Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên kết nuôi ong mật xuất khẩu

Hoàng Lộc
08:34, 03/10/2023

Từ chỗ chỉ nuôi ong lấy mật bán cho thương lái, ông Lê Lộc Quân (ngụ ấp 94, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) đã thành lập cơ sở thu mua, chế biến mật ong xuất khẩu. Nhờ có sự hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm của ông Quân, hơn 30 trại ong đã có nguồn thu ổn định.

Chủ Cơ sở mật ong Quân Phát Lê Lộc Quân (trái) giới thiệu sản phẩm. Ảnh: H.LỘC
Chủ Cơ sở mật ong Quân Phát Lê Lộc Quân (trái) giới thiệu sản phẩm. Ảnh: H.LỘC

Hiện tại, bình quân mỗi năm cơ sở xuất khẩu hơn 1 ngàn tấn mật ong và tiêu thụ trong nước khoảng 300 tấn. 

* Hỗ trợ đầu tư, bao tiêu sản phẩm

Ông Lê Lộc Quân gắn bó với nghề nuôi ong từ những năm 2000. Ông cho biết, khi đó ông nuôi ong vì thấy vùng này có nguồn thức ăn phong phú cho ong mật. Những năm đầu, ông nuôi ong để khai thác mật bán cho các công ty nên lợi nhuận không cao.

Năm 2015, khi đã có kinh nghiệm và một số vốn kha khá, ông mạnh dạn thành lập Cơ sở mật ong Quân Phát. Ông tìm đến những người bạn nuôi ong trong và ngoài vùng đặt vấn đề hợp tác nuôi ong.

“Tôi hỗ trợ các trại nuôi về thùng nuôi ong, con giống, kỹ thuật, tài chính với điều kiện họ bán sản phẩm cho tôi. Ngoài ra, tôi còn làm việc với chính quyền địa phương nơi có vùng nguyên liệu để các trại di chuyển đàn ong đến đó mà không bị ngăn cản, làm khó dễ” - ông Quân chia sẻ.

Lúc đầu, ông Quân hợp tác với vài trại, về sau số lượng tăng lên 10 trại, 20 trại và hiện tại là hơn 30 trại ong.

Ông Lý Thanh Chương (ngụ ấp 94, xã Hưng Lộc) cho biết, ông được chủ cơ sở tin tưởng đầu tư hơn 150 thùng ong, chi phí thức ăn để khai thác mật ong bánh tổ (còn nguyên mật và sáp ong) xuất khẩu. Nhờ sự đầu tư này, mỗi tháng ông kiếm được
15-18 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các công việc khác ở nông thôn.

“Nuôi ong khai thác mật ong bánh tổ không dễ. Để có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tôi phải đảm bảo nguồn thức ăn tốt cho ong, khi mật vừa bít kín tổ khai thác sẽ có được bánh tổ màu vàng ươm, sáp không bị xỉn màu” - ông Chương nói.

Có được nguồn mật ong, ông Quân tìm đến các công ty xuất khẩu mật ong đặt vấn đề hợp tác theo hình thức góp cổ phần. Ông chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, đóng góp theo quy cách, còn đối tác chịu trách nhiệm tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Thời gian đầu chỉ xuất khẩu mật ong, sau đó ông nghiên cứu chế biến thêm các sản phẩm: mật ong lên men, mật ong bánh tổ, nước màu mật ong thay cho gia vị dùng trong nhà bếp.

Hiện bình quân mỗi năm Cơ sở mật ong Quân Phát xuất khẩu 1 ngàn tấn mật ong đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và khoảng 300 tấn tiêu thụ nội địa.

* Trở thành sản phẩm OCOP

Hiện nay, Cơ sở mật ong Quân Phát đang thực hiện song song 2 việc: tham gia đánh giá, bình chọn chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh và Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện. 

Ông Lê Lộc Quân cho biết, mặc dù đã có đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký thương hiệu để xuất khẩu nhưng cơ sở vẫn cần tham gia các chương trình của tỉnh, huyện để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc ngay trên sân nhà.

“Chúng tôi có các điểm bán hàng trực tiếp, kênh bán hàng trực tuyến nhưng số lượng hàng hóa tiêu thụ nội địa mới chỉ chiếm khoảng 1/3. Thời gian tới, cơ sở sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước. Tham gia chương trình OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn giúp chúng tôi khẳng định thương hiệu, niềm tin với khách hàng” - ông Quân cho hay.

Theo đánh giá của Cơ sở mật ong Quân Phát, có 2 sản phẩm còn nhiều dư địa phát triển ở thị trường nội địa lẫn nước ngoài là mật ong bánh tổ và gia vị nước màu từ mật ong. Ngoài ra, khai thác sữa ong chúa phục vụ ngành mỹ phẩm và propolis (keo ong) phục vụ ngành y dược cũng là tiềm năng giúp nâng cao giá trị mật ong, cải thiện hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Lộc Nông Quốc Thanh cho biết, trên địa bàn xã có hơn 10 cơ sở nuôi ong nhưng chỉ có Cơ sở mật ong Quân Phát vừa nuôi, vừa thu mua mật xuất khẩu. Hội Nông dân xã đang kết hợp với Hội Nông dân huyện và Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ chủ cơ sở làm chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để khách hàng trong nước biết đến, tin tưởng hơn vào sản phẩm nổi bật của địa phương.

Mặc dù quy mô không quá lớn nhưng mô hình liên kết nuôi ong mật xuất khẩu tại H.Thống Nhất đã và đang giúp các hộ dân có việc làm, thu nhập ổn định. So với các loài vật nuôi khác, ong mật không gây hại về môi trường sinh thái mà còn có lợi cho mùa màng của các loại cây ăn trái. Việc hỗ trợ cơ sở tham gia sân chơi OCOP sẽ góp phần duy trì và thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển. 

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều