Thành phố Biên Hòa đang lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045. Một trong những mục tiêu cụ thể mà đồ án hướng đến chính là việc phát triển đô thị Biên Hòa theo hướng xanh, bền vững.
Thành phố Biên Hòa đặt mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông xanh. Ảnh: P.Tùng |
Đây cũng là một trong các mục tiêu cụ thể để hướng tới hoàn thành mục tiêu chung của Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 là chuyển dần mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”.
Tạo lập không gian đô thị xanh
Thành phố Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh. Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận thành phố Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, trải qua gần 10 năm được công nhận, đến nay thành phố Biên Hòa vẫn còn một số tiêu chí của đô thị loại I chưa thực hiện hoàn thành. Trong đó có các tiêu chí về công viên cây xanh. Điều này dẫn đến tình trạng đô thị Biên Hòa hiện là một trong những đô thị thiếu hụt những mảng xanh đô thị trầm trọng.
Đối với thành phố Biên Hòa, trong số các tiêu chí còn thiếu và cần hoàn thiện đối với đô thị loại I, có tiêu chí liên quan đến phát triển xanh là đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị bình quân đầu người. Cụ thể, theo tiêu chuẩn, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị bình quân đầu người phải đạt từ 5-6m2/người. Tuy nhiên, thành phố Biên Hòa hiện đạt rất thấp. Cùng với đó, thành phố Biên Hòa cũng chưa có công trình xanh nào, trong khi để đạt tiêu chí này phải có từ 1-2 công trình xanh. Bên cạnh đó, tiêu chí về đất cây xanh toàn đô thị bình quân đầu người hiện Biên Hòa cũng chưa đạt điểm tối đa theo tiêu chuẩn.
Từ thực tế đó, một trong những mục tiêu được đặt ra trong quá trình lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 là phải gia tăng các mảng xanh. Từ đó, tạo lập không gian đô thị xanh nhằm hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng; đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng, an ninh của vùng và quốc gia.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho biết, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa là nền tảng cho sự phát triển đồng bộ, hài hòa và bền vững của đô thị trong những năm tới. Quy hoạch không chỉ là sắp xếp không gian đô thị, mà còn là chìa khóa để giải quyết các vấn đề về giao thông, dân cư, môi trường và kinh tế, giúp Biên Hòa hoàn thành đầy đủ các tiêu chuẩn của đô thị loại I. Từ đó, góp phần quan trọng để thành phố phát triển theo hướng thông minh, xanh và bền vững.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho hay phương án tạo lập cảnh quan không gian xanh đô thị Biên Hòa trong Dự thảo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 có phương hướng trọng tâm là tạo không gian xanh dọc sông Đồng Nai, sông Cái, suối Săn Máu... là hợp lý trong tổng thể kịch bản phát triển. Tuy nhiên, điều này cần được thể hiện rõ hơn trong các bản vẽ để cụ thể hóa khi triển khai thực hiện.
Theo Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam, trong Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, các khu vực xanh và không gian công cộng phải được ưu tiên nhằm cải thiện môi trường sống. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số trong quản lý đô thị sẽ giúp thành phố phát triển bền vững hơn.
Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh
Một trong những hạn chế lớn nhất của đô thị Biên Hòa hiện nay là hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) như đường giao thông, hệ thống thoát nước đang bị quá tải so với nhu cầu.
Chính vì vậy, một trong những mục tiêu lớn của thành phố Biên Hòa là phải đầu tư để xây dựng hệ thống HTKT đồng bộ, xanh, thông minh nhằm góp phần tạo dựng không gian đô thị xanh.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Phó cục trưởng Cục HTKT (Bộ Xây dựng), cho biết đô thị xanh, hạ tầng đô thị xanh là khái niệm mới trong quy hoạch đô thị tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong đó, hạ tầng đô thị xanh là việc phát triển các công trình HTKT (gồm các đối tượng cơ bản là giao thông, chiếu sáng, cấp nước, cao độ nền thoát nước và xử lý nước thải, thông tin liên lạc…) và các công trình hạ tầng xã hội (gồm công viên, cây xanh…) trong đô thị theo hướng xanh, an toàn và bền vững.
Như vậy, theo tiến sĩ Trần Anh Tuấn, HTKT, hạ tầng đô thị xanh trong quy hoạch đô thị được triển khai với 3 cấp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Với đô thị Biên Hòa, tiến sĩ Trần Anh Tuấn đề xuất có thể xem xét xác định các mục tiêu riêng cho từng đối tượng HTKT theo định hướng xanh gồm: giao thông xanh; cao độ nền, thoát nước xanh; hạ tầng cấp nước xanh; hạ tầng chiếu sáng xanh; hạ tầng thu gom, xử lý chất thải rắn xanh và hạ tầng thông tin liên lạc xanh (hạ tầng viễn thông thụ động).
Đối chiếu với Dự thảo Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn cũng đã đưa ra mục tiêu ưu tiên phát triển hệ thống HTKT xanh, ứng dụng khoa học - công nghệ tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Bố trí các trung tâm điều hành tập trung để quản lý vận hành hệ thống HTKT đô thị.
Trong đó, để phát triển hạ tầng giao thông xanh, sẽ quy hoạch hệ thống giao thông công cộng với các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt điện và xe đạp công cộng kết nối với các khu vực quan trọng trong thành phố. Đồng thời, xây dựng các tuyến đường riêng biệt cho người đi bộ và xe đạp gắn với không gian công cộng và thương mại, tích hợp với giao thông công cộng để khuyến khích việc sử dụng phương tiện xanh.
Với hệ thống thoát nước xanh sẽ sử dụng công nghệ xanh như: hồ chứa nước mưa, vườn mưa và hệ thống lọc nước tự nhiên giúp giảm nguy cơ ngập lụt và cải thiện chất lượng nước. Cùng với đó, thực hiện tái chế và tái sử dụng nước; thiết kế các công trình có hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa, nước thải đã qua xử lý cho các mục đích như: tưới cây, rửa xe hoặc làm mát.
Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời, tua bin gió trên các tòa nhà công cộng và tư nhân để phát triển hệ thống năng lượng xanh. Quy hoạch lưới điện thông minh để quản lý và phân phối năng lượng tái tạo hiệu quả. Cùng với đó, thiết lập các trung tâm tái chế gần các khu dân cư thuận lợi cho việc xử lý và giảm rác thải đưa ra bãi chôn lấp. Giảm thiểu rác thải nhựa và vật liệu không phân hủy; áp dụng các chính sách hạn chế sử dụng nhựa và khuyến khích sử dụng các vật liệu có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin