/QĐ-UBND về việc công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020, trong đó có xã Xuân Quế. Điểm nổi bật trong công tác cải cách hành chính ở xã Xuân Quế đó là: hồ sơ chứng thực được giải quyết trực tiếp; hồ sơ của công dân ngoại tỉnh giải quyết trong ngày. Năm 2020, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,9%, tỷ lệ hồ sơ chứng thực lưu động là 26%; 2 cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ được biểu dương trước cờ và không có cán bộ bị phê bình, khiếu nại.

Ba Đỗ Thị Trang (ấp 2) cho hay: “Hôm nay tôi đến UBND xã Xuân Quế để làm hồ sơ nhà đất. Cán bộ địa chính hướng dẫn nhiệt tình nên tôi làm được ngay trong buổi sáng. Tôi cũng rất cảm ơn cán bộ đã tạo điều kiện để người dân giải quyết nhanh các thủ tục hành chính”.

Tại bộ phận một cửa xã Xuân Quế, số điện thoại đường dây nóng của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND xã, phụ trách bộ phận một cửa được công khai. Bên cạnh đó là thùng thư góp ý để người dân kiến nghị, đóng góp ý kiến, thậm chí phản ảnh nếu cán bộ có thái độ khó dễ, nhũng nhiễu.

Trước đây, mỗi lần lên xã chứng thực giấy tờ, ông Khương Lê Minh (ấp 4) phải đi 2-4 lần. Nhưng 2 năm trở lại đây, ông Khương không phải đi lại nhiều như vậy nữa. Nguyên nhân là do ở nhà văn hóa ấp có dán thông báo các loại thủ tục hành chính xã giải quyết, các loại giấy tờ cần thiết phải mang theo. Từng lĩnh vực đều có số điện thoại cán bộ tiếp nhận hồ sơ để người dân gọi hỏi thông tin, chuẩn bị giấy tờ và đặt lịch hẹn. “Mình gọi điện thoại cán bộ tư vấn rất tận tình. Mình ngồi nhà hoàn thiện hồ sơ rồi đến xã xin xác nhận, không phải đi nhiều lần. Tình trạng cán bộ “hành dân” cũng không còn do có các hình thức đánh giá mức độ hài lòng” - ông Khương cho hay.

* Cán bộ ngồi… chờ dân

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quế Võ Hồng Hạnh cho biết, so với các mô hình kiểu mẫu về: giảm nghèo, hạ tầng, thu nhập… mô hình kiểu mẫu hành chính công khó thực hiện hơn bởi ngoài hạ tầng công nghệ, kết quả công tác giải quyết hồ sơ hành chính còn phụ thuộc nhiều vào trình độ, cái tâm của cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đánh giá cảm quan của người dân, doanh nghiệp. Xã lựa chọn mô hình hành chính công để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu bởi trước đó, bộ phận một cửa hoạt động khá hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn luôn đạt mức cao. Không chỉ người dân trong xã, công dân các xã lân cận cũng đến đây chứng thực giấy tờ.

Theo ông Hạnh, để nâng cao sự hài lòng của người dân, xã đã nâng cấp phòng làm việc, đầu tư hệ thống máy vi tính, phần mềm liên thông dữ liệu cấp huyện và tỉnh, bảng tin điện tử; xin biên chế thêm 2 cán bộ cho bộ phận một cửa. Bên cạnh việc niêm yết Bộ thủ tục hành chính và các quy định về cải cách hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã ở trụ sở theo quy định, xã cho dán thông báo ở nhà văn hóa 4 ấp, tuyên truyền trên loa phát thanh và thông qua hội nghị của các tổ chức đoàn thể. Về giờ làm việc, bộ phận một cửa phải đến sớm hơn 30 phút (7 giờ) để tiếp nhận hồ sơ. “Lúc trước, hồ sơ tiếp nhận sau 10 giờ sáng và 15 giờ 30 là chuyển sang buổi làm việc kế tiếp nhưng hiện tại xã phân công cán bộ trực ký giấy tờ cho người dân cho đến khi hết giờ hành chính. Hồ sơ của người ngoại tỉnh theo quy định giải quyết trong 1-3 ngày làm việc nhưng xã giải quyết trong ngày” - ông Hạnh cho hay.

Ông Hứa Văn Hậu, phụ trách bộ phận một cửa xã Xuân Quế chia sẻ thêm, từ năm 2018 đến nay, bộ phận một cửa đẩy mạnh chứng thực hồ sơ tại nhà cho người dân. Các trường hợp được chứng thực hồ sơ tại nhà là người già yếu, người bệnh không đi lại được, người có công đã lớn tuổi. Người có nhu cầu chứng thực hồ sơ tại nhà có thể gọi điện thoại hoặc nhờ con cháu thông báo cho bộ phận một cửa. Bộ phận một cửa sẽ cử người đến nhà chứng thực hồ sơ. “Năm đầu tiên triển khai hình thức này chỉ có 7% hồ sơ chứng thực lưu động tại nhà. Nhưng năm 2020 con số này đã lên đến tới 26%, trong khi quy định là 15%” - ông Hậu thông tin.

Theo lãnh đạo xã Xuân Quế, để từng bước chuẩn hóa quy trình, xã tiếp tục được đầu tư công nghệ, đổi mới cách làm theo hướng nhanh, thuận lợi cho người dân. Trong phân công nhiệm vụ, Chủ tịch UBND xã là trưởng bộ phận một cửa; trực tiếp tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân; kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ phận này.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều